Máy thở điều trị Covid-19, vì sao mỗi nơi mỗi giá?

06/07/2020 07:07 GMT+7

Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là giá mua máy thở điều trị Covid -19, mỗi nơi mỗi khác, thậm chí chênh nhau gấp đôi.

Máy thở là một trong những thiết bị được nhiều địa phương mua trong đợt đầu tư máy móc, thiết bị cho phòng chống dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là giá mua máy mỗi nơi mỗi khác, thậm chí chênh nhau gấp đôi!
Đáng lưu ý, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Bộ Công an cũng đã vào cuộc, kiểm tra việc mua sắm máy thở tại nhiều địa phương.

Chênh nhau hàng trăm triệu đồng

Ngày 5.7, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho biết sau khi dịch Covid-19 bùng phát, UBND tỉnh này đã phê duyệt ngân sách để mua sắm thiết bị y tế (TBYT) cần thiết phòng chống dịch. Cuối tháng 2, Sở Y tế mua 7 máy thở cao cấp kèm theo đầy đủ phụ tùng với giá 870 triệu đồng/máy và 7 máy nén khí di động giá 90 triệu đồng/máy, tất cả đều cùng Hãng GE (Mỹ). Hai loại máy này cấp cho 4 bệnh viện (BV) cách ly điều trị của Quảng Nam, gồm BV đa khoa (ĐK), BVĐK khu vực, BVĐK khu vực miền núi phía bắc (mỗi loại 2 máy), BVĐK Hội An (mỗi loại 1 máy).
Một máy trợ thở xâm lấn được kết nối hệ thống hỗ trợ hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng ẢNH: AN QUÂN

Một máy trợ thở xâm lấn được kết nối hệ thống hỗ trợ hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng

ẢNH: AN QUÂN

Trước đó, dư luận cũng xôn xao việc BV Chợ Rẫy (TP.HCM) mua máy thở 850 triệu đồng/cái, trong khi cùng chủng loại BV Bạch Mai (Hà Nội) mua chỉ có 640 triệu đồng/cái, chênh nhau 210 triệu đồng/cái). Về việc này, bác sĩ (BS) Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết BV Chợ Rẫy mua sắm 3 máy thở chức năng cao (Model: Carescape R860, Hãng sản xuất: GE Healthcare, xuất xứ: Mỹ) bằng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của BV theo hình thức mua sắm trực tiếp theo đúng hợp đồng trúng thầu số 7 ngày 18.10.2019 giữa BV Phổi trung ương và Công ty cổ phần thiết bị y tế Ánh Sao.
BV lập hồ sơ mua sắm trình Bộ Y tế và được Bộ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định. Số máy thở này BV mua trong kế hoạch mua sắm hằng năm phục vụ cho chuyên môn BV chứ không phải mua để chống dịch, không phải mua bằng kinh phí chống dịch.
Theo BS Thức, có sự chênh lệch giá nói trên là do máy trúng thầu cung cấp tại BV Chợ Rẫy có trang bị thêm cấu hình, tính năng kỹ thuật cho thiết bị để phục vụ nhu cầu chuyên môn. “Máy thở có chức năng thở không thì khác. Còn máy thở của BV Chợ Rẫy mua có chức năng đo ô xy trong máu, ô xy trong phế quản - phế nang, đo áp lực phế nang, theo dõi điện tim, phân tích huyết áp... Số tính năng này thì BV phải mua thêm”, BS Thức thông tin thêm.
Tại Đà Nẵng, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết BV có gần 80 máy thở được đầu tư từ trước đợt dịch Covid-19. Đến đầu mùa dịch (ngày 30.1.2020), BV được Sở Y tế cung cấp thêm 2 máy thở di động trong gói hỗ trợ 20 tỉ đồng thiết bị chống dịch từ UBND TP.Đà Nẵng.
Cả 2 máy thở đều do Sở Y tế TP.Đà Nẵng mua và chuyển về để BV sử dụng khi cần. Theo TS-BS Nhân, tiêu chí máy thở rất đa dạng, như: thở xâm lấn hay không xâm lấn, thở các mức áp lực, thở di động hay cố định, thở cần dòng ô xy hay không, thở bằng dòng khí nén, thở lưu lượng cao... “Tùy theo các option, công năng... mà giá máy thở dao động từ gần 200 triệu đồng lên đến gần 2 tỉ đồng/chiếc và tùy thương hiệu, nhà cung cấp… như một chiếc xe máy vậy”, TS Nhân nói.

Sau vụ CDC Hà Nội, Bộ Y tế yêu cầu báo cáo việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19

Máy thở của Gia Lai có cấu hình cao nhất (?)

Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá máy thở mua cao nhất có lẽ thuộc về... Gia Lai. Theo Chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá BTC VALUE (trụ sở tại Hà Nội) cho khách hàng là BVĐK tỉnh Gia Lai về gói TBYT nhằm chống dịch Covid-19, có 11 TBYT được thẩm định với tổng giá tiền hơn 18,6 tỉ đồng. Trong số này có máy thở chức năng cao Carescape R860 của Hãng sản xuất GE Healthcare (Mỹ) với giá 1,45 tỉ đồng/máy. Sau đó, Sở Y tế tỉnh Gia Lai chỉ duyệt gói thiết bị gần 8,6 tỉ đồng.
BVĐK tỉnh Gia Lai đã thu thập chào giá của 3 đơn vị là Công ty TNHH Tuyết Nga, Công ty TNHH kỹ thuật DTC và Công ty cổ phần TBYT Medisco, lấy kết quả thấp nhất để chọn giá. Trên cơ sở này, BVĐK tỉnh Gia Lai đã phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng giá trị trúng thầu gần 8,6 tỉ đồng để mua vật tư y tế chống dịch Covid-19.
Mỗi nơi mua máy thở với giá khác nhau ẢNH: THANG DUY

Mỗi nơi mua máy thở với giá khác nhau

ẢNH: THANG DUY

Có 3 nhà thầu tham dự là Công ty TNHH đầu tư phát triển Tùng Bách, Công ty cổ phần thương mại kỹ thuật Việt Nam và Công ty cổ phần TBYT Medisco. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần TBYT Medisco. Đến ngày 14.5.2020, BVĐK tỉnh Gia Lai thực hiện mua sắm TBYT chống dịch với tổng số tiền gần 8,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, qua tham khảo việc mua sắm từ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa vào tháng 8.2019 đối với máy thở chức năng cao có cùng model “Carescape R860”, cùng hãng sản xuất “Healthcare (Datex Ohmeda)”, cùng xuất xứ “Mỹ”, cùng năm sản xuất 2019 thì có sự chênh lệch về giá. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa mua máy này vào tháng 8.2019 là 789,5 triệu đồng, còn BVĐK tỉnh Gia Lai mua vào tháng 4.2020 có giá 1,45 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai cho biết việc mua sắm TBYT, UBND tỉnh Gia Lai đã giao cho Thanh tra tỉnh kiểm tra; bên cạnh đó Bộ Công an cũng đang kiểm tra giá TBYT chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ đối với nhiều tỉnh thành.
“Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu chúng tôi nắm được là cùng loại máy thở nhưng máy của BVĐK tỉnh Gia Lai mua là máy Carescape R860 Metabolic-FRC - khí dung. Máy này có thêm những chức năng như đánh giá dinh dưỡng, công cụ thông khí bảo vệ phổi FRC (đo dung tích cặn chức năng), module phân tích khí, công cụ thông khí bảo vệ phổi PEEP và phần mềm kết hợp các chỉ số khí máu”, vị lãnh đạo này nói. Còn theo ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Gia Lai: “Máy thở mua về vẫn chưa sử dụng do Gia Lai chưa có bệnh nhân mắc Covid-19. Hiện toàn bộ máy đang bị niêm phong phục vụ cho công tác thanh tra. Việc mua máy cũng có thẩm định, giám sát nghiêm túc chứ không phải mình tự đi mua được đâu. Máy thở của Gia Lai so với các địa phương khác có cấu hình cao nhất, hơn 5 chức năng”.
Về máy Carescape R860 Khánh Hòa mua, trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.7, BS Nguyễn Đông, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, cho biết máy được Sở Y tế trang bị cho BV năm 2019 và BV đã sử dụng rất hiệu quả. “Hiện bệnh nhân vừa ra viện nên máy đang được “nghỉ”. Đây cũng là thiết bị của hãng sản xuất nổi tiếng nên máy hoạt động rất tốt, đến nay chưa gặp vấn đề gì, có thời gian BV sử dụng kéo dài liên tục 2 - 3 tháng để phục vụ bệnh nhân. Máy có thể dùng cho người lớn và trẻ em”, BS Đông nói.

Bộ Y tế đang xác định giá “thật”

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết: “Thiết bị do các địa phương tự tổ chức đấu thầu mua sắm thì chúng tôi không thể biết được lý do vì sao lại chênh lệch như vậy”. Tuy nhiên, ông Tuấn lại cho rằng: “Cùng một thiết bị (100% giống nhau về tính năng, thế hệ, nhà sản xuất...) nhưng cũng có thể giá mua khác nhau. Việc chênh lệch giá có thể do chính sách của hãng, chi phí vận chuyển... Tuy nhiên, chênh lệch này phải không quá lớn” và “Với cùng loại máy (xét nghiệm, máy thở...) nhưng nếu khác nhau về nhà sản xuất, thì sẽ có chênh lệch về giá. Việc thẩm định giá và so sánh để xác định giá hợp lý trong mua sắm TBYT khá khó khăn nhưng cũng có thể làm được. Bộ Y tế đang xác định giá “thật”, giá hợp lý của các TBYT được mua sắm, trước mắt là máy xét nghiệm”.

Phải quản lý thiết bị y tế như thuốc

Theo một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, về thuốc thì có giá kê khai, có giá trúng thầu các nơi để đưa ra so sánh. Còn vật tư, TBYT thì không có một thông tư hướng dẫn riêng.
“Trong đấu thầu TBYT thì bên mời thầu có yêu cầu cung cấp hóa đơn nhập khẩu, nhưng nhà thầu đưa ra lý do chưa đấu thầu, chưa đặt hàng, chưa mua thì làm sao biết giá và làm sao cung cấp hóa đơn? Do đó, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi giá. Có những loại máy mới chưa bán trên thị trường nên không biết nhà thầu mua bao nhiêu, rất khó xử. Phải quản lý TBYT như thuốc chứ không thể để các đơn vị tự bơi như bây giờ”, vị này đề xuất.
Cũng theo vị này, cần có quy định cung cấp hóa đơn nhập khẩu TBYT khi đấu thầu, đồng thời quy định thặng số cho phép lời của máy móc trúng thầu là bao nhiêu phần trăm tối đa. Nhưng việc này còn tùy thuộc vào bảo hành, đào tạo chuyển giao… Máy càng chất lượng cao thì chi phí bảo hành cao. 
Ông Tuấn nói thêm: “Ví dụ như cùng mua mớ rau muống, giá khác nhau là hoàn toàn có thể, nhưng nếu rau nào bị đẩy cao bất hợp lý thì người mua vẫn có thể nhận ra được. Với thiết bị thì không đơn giản như mớ rau, nhưng vẫn có thể làm được và đòi hỏi phải có hiểu biết, kiến thức”. Cũng theo ông Tuấn, để có đánh giá tương đối về giá mua sắm TBYT như xét nghiệm, máy thở, trước hết yêu cầu các đơn vị phải báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến việc tham khảo giá máy, thẩm định giá...
Liên quan đến yêu cầu về đấu thầu, ông Tuấn khẳng định: đã mua sắm bằng tiền ngân sách là phải đấu thầu. Ngay cả chỉ định thầu thì cũng là một hình thức đấu thầu, vẫn có các quy định cần chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên ông Tuấn cũng lưu ý để mua được giá hợp lý, chủ đầu tư cần tìm mua tại nhà phân phối “gốc”, không mua của công ty trung gian. Ngoài ra, đơn vị thẩm định giá cũng đóng vai trò trong việc định giá thiết bị mua sắm.

Các địa phương mua máy thở ra sao?

TP.HCM mua 70 máy thở gần 42 tỉ đồng

Ngày 11.10.2019, Sở Y tế TP.HCM có công văn giao cho BV Nhân dân 115 (TP.HCM) là bên mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu mua sắm máy thở để cung cấp cho BV Nhân dân 115, BV Nguyễn Tri Phương, BV Trưng Vương, BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2.
Ngày 23.12.2019, BV Nhân dân 115 TP.HCM đã ký quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm máy thở. Dự toán: Mua sắm máy thở bằng nguồn kinh phí kết dư quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 của TP.HCM. Theo đó, gói thầu máy thở do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (gọi tắt là Công ty Tài Lộc) trúng thầu với 70 máy, tổng giá trị gần 42 tỉ đồng (41,832 tỉ đồng), bình quân gần 600 triệu đồng/máy.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, về xuất xứ hàng hóa, máy thở BV Nhân dân 115 đấu thầu mua không phải máy nhập khẩu nguyên chiếc.
Nguồn gốc máy do Công ty Tài Lộc lắp ráp từ nguồn mua của các nhà nhập khẩu, đơn vị sản xuất trong nước và bán lẻ trong nước. Theo đó, máy chính ký hiệu Puritan Bennett 840 (840 Ventilator System) Hãng Covidien sản xuất tại Ireland do Công ty Việt Thái (đại lý phân phối tại Việt Nam của Hãng Covidien) nhập khẩu. Khung đặt máy có bánh xe do Công ty Việt Thái sản xuất tại Việt Nam. Các loại phổi giả, mặt nạ, dây thở do Hãng Galemed sản xuất tại Đài Loan được Công ty Tài Lộc mua lẻ trong nước. Bộ tạo ẩm điều nhiệt do Hãng Fisher & Paykel sản xuất tại New Zealand cũng được Công ty Tài Lộc mua lẻ trong nước. Chỉ có máy chính và phụ kiện của Hãng Covidien có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và chứng nhận chất lượng (C/Q) do đại diện Hãng Covidien ký.
Theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa có công văn gửi Bộ Công an xử lý đơn của của bà V.T.T ở TP.HCM, tố cáo việc sai phạm trong mua sắm trang TBYT (máy thở - PV) năm 2019 từ nguồn quỹ kết dư bảo hiểm xã hội. Trước đó, Thanh tra TP.HCM, Thanh tra Chính phủ cũng đã làm việc tại BV Nhân dân 115 về việc mua máy thở nhưng chưa có kết luận. Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng đã xác nhận với PV Thanh Niên vụ việc trên. 

Đồng Tháp chi gần 12,2 tỉ đồng mua máy thở

Tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 20.3, Sở Y tế được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm gói TBYT phục vụ điều trị bệnh trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 41,6 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu số 1 cung cấp, lắp đặt máy thở trị giá gần 12,2 tỉ đồng.
Theo Hợp đồng số 11/HĐ-SYT ngày 16.4 được ký kết với Sở Y tế Đồng Tháp, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê (Công ty Trần Lê, Hà Nội) cung cấp 14 máy thở cho Sở Y tế Đồng Tháp trang bị cho các BV trực thuộc. Tính đến ngày 12.6, Công ty Trần Lê đã hoàn thành việc lắp đặt các máy thở cho Đồng Tháp. 

Quảng Trị máy hơn 400 triệu đồng vẫn phát huy hiệu quả

Tỉnh Quảng Trị cũng mua 2 máy thở hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết mỗi máy hơn 400 triệu đồng, đều đặt tại BV chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị (nơi điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19).
Theo ông Hùng, dù địa phương chưa có ca nhiễm Covid-19 nhưng 2 máy thở này đã được sử dụng cho bệnh nhân mắc các bệnh khác và phát huy hiệu quả. “Theo tôi thấy thì mức giá máy thở mà chúng tôi mua là phù hợp với thị trường", ông Hùng nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.