Mua bán, vận chuyển trái phép khỉ có thể bị xử lý hình sự?

02/02/2021 13:23 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp lý, nếu xác định được giống khỉ khi vận chuyển, mua bán trái phép thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 26.1, trong lúc tuần tra trên địa bàn xã Ea Dăh, H.Krông Năng (Đắk Lắk), tổ công tác thuộc Đội CSGT Công an H.Krông Năng kiểm tra hành chính xe của Ma Seo Tủa (41 tuổi, ngụ Đắk Lắk), phát hiện trên xe có 2 bao tải chứa 16 cá thể khỉ đã chết, có tổng trọng lượng 58,5 kg.
Bước đầu, Tủa khai nhận mua số xác khỉ trên từ xã Cư San, H.M’Đrắk, với giá 60.000 đồng/kg rồi đưa đến H.Krông Năng bán lại với giá 120.000 đồng/kg. Đến ngày 29.1, Công an H.Krông Năng (Đắk Lắk) đang củng cố hồ sơ để xử lý do liên quan việc vận chuyển số lượng lớn xác khỉ đi tiêu thụ.
Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (Đoàn LS TP.HCM), căn cứ danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), hiện nay có 5 loài khỉ bản địa ở Việt Nam gồm: Khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn. Đây là các loài thuộc Bộ Khỉ Hầu thuộc Nhóm IIB, nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm và đang được bảo vệ.
Theo LS Thục, đây là nhóm các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), việc buôn bán khỉ phải tuân theo những quy chế nghiêm ngặt để không tiếp tục đe doạ sự tồn tại của chúng. Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2006/NĐ-CP về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, quy định khi vận chuyển, cất giữ phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc khai thác hợp pháp, các giấy tờ khác theo quy định hiện hành của pháp luật về xử lý tang vật vi phạm. Ngoài ra, khi vận chuyển ra ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có Giấy phép vận chuyển đặc biệt do cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh cấp.

Buôn bán khỉ có thể bị xử lý hình sự

Theo LS Thục, cần phải xác định giống khỉ khi vận chuyển, mua bán trái phép có thuộc 5 loại khỉ nhóm IIB nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm và đang được bảo vệ hay không. Nếu xác định khỉ thuộc nhóm này, thì người vận chuyển, mua bán trái phép sẽ bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo điều 234 bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào săn bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi, nhốt động vật hoặc bộ phận, sản phẩm của động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB sẽ bị phạt tiền 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Mức xử phạt cao nhất của hành vi này lên đến 12 năm tù. Mặc khác, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Theo LS Thục, ở Việt Nam khỉ thường bị săn bắt từ tự nhiên và bán cho các hộ dân, nhà hàng, quán cà phê hay các cơ sở kinh doanh khác để nuôi nhốt, phục vụ nhu cầu giải trí hoặc làm thú cưng. Tuy nhiên, nếu không có giấy phép của cơ quan kiểm lâm, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 35/2019/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp: Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật, bị xử phạt mức thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 400 triệu đồng. Kèm theo hình thức phạt bổ sung là tịch thu lại những động vật rừng, sau đó sẽ thả lại môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao cho các vườn động vật...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.