Sai phạm tràn lan hơn 10 năm chưa một lần xử phạt
Ngày 7.12, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bến Tre Khóa 9 (nhiệm kỳ 2016 - 2021), đại biểu (ĐB) Lê Thị Nghĩa Nhân, đơn vị H.Châu Thành, chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở TN-MT về thực trạng nhiều tổ chức, cá nhân đã mượn danh nghĩa chủ đất có nhu cầu tách thửa do tách hộ nhưng thực chất để phân lô bán nền đất nông nghiệp, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự địa phương...
tin liên quan
HĐND tỉnh Bình Định 'truy đến cùng' vụ nhà máy gây ô nhiễm môi trườngÔng Đoàn Công Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết Sở này phát hiện tại H.Châu Thanh và TP.Bến Tre có trên 6.755 thửa với tổng diện tích trên 990.700 m2 là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm bị các doanh nghiệp, cá nhân tự ý phân lô bán nền, xây nhà không phép để kinh doanh nhà ở.
Theo ông Dũng, hình thức phổ biến mà các tổ chức, cá nhân sử dụng để vi phạm là mua lại đất từ các cá nhân có nhu cầu bán rồi yêu cầu các đơn vị đo đạc tách thửa theo ý mình để kinh doanh bất động sản (chủ yếu bán nền hoặc xây nhà để bán). Trường hợp nếu chính quyền địa phương quản lý nghiêm thì “cò đất” nhờ chủ đất làm hồ sơ tách thửa do phải tách hộ cho con, cháu…
|
Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Sở TN-MT Bến Tre, cho biết theo quy định Quyết định 38 năm 2018 của UBND tỉnh ban hành vào tháng 9.2018 về “Quy định diện tích tối thiếu tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre” thì đối với đất ở tại xã có diện tích tối thiểu là 50 m2, thị trấn là 40 m2 và phường là 36 m2. Tương tự, đất nông nghiệp phải đảm đủ diện tích tối thiểu 500 m2 tại khu vực xã, 300 m2 tại khu vực thị trấn và phường. Ngoài ra, đối với diện tích đất ở sau khi tách phải có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất tối thiếu phải đủ 4 m.
“Các diện tích đã tách thửa như thống kê trên không những vi phạm về quy định sử dụng đất theo Luật đất đai 2013 và các quy phạm pháp luật hiện hành khác mà hầu hết các thửa sau khi tách đều vi phạm Quyết định 38/2018 về quy định diện tích tối thiểu tách thửa của UBND tỉnh. Nhưng đến nay vẫn chưa xử phạt trường hợp nào liên quan đến vấn đề nay. Tuy nhiên, nếu có xử lý trách nhiệm thì sẽ xử lý người mua đất do việc cố tình mua khi biết đó không phải là đất có thể xây cất nhà ở”, ông Chinh nói.
Gây thất thu lớn cho ngân sách
Vẫn theo ông Chinh, để xảy ra việc tách thửa tràn lan, không đúng mục đích sử dụng như trên thì trách nhiệm này trước hết thuộc về UBND các cấp. Còn hậu quả của việc này trước hết là làm thất thu lớn ngân sách nhà nước, về lâu dài sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc quy hoạch sử dụng đất…
Nhiều đại biểu cho rằng cách xử lý như trên của Giám đốc Sở TN-MT sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người lao động nghèo sau nhiều năm tích góp, thậm chí vay tiền để mua đất ở và đó không phải là cách có thể giải quyết tận gốc của vấn đề. “Theo tôi, nên nghiên cứu thêm xem có thể “hồi tố” trách nhiệm đối với những doanh nghiệp, cá nhân phân lô bán nền đất nông nghiệp để trục lợi, vì người mua họ vẫn thấy chính quyền địa phương mà cụ thể là văn phòng đăng ký đất đai đã cho tách thửa, cấp giấy chứng chứng quyền sử dụng đất cho họ kia mà”, ĐB Lê Thị Nghĩa Nhân nêu quan điểm.
Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, cho rằng “đây là vấn đề lớn chứ không phải nhỏ và theo tôi được biết thì UBND tỉnh cũng đã chú ý đến vấn đề này rồi mới ra quyết định ngăn chặn nhưng có nhiều nội dung chưa giải quyết được căn bản vấn đề”.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đề nghị thời gian tới Sở Xây dựng, Sở TN-MT nên thường xuyên mở các đợt thanh tra chuyên ngành về quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các chủ đầu tư, hộ dân bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch.
Bình luận (0)