Đây là ý kiến của PGS-TS. Trần Xuân Cầu, nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế Quốc dân) khi trao đổi với Thanh Niên về vấn đề "Lương công chức có đủ sống?".
Cào bằng lương là tệ hại
* Thưa ông, hiện nay nhiều CBCC, nhất là ở cấp xã, phường lương không đủ sống. Thậm chí, ở một số nơi, lương của họ còn thấp hơn cả lương công nhân. Vì sao có nghịch lý như vậy?
- Lương của CBCC phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước có hạn, rất nhiều thứ cần chi, số người hưởng lương từ ngân sách lại rất lớn nên mức lương thấp và ít phân hóa; còn tiền lương của công nhân lại phụ thuộc vào nguồn thu của doanh nghiệp (doanh thu, lợi nhuận) nên phân hoá mạnh. Nếu xét về lương tối thiểu thì rõ ràng mức lương tối thiểu vùng của công nhân hiện nay gấp khoảng 3 lần mức lương cơ sở của CBCC. Nhưng điều đó không có nghĩa là lương CBCC thấp hơn lương công nhân vì CBCC còn có hệ số lương và có thể có những khoản thu khác ngoài lương, nên xét về thu nhập lương CBCC, nhìn chung, không hẳn thấp hơn lương công nhân.
* Nhiều năm nay, lương CBCC tính theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Thực tế, ở nhiều cơ quan, đơn vị, hiệu quả làm việc và năng suất lao động của một số người làm việc lâu năm thấp hơn những người trẻ mới vào. Nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập trong chính sách tiền lương khiến người tài không muốn vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Ông nghĩ sao về điều này?
- Lương CBCC hiện nay càng lâu năm lương càng cao là một thực tế không phải hoàn toàn sai vì trả lương phải tính đến yếu tố thâm niên. Bên cạnh yếu tố thâm niên, còn có rất nhiều yếu tố khác như sự nhạy bén hay năng động, chuyên tâm, chủ động sáng tạo, năng suất, tư duy thị trường,… mà lớp trẻ thường chiếm ưu thế cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc. Vì thế, hiện nay trong khu vực sản xuất kinh doanh, nhất là trong các ngân hàng rất nhiều người trẻ có lương cao hơn người già, có tuổi. Khác với khu vực năng động như sản xuất kinh doanh, trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá nghệ thuật rất cần những người có kinh nghiệm, thâm niên, vì càng lâu năm họ càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để truyền đạt lại cho các thế hệ trẻ.
Liên quan đến nhiều người rời khỏi bộ máy nhà nước có lẽ không phải chỉ vì tiền lương thấp mà nhiều người, nhất là những người tài, cho rằng trong bộ máy nhà nước thường ít năng động, môi trường làm việc không hấp dẫn, cơ hội thăng tiến khó khăn, tính chất công việc không làm họ phát huy được khả năng sáng tạo của mình.
Tất nhiên, việc cào bằng trong trả lương là một tệ hại, vì hậu quả của nó là triệt tiêu mọi động lực lao động của CBCC. Tuy nhiên, muốn không cào bằng, phải đánh giá chính xác hiệu quả làm việc của công chức. Đây là một trong những khó khăn nhất hiện nay.
Phải tránh hiện tượng “trên trải thảm, dưới rải đinh”
* Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương CB-CC, dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị giữa năm 2018. Nếu được góp ý, ông sẽ đề xuất giải pháp gì?
- Chế độ chính sách tiền lương của VN hiện nay giống như chiếc áo rách sắp bục, càng vá càng rách, cần được thay mới. Vì thế, việc cải cách tiền lương nói chung và CBCC nói riêng đã trở nên quá cấp bách và chúng ta để đến năm 2018 mới cải cách cũng là quá chậm trễ so với yêu cầu cấp thiết. Nếu lần này được góp ý, tôi xin nêu mấy ý như sau:
Thứ nhất, cải cách tiền lương là một sự thay đổi toàn diện, có tính cách mạng chứ không phải chỉ là sự thay đổi nhỏ, từng bộ phận trong chính sách chế độ tiền lương. Vì thế, để nó thực sự là “cách mạng” đòi hỏi phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có sự tham gia của nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội, phải có nhiều cuộc hội thảo, thảo luận, khảo sát thực tiễn trong và ngoài nước, trong đó có Singapore - một đất nước rất thành công trong việc xây dựng nền hành chính công vụ. Nếu cải cách tiền lương chỉ thu hút một số cán bộ quản lý thuộc các đơn vị chức năng như Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động, VCCI,… tham gia thì tôi nghĩ thành công của cải cách sẽ khó mà cao được.
Thứ hai, cải cách tiền lương phải gắn chặt và đồng thời với các cải cách khác, như cải cách về tổ chức, cải cách về tuyển dụng, biên chế, về các chế độ chính sách đối với CBCC và viên chức, đặc biệt phải tăng cường kỷ cương phép nước, kỷ luật làm việc trong các tổ chức, đẩy mạnh khoán lương, khoán biên chế, tăng cường trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu tổ chức, đồng thời giao quyền tự chủ cho họ.
Thứ ba, cải cách tiền lương phải có lộ trình, làm sao trong ít nhất 10 năm chính sách tiền lương vẫn phát huy tác dụng và không bị lạc hậu, lỗi thời; người lao động có thể thấy được viễn cảnh tương lai thu nhập của mình. Nhà nước cũng không bị động trong vấn đề liên quan đến chế độ chính sách tiền lương.
* Theo ông, đề án có thể giải quyết được tham nhũng, hách dịch, cửa quyền của công chức không? Làm thế nào để tiền lương trở thành động lực thu hút và giữ chân nhân tài?
- Phải nói rõ, không phải là CBCC nào cũng tham nhũng, cửa quyền hay hách dịch, cũng không phải cứ có đề án tiền lương thì mọi thứ tệ nạn đó sẽ tự động dẹp bỏ. Tham nhũng, hách dịch, cửa quyền hay các tiêu cực khác của CBCC nảy sinh do nhiều nguyên nhân. Chúng ta phải xây dựng cơ chế, chính sách làm sao để CBCC “không thể, không muốn và không dám” tham nhũng, trong đó chính sách trả lương cao cũng là yếu tố giúp CBCC không muốn tham nhũng.
Để tiền lương trở thành động lực thu hút nhân tài là một chủ đề lớn, nhưng thu hút nhân tài không khó bằng giữ được nhân tài ở lại với tổ chức. Phải tránh hiện tượng “trên trải thảm, dưới rải đinh” không làm cho nhân tài phát huy được tài năng của mình. Tiền lương cao tất nhiên cũng là một yếu tố thu hút và giữ người giỏi ở lại với tổ chức.
Xin cảm ơn ông!
Thông qua email: toiviet@thanhnien.vn, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ về chủ đề “lương công chức” của độc giả gửi về.
Bạn đọc Ly Guay1988, tâm sự: “Nói thật bản thân tôi là công chức nhà nước ở cấp thấp nhất, tôi thấy chế độ chính sách cho công chức cấp xã là còn quá khiêm tốn. Ngày ngày phải ngồi tiếp công dân và ngồi trông chờ vào đồng lương ít ỏi chưa đủ một người sống; các khoản nộp mỗi tháng quá nhiều. Trừ các khoản nộp xong thì đồng lương chỉ còn đủ vài cân gạo mà thôi. Tôi kể cho mọi người về các khoản phải nộp: quỹ vì người nghèo, quỹ công đoàn, quỹ hội nông dân, quỹ hội phụ nữ... Ngoài ra còn vài loại quỹ nữa mà công chức phải đóng như ủng hộ.... bằng ngày lương. Nếu ai không thực hiện thì sẽ bị đánh giá không hoàn thành nghĩa vụ. Nói thật với mọi người đồng lương tôi là cao đẳng 2.1×130=2.730.000 đồng và trừ các khoản trên thì theo bạn còn bao nhiêu? Gạo đối với vùng quê tôi 1kg =16.000 đồng. Ngoài ra tôi còn phải nộp tiền điện tiền nước hằng tháng, mua xà phòng, mắm muối... Vậy đến bao giờ công chức xã mới có nhà để ở?.
Bạn đọc Le Dao Nguyen viết: “Tăng lương phải gắn với giảm biên chế thật mạnh. Giảm biên chế để dùng tiền lương dư ra tăng lương cho đôi ngũ cán bộ ở lại. Họ sẽ đảm bảo hiệu quả công vụ và chất lượng, khối lượng công việc (dù tăng hơn trước)...”.
Bạn đọc Thang Nguyen cho biết: “Đọc nhiều bài nói về chuyện lương bổng tôi cũng thấy có cái gì đó tủi thân. Chúng tôi là những người lính, không có thời gian để làm thêm kinh tế bên ngoài. Nên nếu vợ không có công việc ổn định và gia đình bố mẹ điều kiện không được dư giả thì chắt bóp lắm mới đủ chi tiêu trong tháng. Cuối tháng có công việc lại chạy vạy ứng lương hoặc vay trước trả sau đắp đổi cho đoạn tháng. Đấy là những người mới một con, riêng tôi 3 đứa, tổng thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng, vợ làm công nhân lương 4 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng thu chi vun vén tằn tiện và con cái, chộm vía, không ốm đau thì còn đỡ phải đắp đổi chạy vạy. Chẳng may nhà có việc hoặc có giỗ chạp hay con ốm đau thì tủi tủi hờn hờn”.
“Tôi đã làm giáo viên cấp tiểu học chính thức đã được 32 năm nay nhưng nói thật với đồng lương của nghề giáo chỉ sống tạm qua ngày. Sau một thời gian ở chung với gia đình, nhờ ba mẹ cho miếng đất và vay mượn thêm anh, chị em thì cố gắng lắm mới cất được căn nhà cấp 4 để hai vợ chồng và hai đứa con ra ở riêng. Ngoài đồng lương dạy học của tôi, vợ tôi còn làm thêm nghề may vậy mà hai vợ chồng có hai đứa con nhưng cuộc sống cứ chật vật. Nhất là từ khi đứa con trai lớn học vào đại học, cuộc sống càng khó khăn hơn... Nhà nước nên có chính sách tăng lương cho nghề giáo để cuộc sống của những người giáo viên như tôi được cải thiện hơn”. (Anh Lê Văn Sâm, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, xã Bình Trung, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
"Hơn 10 năm chính thức là một công chức tại một cơ quan ở TP.HCM, nói thật ngần ấy thời gian tôi làm vì tình yêu công việc và sự đam mê về ngành học của mình chứ nếu nói về đồng lương để tôi ở lại thì không phải, vì lương thấp quá! Sở dĩ tôi theo đuổi được công việc và niềm đam mê là do chồng tôi làm kinh doanh nên tôi không bận tâm về vấn đề kinh tế. Chứ với đồng lương công chức hiện tại của tôi, mỗi tháng không đủ để tôi chi tiêu cho chính bản thân mình. Tôi có một người bạn thân, hai vợ chồng làm công chức nhà nước, chỉ có một đứa con. Sau khi ra trường rồi ở lại TP.HCM lập nghiệp chứ không về quê nhưng với đồng lương công chức sống ở một thành phố đắt đỏ, đủ thứ phải chi nên họ chẳng có dư dả gì. Hơn 10 năm làm công chức nhưng họ vẫn còn phải thuê phòng trọ để sống. Tôi nghĩ, với đồng lương công chức như hiện nay thì chủ đủ ăn, nếu có phát sinh thêm chi phí khác thì không đủ chăm lo cho gia đình, chứ đừng nói chi đến tiền để dành. (Chị N.T.M.H, ngụ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM).
"Nếu chỉ là một cuôc sống đơn giản thì đủ. Còn để sống phát triển thì tôi nói thẳng là không đủ. Vì vậy mới có tham nhũng, tiêu cực và nhiều người chuyển sang làm kinh doanh. (Anh H.N.G.Long, ngụ tại tỉnh Đồng Nai)
Vy Anh - Lê Thanh
(tổng hợp)
|
Bình luận