Có 5 luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Đinh La Thăng trong phiên tòa này.
Ký góp vốn không thông qua HĐQT
Theo cáo trạng, năm 2008, sau khi không được thành lập Ngân hàng (NH) TMCP Hồng Việt, ông Đinh La Thăng đã để mắt đến việc góp vốn vào OceanBank. Ngày 18.9.2008, ông Thăng đã ký Thỏa thuận số 6934 với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc PVN góp 20% vốn điều lệ vào NH này (tương đương 400 tỉ đồng). Ông Thăng không tổ chức họp HĐQT, dù đã được báo cáo tình hình làm ăn bết bát, khả năng thanh khoản kém, vốn và tiềm lực tài chính, chất lượng tài sản thấp... của NH này. Thỏa thuận trên là cơ sở, tiền đề cho việc PVN góp 800 tỉ đồng vào OceanBank giai đoạn 2008 - 2011 của PVN.
Lần góp vốn thứ nhất (400 tỉ đồng) vào năm 2008, dù Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank trước khi quyết định đầu tư, nhưng ông Đinh La Thăng đã không báo cáo theo yêu cầu.
Lần góp vốn thứ 2 vào năm 2010, bổ sung 300 tỉ đồng, ông Đinh La Thăng có bút phê đồng ý việc tăng vốn mà chưa xin ý kiến Thủ tướng và cũng phớt lờ ý kiến của Phó thủ tướng yêu cầu PVN rà soát, không nhất thiết phải nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank.
Lần góp vốn thứ 3, tháng 5.2011, PVN tiếp tục góp thêm 100 tỉ đồng, duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn (có 4/7 thành viên HĐQT biểu quyết, trong đó ông Đinh La Thăng và ông Phùng Đình Thực (nghỉ ốm, không biểu quyết), trái với luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1.1.2011) quy định cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đến khi OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng, PVN mất trắng 800 tỉ đồng vốn góp.
Cáo trạng khẳng định trách nhiệm đối với thiệt hại trên thuộc về Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó ông Thăng có trách nhiệm cao nhất với tư cách là người đứng đầu PVN. Trong giai đoạn truy tố, ông Thăng “nhận trách nhiệm trước pháp luật với tư cách người đứng đầu PVN và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
Một chi tiết rất đáng chú ý là sự xuất hiện của biên bản ghi ngày 28.3.2017, trong đó có 3 thành viên HĐQT PVN ký xác nhận HĐQT tập đoàn này đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên, 3 người có chữ ký là ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, bà Phan Thị Hòa cho biết đã ký vào giấy xác nhận vì cả nể, sau khi ông Thăng gọi điện nhờ. Riêng ông Đỗ Văn Đạo không ký xác nhận. Chính ông Đinh La Thăng cũng khai, thừa nhận không bàn bạc với thành viên HĐQT, giấy xác nhận có 3 chữ ký trên là không đúng sự thật.
Với các hành vi trên, ông Đinh La Thăng bị truy tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Thăng (58 tuổi), đã bị bắt tạm giam từ ngày 8.12.2017 đến nay, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam T16 - Bộ Công an. Ngày 22.1.2018, ông Thăng đã lĩnh một án 13 năm tù trong vụ án tại Tổng công ty xây lắp dầu khí.
Ninh Văn Quỳnh đã làm gì với 20 tỉ đồng được OceanBank “lại quả” ?
Ngoài ông Đinh La Thăng, 6 bị can khác cũng bị truy tố cùng tội danh. Riêng ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng của PVN) bị truy tố thêm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (20 tỉ đồng, là tiền “lại quả” của OceanBank đối với khoản tiền gửi của PVN tại NH này).
Khai nhận về số tiền này, ông Ninh Văn Quỳnh cho biết đã gửi tiết kiệm 9,5 tỉ đồng, mua căn hộ 3 tỉ đồng, mua một chiếc ô tô 800 triệu đồng, cho 2 con trai du học ở Anh và Mỹ khoảng 4,5 tỉ đồng; mua chứng khoán khoảng hơn 1 tỉ đồng; chi tiêu cá nhân, nghỉ mát, chi lễ tết, ngoại giao… khoảng 1,2 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu hồi toàn bộ các khoản tiết kiệm hơn 10,6 tỉ đồng (cả gốc và lãi) của Ninh Văn Quỳnh; thu hồi 3,5 tỉ đồng từ việc bán 40.000 chứng khoán mã GAS; thu giữ số tiền 320 triệu đồng và 11.700 USD (tương đương 262,6 triệu đồng) khi khám xét nơi làm việc của ông Quỳnh. Tháng 12.2017, bà Nguyễn Thị Thanh (vợ Ninh Văn Quỳnh) tự nguyện nộp khắc phục số tiền gần 5,2 tỉ đồng. Như vậy, ông Ninh Văn Quỳnh và gia đình đã khắc phục 20 tỉ đồng số tiền chiếm đoạt và được xác nhận “có thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra”. Trong tội cố ý làm trái, hành vi của Ninh Văn Quỳnh được xác định là đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của ông Đinh La Thăng, nên phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả, gây thiệt hại cho PVN là 800 tỉ đồng.
Bị cáo Vũ Khánh Trường (64 tuổi), nguyên thành viên HĐTV PVN, đã trực tiếp ký nghị quyết góp vốn bổ sung giai đoạn 2 (300 tỉ đồng) và biểu quyết đồng ý để HĐTV ban hành nghị quyết góp vốn bổ sung 100 tỉ đồng giai đoạn 3, giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 400 tỉ đồng. Nguyễn Xuân Sơn (56 tuổi), nguyên Phó tổng giám đốc PVN, đã ký các văn bản và quyết định về việc chuyển tiền lần 3 cho OceanBank, đồng phạm giúp sức cùng các bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 100 tỉ đồng. Nguyễn Xuân Thắng (63 tuổi), Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi), Phan Đình Đức (58 tuổi) đều nguyên thành viên HĐTV PVN, bị truy tố vì đã biểu quyết đồng ý với lần góp vốn thứ 3, đồng phạm giúp sức cho các bị can khác trong vụ án, gây thiệt hại cho PVN 100 tỉ đồng.
Triệu tập Hà Văn Thắm với tư cách người làm chứng
Để chuẩn bị cho phiên tòa, TAND TP.Hà Nội đã triệu tập Hà Văn Thắm (46 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) với tư cách là người làm chứng. Hà Văn Thắm hiện đang bị tạm giam, là bị cáo tại vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm trong sai phạm xảy ra tại OceanBank. Ngoài Hà Văn Thắm, tòa còn triệu tập Nguyễn Ngọc Sự (61 tuổi, hiện đang bị tạm giam và là bị can trong vụ án khác) và Phùng Đình Thực (64 tuổi, nguyên Tổng giám đốc PVN, đang là bị cáo trong vụ án khác) với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đã có 23 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và nguyên đơn dân sự (PVN), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (OceanBank). Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày, từ 19 - 29.3. Tòa dự kiến tuyên án vào ngày 31.3.
|
Bình luận (0)