Sáng sớm 2.11, bão Goni đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 10. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với các bộ, ngành để chỉ đạo công tác ứng phó.
Mưa lớn khắp trung và nam bộ
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 16 giờ cùng ngày, tâm bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tương đương 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15 - 20 km. Đến 16 giờ chiều nay (3.11), tâm bão ở khoảng 15,0 độ vĩ bắc và 113,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - cấp 9, tương đương 60 - 90 km/giờ, giật cấp 11.
Tặng 2.500 thẻ BHYT cho người dân vùng lũ lụtNgày 2.11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN cho biết trong tuần này sẽ tổ chức 5 đoàn công tác đi tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân tại các vùng bị thiệt hại do bão, lũ ở miền Trung. Kinh phí tổ chức các hoạt động này dự kiến khoảng 2 tỉ đồng (mức chi hỗ trợ cho mỗi tỉnh, TP là 200 triệu đồng). Người được tặng thẻ BHYT thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình (nhưng chưa tham gia) tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Kon Tum. Mỗi địa phương có tối đa 250 thẻ BHYT được trao tặng cho người dân bị thiệt hại nặng do bão, lũ.
T.Hằng
|
Đáng lo nhất là mưa sau bão số 10 cũng tương tự như sau bão số 9. Mưa bão đợt thứ nhất từ 4 - 6.11, bắt đầu từ các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và khu vực bắc Tây nguyên, với lượng mưa 150 - 300 mm/đợt. Sau đó, hoàn lưu bão cộng hưởng với tác động của không khí lạnh sẽ gây mưa từ Quảng Trị ra đến Nghệ An trong ngày 5 - 7.11, với lượng mưa 300 - 400 mm/đợt. “Những khu vực này đã chịu đựng lượng mưa lớn trong gần 1 tháng qua nên nguy cơ cao xảy ra các tai biến địa chất, trượt lở, sạt lở đất”, ông Khiêm cảnh báo.
Tập trung ứng phó sạt lở đất
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng mưa lớn kéo dài từ Nghệ An đến gần hết miền Trung là tình huống đặc biệt phải cảnh giác trong ứng phó bão số 10. Khu vực này đã có mưa liên tục cả tháng qua, đất đá đã tích nước và chỉ cần có một trận mưa 100 - 200 mm sẽ gây ra các đợt lũ ống, lũ quét, cần phải đặc biệt đề phòng và sẵn sàng cho tình huống này. Bên cạnh đó, ông Cường cũng lưu ý triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là công trình có dung tích nhỏ, xuống cấp hoặc đang trong giai đoạn sửa chữa.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục bám sát, phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó bão số 10, không vì dự báo bão không mạnh mà chủ quan. Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng như cơn bão vừa qua, đôn đốc các địa phương tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài lực lượng chủ công là quân đội và công an, các địa phương sẵn sàng phương tiện, nhân lực triển khai ứng cứu, hỗ trợ người dân khi có tình huống xảy ra; đảm bảo dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết trong tình huống bị mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất cô lập.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa, các bộ, ngành T.Ư triển khai ứng phó bão số 10 trên biển và mưa bão trên đất liền.
Bình luận (0)