OceanBank, Điện Thái Bình 2 đưa ông Thăng vào lao lý

09/12/2017 08:39 GMT+7

Liên minh 'ma quỷ' với Hà Văn Thắm biến Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) thành 'sân sau' thao túng tiền bạc của PVN, cùng những sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khiến ông Đinh La Thăng cùng thuộc cấp bị khởi tố.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư tại kỳ họp thứ 14 ngày 27.4, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn dầu khí VN (PVN) trong giai đoạn 2009 - 2011.
Ông Thăng ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17.3.2009 của Đảng ủy tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật, để HĐTV, Ban Tổng giám đốc tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.

tin liên quan

Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Thăng đã vi phạm Quy chế làm việc HĐQT tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18.9.2008 giữa Chủ tịch HĐQT tập đoàn và Chủ tịch HĐQT OceanBank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank) trước khi HĐQT tập đoàn họp thống nhất nội dung trên; chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Dự án, doanh nghiệp liên quan PVN thua lỗ dưới thời ông Thăng Đồ họa: Du Sơn
Biến OceanBank thành “sân sau”
Phi vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank như ngọn lửa thổi bùng những sai phạm tại PVN cũng như OceanBank, đẩy nhiều lãnh đạo, cán bộ dầu khí và ngân hàng rơi vào cảnh tù tội.
Ngày 29.9, sau 1 tháng xét xử và nghị án, TAND TP.Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, tử hình về 3 tội: cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản; tuyên Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, tù chung thân về 4 tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những người đề xuất vốn góp, những người liên quan chỉ đạo gửi tiền của PVN và các tổng công ty, công ty con vào OceanBank dẫn đến việc PVN bị mất trắng 800 tỉ đồng.
Tại tòa, Nguyễn Xuân Sơn khai mình không có thẩm quyền chỉ đạo các công ty con gửi tiền vào OceanBank nên HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những người đề xuất vốn góp, những người liên quan chỉ đạo gửi tiền của PVN và các tổng công ty, công ty con vào OceanBank.
Một chi tiết đáng lưu ý, luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, đã chỉ ra nếu không có chủ trương, quyết định từ “cấp trên”, Sơn cũng không dám nhận hết 246 tỉ đồng và chi chăm sóc lãi ngoài. Luật sư Tâm cũng đã trưng ra cả Văn bản số 6934, ngày 18.9.2008, do Chủ tịch HĐTV PVN lúc đó là ông Đinh La Thăng ký, yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank. Ông Thăng thậm chí còn đốc thúc các đơn vị phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về tập đoàn trước ngày 15.10.2010.
Theo lời khai của Hà Văn Thắm, trong suốt giai đoạn từ 2009 - 2011, tổng số tiền gửi đã di chuyển từ PVN vào tài khoản OceanBank lên tới 500.000 tỉ đồng. Với cơ cấu tiền gửi chiếm tới 50% tổng vốn huy động của OceanBank, cùng 20% vốn góp, tương đương 800 tỉ đồng, PVN đã biến OceanBank trở thành "sân sau" của mình.
Sai phạm tại Nhiệt điện Thái Bình 2
Ông Đinh La Thăng cũng bị điều tra vì liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (điều 278 bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) liên quan dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC, hồi cuối tháng 9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra thông báo về việc thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng của PVN. Ngoài Lê Đình Mậu còn có Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC. Cả 4 bị can trên có liên quan sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án này.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư. Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Qua đó, cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11.10.2011) là hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Hồi tháng 3.2016, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước, trong đó có nhắc tới một số sai phạm liên quan dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN và PVC.
Theo kết luận kiểm toán, việc thanh - quyết toán vốn đầu tư cũng tại dự án này đã để xảy ra nhiều sai sót. Trong đó, PVN đã tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho nhà thầu nhưng tổng thầu PVC đã chi chưa đúng mục đích tạm ứng 576 tỉ đồng và các bên vẫn chưa thu hồi được hết khoản tạm ứng trên. Mặt khác, PVN đã tiến hành ký hợp đồng tư vấn thu xếp vốn với giá trị gần 68,9 tỉ đồng và thực hiện giải ngân gần 61,3 tỉ đồng, tuy nhiên, khoản chi phí này chưa có văn bản quy định của nhà nước hướng dẫn về định mức cũng như hạch toán, quyết toán của các dự án đầu tư xây dựng, do vậy, chưa có cơ sở để xác nhận khoản chi phí này.
Sau khi nhận được khoản tiền tạm ứng lớn từ Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc, đã sử dụng không đúng mục đích khoản tiền trên, như trả nợ ngân hàng, góp vốn vào 5 công ty con; đến nay, 3 trong số 5 công ty con này đã kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn, khiến PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Khánh
Ngày 8.12, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi, trú tại phòng 2801, nhà A, 88 Láng Hạ, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội), nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN.
Trong thông cáo phát đi chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cũng đã thông qua Nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, ĐBQH khóa 14. Ông Nguyễn Quốc Khánh nguyên là Chủ tịch HĐTV PVN, bị cho thôi chức Chủ tịch PVN và điều chuyển về Bộ Công thương hồi tháng 3.2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.