'Trước khi giáo dục dân phải giáo dục người thi hành công vụ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/03/2019 12:25 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống vi phạm pháp luật an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập.

Sáng 6.3, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Báo cáo tổng hợp nội dung yêu cầu giải trình của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp do Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày đã nêu ra hàng loạt những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước được cho là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về an toàn giao thông và tai nạn giao thông.
Đối với vấn đề xử lý vi phạm, bà Thủy cho hay, việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý.
Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát đối với xe siêu trường, siêu trọng chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về tải trọng; thậm chí, nhiều xe ngang nhiên, công khai đi qua nhiều tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam và ngược lại.
"Cử tri phản ánh, bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt", bà Thủy nói.
Bà Nguyễn Thị Thủy trình bày tổng hợp nội dung yêu cầu giải trình của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp Ảnh Quang Khánh
Một vấn đề cũng được nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nêu ra là việc lâu nay dư luận phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này.
“Chỉ đến khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Bà Thủy cũng chỉ ra tình trạng một số cán bộ tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thậm chí bảo kê cho vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông.
“Bên cạnh những đóng góp lớn, hy sinh vất vả của lực lượng cảnh sát giao thông, một bộ phận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, được dư luận phản ánh nhiều năm đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông. Đề nghị Bộ Công an có giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để vấn đề này”, bà Thủy nói.

Mỗi ngày 23 người ra đường và mãi mãi không về nhà

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn còn bất bập, số người chết vẫn rất cao và đáng báo động.
“Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người ra đường và mãi mãi không bao giờ về nhà nữa”, bà Nga nói và cho biết, mục đích của phiên giải trình là để tìm ra giải pháp chặn đứng tình hình vi phạm an toàn giao thông.
Tham gia ý kiến, ông Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM) cho hay, hiện nay có tình trạng quản lý nhà nước đi sau, giải quyết hậu quả nên không ngăn chặn được tình hình vi phạm an toàn giao thông và tai nạn giao thông. "Nếu cứ như vậy thì 15 năm nữa tình hình tai nạn giao thông cũng không cải thiện được", ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thì cho rằng việc xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật và vi phạm tràn lan.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh Lê Hiệp
"Cảnh sát giao thông tuýt còi vào nhưng không biết xử phạt được mấy trường hợp còn lại là "chung chi" khiến người dân không phục, việc xử phạt không hiệu quả", ông Cương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn giao thông như thời gian qua chính do xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực liên quan không nghiêm.
"Một chiếc xe chở quá tải mà đi từ Lạng Sơn tới Cà Mau mới phát hiện được thì các thiết chế kiểm soát trên cả tuyến đường đó đi đâu?", ông Quyền nêu và khẳng định: Chúng ta cứ đi tìm nguyên nhân đâu đâu trong khi nguyên nhân là ở chúng ta, do chúng ta không làm nghiêm minh.
Từ đó, ông Quyền cho rằng, nếu trách nhiệm quản lý nhà nước mà không ai bị xử lý thì tình trạng sẽ kéo dài mãi. "Phải xem xét trách nhiệm của người có trách nhiệm trong bộ máy quản lý nhà nước rồi mới nói tới dân", ông Quyền đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng dẫn lại ý kiến cử tri cho biết, tình trạng tiêu cực trong xử lý khiến dư luận rất bức xúc dẫn đến "nhờ" luật. "Cử tri này cũng đề nghị là trước khi giáo dục dân thì phải giáo dục người thi hành công vụ, có như vậy thì mới giải quyết được các tiêu cực", bà Nga nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.