Ngoài phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội muốn ‘hồi sinh' phí xây dựng?

Vũ Hân
Vũ Hân
11/03/2019 08:12 GMT+7

Dù có “trăn trở” việc tăng xử phạt là “đánh vào nồi cơm của người nghèo”, nhưng Hà Nội đang ấp ủ nhiều giải pháp “tăng” tương tự, trong đó có cả việc hồi sinh phí xây dựng.

Tăng phạt vì mục tiêu còn cao hơn "nồi cơm"?

Trong khi Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn bày tỏ “trăn trở” về việc tăng phạt là đánh thẳng vào nồi cơm của người nghèo, thì một phó chủ tịch khác lại cho rằng, tăng phạt vì một mục tiêu còn cao hơn “nồi cơm”.
Giải trình trước Ủy ban Tư pháp về an toàn giao thông hôm 6.3, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, dù vi phạm giao thông ở Hà Nội vẫn còn phổ biến, nhưng “cuộc sống mưu sinh của người dân cũng là vấn đề của thành phố, trong một lúc không thể giải quyết ngay được. Nếu phạt cao để phòng ngừa, răn đe thì lại đánh thẳng vào nồi cơm của người dân nghèo. Cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện cũng nói rất trăn trở điều này”.
Mặc dù vậy, ông Sơn cũng cho biết tới đây thành phố sẽ trình HĐND xem xét tăng mức xử phạt vi phạm.
Mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng, một Phó chủ tịch khác của UBND TP.Hà Nội cũng đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Theo ông Hùng, “có ý kiến cho rằng tăng cường xử phạt ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của người nghèo, nhưng không phải như vậy. Đó là bảo đảm an toàn tính mạng cho mọi người, chứ không phải chỉ có miếng cơm manh áo. Tính mạng con người còn quý hơn rất nhiều”.
Hà Nội muốn thu thêm tiền để có nguồn tái đầu tư cho giao thông và để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông Ảnh V.H
Với quan điểm này, ông Hùng đã đề nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải “cho phép nghiên cứu bổ sung việc thu phí xây dựng”, vì Hà Nội có luật Thủ đô, để tạo ra nguồn phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.
Theo ông Hùng, trước đây Hà Nội đã có loại phí này để bảo trì hệ thống giao thông và để làm công trình kết nối, với mức thu theo phần trăm tổng mức đầu tư của công trình hạ tầng, và Hà Nội đã từng “thu được rất nhiều tiền”. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã bãi bỏ loại phí trên.
Ông Hùng cho rằng, nếu khôi phục loại phí này, thành phố sẽ có kinh phí để làm những công việc như rửa đường sau khi thi công công trình, nạo vét hệ thống thoát nước, giảm thiểu được rất nhiều ảnh hưởng của các công trình đang xây dựng... 

Xử phạt tạo ra nếp văn hóa, tạo ra kỷ cương, tạo ra công bằng?

Với liên tiếp những diễn biến gần đây, từ việc UBND TP.Hà Nội rậm rịch trình HĐND tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, đến thu phí phương tiện vào nội đô, đến kiến nghị hồi sinh phí xây dựng công trình... cho thấy Hà Nội đang rất tâm đắc với giải pháp “kinh tế” - với quan điểm xử phạt thật nặng sẽ điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông.
Trong cuộc họp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội ngày cuối tuần (9.3) vừa qua, khi Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông báo cáo đến đoạn “ý thức chấp hành giao thông của người dân rất kém...” đã bị Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ngắt lời: “Cái đó mình nói nhiều rồi. Tốt nhất là đổ cho dân mà. Nhưng mà dân cũng do mình. Nếu mình không xử phạt nghiêm thì không tạo ra nếp văn hóa”.
Ông Hoàng Trung Hải lấy dẫn chứng, “đi nước ngoài có ai tuyên truyền gì đâu, tiếng tăm chả biết, nhưng cứ vi phạm bị phạt cho tới nơi tới chốn thì nhớ đời ngay", và cho rằng, “bao giờ cũng thế, cái gì không thực hiện được mình phải xem. Lỗi là lỗi mình. Làm vỉa hè mạnh, tốt, y như rằng khách đi xe bus tăng. Họ không có chỗ đỗ nữa, vỉa hè sạch sẽ, xe máy cũng giảm. Phải làm! Một mặt phải tuyên truyền, một mặt vẫn phải xử phạt rất mạnh”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, “xử phạt tạo ra nếp văn hóa, xử phạt tạo ra kỷ cương cho xã hội và chính xử phạt nó tạo ra công bằng xã hội”, tránh cảnh người vi phạm lại được lợi, trong khi người chấp hành đúng người ta lại không được gì...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.