Mất tới 5 - 7 nhiệm kỳ mới hoàn thành được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thái Sơn
Thái Sơn
12/09/2018 13:55 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, phải mất 5 - 7 nhiệm kỳ mới có thể xây dựng được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam , vì nguồn kinh phí lớn phải phân kỳ ra để đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chiều 11.9 đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo phương án lựa chọn công nghệ đường sắt tốc độ cao nhằm hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tại cuộc họp, liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH đã trình bày 3 loại hình tàu cao tốc trên thế giới có tốc độ cao là tàu chạy trên ray vận tốc 200 - 350 km/giờ, tàu Maglev tốc độ 400 - 600 km/giờ, tàu Hyperloop chạy trong ống đạt 900 - 1.200 km/giờ.
Theo đại diện liên danh tư vấn, các loại tàu cao tốc nêu trên sử dụng chủ yếu 2 xu hướng công nghệ là động lực phân tán và động lực tập trung. Cụ thể, công nghệ tập trung chỉ có 2 toa động lực nằm ở hai đầu đoàn tàu (kéo - đầy). Công nghệ phân tán là trong một đoàn tàu có nhiều toa động lực, được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn như do các thiết bị phân tán nên tải trọng trục của đoàn tàu nhẹ làm giảm quy mô đầu tư công trình, hệ số an toàn, sức chuyên chở lớn, tiêu thụ ít điện năng hơn...
Theo nhà tư vấn, tàu chạy trên ray với công nghệ động lực phân tán đang được sử dụng phổ biến nhất và đang được nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… ứng dụng. Trong khi đó, tàu cao tốc sử dụng động lực tập trung có thể lên tới 570km/giờ đang được một số nước châu Âu ứng dụng.
Cùng với các phương án, đại diện liên danh tư vấn kiến nghị áp dụng mô hình công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán và công nghệ thông tin tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị lựa chọn đường sắt tốc độ cao động lực tập trung như phát triển tàu điện Hyperloop để ‘‘đi tắt đón đầu ‘’ với xu hướng thế giới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cách này là mạo hiểm vì chưa được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tư vấn tiếp thu, làm rõ các nội dung góp ý của đại biểu, tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ trưởng Thể cho rằng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500 km, có 23 ga nên không thể chọn vận tốc quá cao, bởi chạy một đoạn ngắn tàu đã phải dừng. Việt Nam có thể chọn tàu có công nghệ tải trọng phân bố để giảm tải trọng trục, giảm chi phí xây dựng cầu cạn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thể, thách thức lớn nhất là để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là nguồn kinh phí rất lớn, trong khi mỗi nhiệm kỳ Quối hội chỉ quyết một con số hạn chế. 
"Bộ sẽ báo cáo dự án ra Quốc hội, khoảng 5 - 7 nhiệm kỳ sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao. Ai cũng sợ kinh phí nhiều, tuy nhiên chúng ta chia ra phân kỳ, tùy theo tình hình kinh tế đất nước làm từng phần để đạt mục tiêu”, ông Thể nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.