Nên trao quyền lựa chọn tuổi về hưu cho người lao động

01/01/2017 10:02 GMT+7

Khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn cho thấy, 100 % lao động trực tiếp không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu . Đồng thời, ý kiến của chủ sử dụng lao động cũng cho rằng, nên trao quyền lựa chọn cho người lao động.

70% người lao động muốn giữ nguyên tuổi về hưu
Vừa bước sang tuổi 55 và còn 5 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, song ông Đặng Trần Thế, công nhân kỹ thuật Công ty sản xuất kinh doanh tấm bông Hà Nội không còn nhanh nhẹn như trước. Ông Thế cho hay: “Công việc luôn luôn đòi phải tỉnh táo, minh mẫn, nhưng tuổi tôi bây giờ mắt mũi bắt đầu kèm nhèm, làm việc thấy mệt lắm rồi. Giờ mà quy định tăng tuổi nghỉ hưu chắc tôi không đủ sức, có khi phải xin nghỉ trước hạn”.
Dù làm việc không vất vả như những lao động trực tiếp, chị Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm cho nữ mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra. Chị Thảo bộc bạch: “Do tính chất công việc của chúng tôi phải ngồi hàng giờ trước máy tính, đầu óc căng thẳng có khi còn hơn lao động chân tay. Áp lực công việc đã mệt mỏi lắm rồi, chưa nói đến bệnh nghề nghiệp như cận thị, loạn thị, đau vẹo cột sống... 60 tuổi quá già để làm việc, nên để như hiện tại là hợp lý”.
Theo ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch ngành Giáo dục Việt Nam, đa phần giáo viên cấp phổ thông trở xuống đều không mong muốn kéo dài thời gian làm việc, chỉ giảng viên đại học và tương đương thì có nguyện vọng tăng tuổi nghỉ hưu. “Quan điểm của chúng tôi là không quy định kéo dài tuổi lao động trong bộ luật Lao động, những đối tượng khác muốn tăng thì điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật”, ông Đức nói.
Không chỉ người lao động, đại diện chủ sử dụng lao động cũng không đồng tình phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB-XH. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc công ty sản xuất kinh doanh tấm bông Hà Nội cho biết: “Với những lao động làm trong ngành dệt may đến tuổi 35 đã phải đeo kính. Điều này dẫn đến các sản phẩm làm ra không còn chính xác. Nếu quy định lao động 60 - 62 tuổi mới về hưu, để bố trí chỗ làm việc cho người lao động là cả vấn để hết sức nan giải đối với doanh nghiệp”.
Ông Vũ Văn Bình, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Vĩnh Phúc bày tỏ: “Chưa nói đến người lao động trực tiếp sản xuất, đối với nhóm lao động kỹ thuật và quản lý còn chưa dám khẳng định những người làm lâu năm có đóng góp thành quả cao hay không, bởi họ có sức ì lớn. Đối với doanh nghiệp, hãy để thị trường chi phối, doanh nghiệp có quyền cho người lao động về nghỉ nếu không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp”.
Trước phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB-XH, mới đây, Viện Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) đã có cuộc khảo sát 4.000 công nhân trực tiếp sản xuất tại các khu công nghiệp - khu chế xuất trên cả nước. Kết quả, có đến 100% người lao động đều không đồng tình với phương án này.
Trong đó, 70% công nhân bày tỏ ý kiến muốn giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay (tức nam 60, nữ 55); 30% còn lại đề xuất giảm độ tuổi nghỉ hưu, muốn nghỉ hưu sớm vì điều kiện sức khỏe không bảo đảm. PGS -TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn chia sẻ: “ Việc công nhân không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, họ là lao động trực tiếp sản xuất, làm việc ở các nhà máy trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, lại chịu áp lực tăng ca thường xuyên. Đặc biệt, các ngành ngành da giày, hóa chất, cầu đường…họ còn muốn xin được về hưu sớm hơn vì không đủ sức khỏe để làm việc lâu dài”.
Nên trao quyền lựa chọn cho người lao động
Làm công tác nhân sự tại một doanh nghiệp có tới hàng nghìn lao động, bà Bùi Thị Hương, phụ trách nhân sự công ty TNHH Yamaha VN thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động. Bà Hương cho rằng, không cần thiết phải nâng tuổi nghỉ hưu lúc này. “Một số nước trong khu vực Châu Á và Asean họ vẫn giữ tuổi nghỉ hưu như chúng ta và thực hiện tốt xã hội hóa lao động. Chúng ta có thể khuyến khích người lao động làm việc bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như Singapore, người lao động đến tuổi thì nghỉ hưu, song họ vẫn có thể làm việc tiếp và cống hiến sức lao động cho xã hội thì lý do gì chúng ta phải thay đổi”, bà Hương dẫn chứng.
Về vấn đề này, PGS - TS Vũ Quang Thọ cũng nêu ý kiến: “Đối với nhóm lao động trực tiếp không nên đặt ra việc nâng tuổi nghỉ hưu. Còn với nhóm lao động gián tiếp, khi đã đến tuổi nghỉ hưu, cơ quan, doanh nghiệp có thể trưng cầu ý kiến của người lao động. Trong trường hợp, người lao động muốn làm thêm hoặc doanh nghiệp có nhu cầu có thể tiếp tục sử dụng. Nếu người lao động muốn được nghỉ ngơi, doanh nghiệp cơ quan phải tôn trọng ý muốn của người lao động”.
Có cùng quan điểm với các ý kiến trên, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, việc tăng tuổi hưu ở thời điểm này là chưa hợp lý, cần có những nghiên cứu, khảo sát ý kiến từ chính người lao động trong những công việc cụ thể. “Thường các nước không tăng tuổi nghỉ hưu khi đang ở thời điểm dân số vàng. Chỉ có những nước phát triển, già hóa dân số mới tăng tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, những nước có trình độ phát triển thấp như VN đa phần đều giữ tuổi nghỉ hưu giống mình. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu ở khu vực gián tiếp, tăng tuổi nghỉ hưu, bộ máy càng cồng kềnh, trì trệ, không thu hút được người tài, Còn đối với người lao động trong khu vực sản xuất, ngoài trình độ tay nghề còn phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh chân. Theo tôi, việc nâng tuổi hưu của lao động nữ lên bằng nam giới là bất hợp lý, vì nó không dành cho đa số người lao động”, ông Cẩm nói.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu với khu vực hành chính, lao động trí óc. Ngoài ra, nên cơ chế cho người lao động có quyền lựa chọn nghỉ hưu ở một lứa tuổi nào đó. Còn đối với lĩnh vực sản xuất, do người lao động phải làm việc rất vất vả, sức lao động suy giảm nhanh, khả năng lao động của họ không thể kéo dài được, thì nên cho người lao động được quyền được nghỉ theo quy định như hiện nay. Ông Lộc góp ý: “Để hài hòa đảm bảo được lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người lao động nên có thêm “phương án 3”: người lao động có quyền nghỉ ở một lứa tuổi nào đó, nhưng cũng có quyền được làm thêm theo quy định của Nhà nước. Đây là phương án linh hoạt hơn những phương án “cứng” mà Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ”.
Tổng LĐLĐ không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu cho công nhân
Tại hội nghị lần thứ 21 (khóa 11) Đoàn chủ tịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra ngày 20-21.12, Thường trực Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ cũng đã có Tờ trình bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc nâng tuổi hưu của công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, đối với khu vực hành chính, sự nghiệp có thể xem xét nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhóm lao động trẻ và bảo đảm ổn định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.