F1 của ca mắc mới có mặt ở ít nhất 5 quận, huyện
Chiều 4.5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong khi cuộc họp đang diễn ra, bà nhận được thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư về việc trên địa bàn xuất hiện một ca Covid-19 mới sinh sống trên địa bàn Q.Ba Đình.
Đó là một bác sĩ của một bệnh viện T.Ư, có lịch sử đi hát karaoke tại Moonlight Club (địa chỉ ở 54 Chùa Láng, Q.Đống Đa, Hà Nội) hôm 28.4.
Theo bà Hà, hôm 29.4, Hà Nội mới ngưng hoạt động các quán karaoke, nên thời điểm vị bác sĩ này đi hát chưa vi phạm quy định.
Tuy vậy, đây là một trường hợp có tiền sử đi lại dày đặc, tiếp xúc rất phức tạp, có F1 ở ít nhất 5 quận, huyện, gồm: Đông Anh, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, và Hoàng Mai.
Với diễn biến này, bà Hà cho biết Hà Nội "xác định là sẽ có ca nhiễm trong cộng đồng". "Sau đây, chúng tôi sẽ chuyển thông tin tới các quận, huyện để truy vết, cũng như dập dịch ngay", bà Hà nói.
Đề nghị xét nghiệm cho 619 người nước ngoài sinh sống tại Times City
Liên quan đến bệnh nhân người Ấn Độ được phát hiện tại khu Park Hill (tòa Park 10), Times City, bà Hà nhấn mạnh do Ấn Độ đang có diễn biến dịch rất phức tạp, khả năng lây nhiễm và tử vong của chủng virus này rất cao, Times City lại rất đông người, nên Sở Y tế thống nhất với lãnh đạo Q.Hoàng Mai về việc đề xuất đánh giá địa bàn này có nguy cơ cao và phải xét nghiệm diện rộng.
Đặc biệt, địa bàn này cũng có rất nhiều người Ấn Độ sinh sống, trong đó có những người bạn của bệnh nhân Covid-19 vừa được phát hiện.
Lãnh đạo Q.Hoàng Mai đã đề xuất xét nghiệm cho toàn bộ 619 người nước ngoài sinh sống trên địa bàn quận này.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện nay, các chùm ca bệnh xuất hiện ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, đặc biệt tại Đà Nẵng, có ca chưa rõ nguồn gốc, nên rất nguy hiểm.
Tại Hà Nội, các quận, huyện như: Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Mê Linh có nguy cơ cao hơn các đơn vị khác.
"Dự báo Hà Nội sẽ tiếp tục xuất hiện các ca mắc mới trong cộng đồng, nếu truy vết khẩn trương, kịp thời sẽ khoanh vùng kịp, chỉ xuất hiện các đốm dịch. Nếu không khẩn trương thì dịch bùng phát rất lớn", ông Hạnh nói.
Cũng theo ông Hạnh, cần tuyên truyền để người dân không lơ là, chủ quan, nhưng cũng tránh để người dân hoang mang, lo lắng. Nếu lo lắng quá cũng không tốt, cần bình tĩnh để ứng xử, đặc biệt tuân thủ nguyên tắc 5K.
Khi phát hiện ca bệnh mới, ông Hạnh cho rằng cần chủ động truy vết, cách ly kịp thời, xét nghiệm, khoanh vùng xử lý ngay, nhưng ở diện tối thiểu nhất để vừa đảm bảo an toàn, vừa ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, không nên cứng nhắc, làm quá, tuỳ vào ca bệnh, diễn biến dịch tễ để ứng xử phù hợp.
Bình luận (0)