Miền Tây lo hạn, mặn

18/02/2021 06:17 GMT+7

Sau Tết Nguyên đán , đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải bước ngay vào “cuộc chiến” gay gắt với hạn, mặn dự báo sẽ rất khốc liệt trong những ngày tới.

Ghi nhận của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long mấy ngày vừa qua đang xuống theo triều cường. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 1,42 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,58 m. Dự báo đến ngày 19.2, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu chỉ còn 1,20 m; tại Châu Đốc 1,35 m. Trong bối cảnh này, thông tin đập thủy điện ở Trung Quốc gia tăng tích nước ở thượng nguồn sông Mê Kông càng khiến tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL trở nên khó lường hơn.

Mặn lấn sâu mỗi ngày

Trên sông Hậu, nước mặn 1,6 - 1,7%0 đã lấn sâu vào vào địa phận xã An Lạc Tây, H.Kế Sách, Sóc Trăng, cách cửa biển 60 km và cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 30 km về hướng thượng nguồn. Toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn đã được đóng, nông dân 2 huyện Long Phú, Trần Đề (Sóc Trăng) - những nơi hứng mặn đầu tiên từ cửa sông Hậu, đang hối hả thu hoạch lúa đông xuân.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Sóc Trăng), cho biết rút kinh nghiệm sau mấy mùa hạn mặn “te tua”, năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã cho nạo vét toàn bộ hệ thống kênh thủy lợi nội đồng nên đến nay vùng trồng lúa trọng điểm Long Phú - Tiếp Nhật rộng 45.000 ha đã có thể nói là thoát nạn hạn mặn khi 98% diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch xong. “Suốt từ trước tết, chúng tôi đã cho các trạm quan trắc mặn theo dõi hàng giờ. Hễ nước kém (nước triều thấp - PV) thì mở cống lấy nước ngọt và đóng ngay khi nước rong (nước triều lớn - PV). Lần lấy nước cuối cùng là ngày 14 tháng chạp vừa rồi, nước được bơm tràn kênh đủ sử dụng gần 20 ngày, nhờ đó đã trữ đủ cho lúa đông xuân cán đích”, ông Đạo cho biết.
Tuy nhiên, cũng như các tỉnh ven biển khác ở ĐBSCL, mối lo của Sóc Trăng hiện giờ là hàng chục ngàn héc ta cây ăn trái ở vùng Cù Lao Dung, Kế Sách mấy ngày nay không khí lạnh xuất hiện, gió đông bắc thổi từ biển vào đất liền dự báo sẽ đưa nước biển xâm nhập sâu hơn. “Chúng tôi đã tập trung khuyến cáo người dân chứa nước trong mương vườn. Tiếp tục theo sát tình hình mặn từng giờ để thông báo cho dân, bởi con nước rất bất thường, có thể sáng mặn, chiều lại ngọt, phải có chiến thuật để lấy nước”, ông Đạo nói thêm.
Tương tự như Sóc Trăng, phía bên kia sông Hậu, tỉnh Trà Vinh cũng đã chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất lúa đông xuân nên đến thời điểm này mặn không gây thiệt hại đến cây lúa. Tại một số vùng gò cao có nguy cơ thiếu nước, ngành nông nghiệp không khuyến khích nông dân sản xuất. Tại Kiên Giang, mới đây, Bộ NN-PTNT đã kịp thời đưa cống Cái Bé vào vận hành, qua đó ngăn mặn cho khoảng hơn 20.000 ha đất sản xuất của người dân. Còn ở Bạc Liêu, Cà Mau, hệ thống cống trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp cũng đã được phối hợp vận hành không cho mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định của các địa phương.

Ứng phó diện rộng

Hướng sông Tiền, tình hình xâm nhập mặn cũng đang diễn tiến rất phức tạp. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An đã đồng loạt thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn mặn.
Tại Tiền Giang, khu vực cống Xuân Hòa ở H.Chợ Gạo, độ mặn đo được đã lên đến 6%0 từ cuối tháng 1 và duy trì liên tục ở mức cao. Đơn vị điều tiết cống Xuân Hòa bị đóng chặt từ đó đến nay nên khu ngọt hóa Gò Công (5 huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang) không trao đổi nước được với sông Tiền. Toàn vùng này có hơn 1.000 ha lúa vụ 3 đã xuống giống nên đứng trước nguy cơ thất trắng do thiếu nước tưới. Tuy nhiên, theo ông Ưng Hồng Nghi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, nước mặn đã qua địa bàn TP.Mỹ Tho đến khu vực xã Bình Đức, H.Châu Thành đang đe dọa sản xuất của vùng phía tây tỉnh Tiền Giang với gần 80.000 cây ăn trái và 2 nhà máy nước của tỉnh cung ứng cho hơn 1 triệu dân Tiền Giang và Long An đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nước thô, nước mặn đều đã vượt ngưỡng cho phép.
Để ngăn mặn từ sông Tiền xâm nhập vào vùng sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, UBND tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương thi công đắp 8 đập thép để bảo vệ 2 vùng ngọt hóa là Bảo Định và Gò Công và khoan 16 giếng để tìm nguồn nước cấp tạm cho bà con tại một số khu vực hẻo lánh. Đồng thời, liên tục khuyến cáo, hướng dẫn cho bà con nông dân những giải pháp giảm thiệt hại cho cây trồng nếu bị nước mặn tấn công. Ngoài đập thép tạm ngăn mặn nêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang cũng xây dựng 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35, gồm Ông Hổ, cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười thuộc địa bàn H.Châu Thành và H.Cai Lậy.
Trong khi đó tại Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, cho biết đã hợp long được 3 đập tạm bằng cừ Larsen trên 3 nhánh chính của sông Ba Lai chảy qua địa bàn các xã Thành Triệu, Tường Đa và An Hiệp thuộc H.Châu Thành để vào khu vực Cái Cỏ - Trạm chính cấp nước nước thô của Nhà máy nước nước Bến Tre. “Nước mặn trên các sông chính của tỉnh là Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai đều đang tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn làm chủ được nguồn nước thô cho nhà máy nước quan trọng nhất. Nguồn nước này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và TP.Bến Tre. Có thể nói, hiện giờ, mọi phương án phòng chống hạn mặn đều đã chủ động triển khai nhưng tình hình những ngày tới vẫn rất căng thẳng khi diễn biến hạn mặn rất khó lường”, ông Cảnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.