Ngôi làng 'biến sỏi thành cơm'

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
08/07/2019 07:38 GMT+7

Gần 60 năm qua, người làng 19.5 (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) vừa gian khổ chiến đấu vừa có “của ăn của để” như bây giờ, xứng danh với tên đặt theo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những người con anh dũng

Làng mới nằm dưới chân núi Hoành Sơn đâm ra biển, nơi có đèo Ngang vắt qua con đường thiên lý bắc nam. Với người làng 19.5, gần như ai cũng thuộc làu lịch sử làng, nhất là “pho sử sống” Lê Huy Hoàng.
Cụ Hoàng nhớ lại những năm đầu thập niên 1960, thực hiện Kế hoạch 3 về phát triển, cải tạo kinh tế, Đảng bộ xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch) tổ chức lực lượng thanh niên xung phong đi khai hoang mở đất lập làng. Đúng sinh nhật Bác Hồ (19.5.1960), có 2 đội thanh niên xung kích lên đường. Đến năm 1963, Đảng bộ Cảnh Dương vận động nhân dân đi lập làng mới. Những đảng viên xung phong đi đầu, để nhân dân noi theo. Tháng 10 năm đó, có 7 hộ với 35 nhân khẩu xung phong đi như hộ ông Phạm Đình Kế, Đậu Yêm, Phạm Hữu Long…
Thời kỳ đầu, nắng nóng bỏng rát ban ngày, thú rừng rình rập ban đêm. Chợ búa xa xôi, đi lại cách trở. Chính quyền địa phương, hợp tác xã và người dân chung tay dựng được 8 ngôi nhà ngói. Khoảng năm 1964 - 1965, một số hộ tiếp tục ra làng mới và đành phải dựng nhà tạm, hoặc ở chung với hộ “cũ”… Rồi làng cũng được định danh. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, nhân dân làng mới và được cấp trên đồng tình, ngày 19.5.1964, làng được mang tên “làng 19.5”. Những năm 1969 - 1970, thêm 30 hộ của thôn Di Luân (xã Quảng Tùng) tiếp tục đến định cư tại cồn Tràm. Sau này, làng được nhập vào địa giới xã Quảng Đông và dân số tăng lên 286 hộ.
Trong chiến tranh, do nằm ở địa thế chiến lược bên biển, bên QL1 nên làng hứng chịu nhiều bom đạn ác liệt của quân thù. Dân làng luôn ở trong trạng thái chiến tranh, nhà cửa phải lột hết ngói, làm nhỏ lại và ngụy trang che mắt địch. Hầm trú ẩn được làm kiên cố hơn. Trẻ em, phụ nữ phải đi sơ tán.
Để chống chọi, làng lập 2 trung đội dân quân dưới sự chỉ huy của ông Mai Quyến. Các tiểu đội thay nhau trực chiến ban ngày, đến ban đêm thì tuần tra canh gác ven biển, đề phòng biệt kích xâm nhập. Những trận oanh tạc của máy bay địch đã gây ra cái chết tang thương như 5 người của nhà ông Lành tử vong, con trai ông Đồng Quýt bị thương nặng sau đó không qua khỏi…
Nhưng càng bị bắn phá, người làng càng kiên cường chống chọi, đoàn kết chiến đấu. Ngày 5.8.1967, đội Thiếu sinh quân 19.5 được thành lập với 11 đội viên tuổi từ 13 - 15, do thiếu niên Đậu Văn Kế làm đội trưởng. Khi mở chiến dịch Hồng Kỳ trên vùng biển Hòn La năm 1972, làng 19.5 trở thành trọng điểm đánh phá khốc liệt. Lực lượng dân quân tiếp tục chiến đấu bắn trả máy bay Mỹ, cùng với toàn dân vận chuyển lương thực, nhà dân trở thành kho chứa gạo, không ai tơ hào một hạt gạo. Tất cả cho tiền tuyến miền Nam…

Thoát nghèo

Về Quảng Đông trước đây, đi trên QL1 phóng tầm mắt ra xung quanh, đất đai sỏi đá khô cằn đến nỗi chẳng có cây cối tạo bóng mát. Nhà cửa ven đường lụp xụp, ít nhà được tô trét đàng hoàng. Dân làng trông chờ vào thu nhập còm cõi từ nghề làm gạch ngói, hay lấy san hô ngoài biển về làm vôi, đánh bắt cá ở bãi ngang. Những khoảnh ruộng trồng lúa khô cũng bỏ hoang. Thêm khí hậu khắc nghiệt, tất cả như “vòng kim cô” siết chặt…
Nhưng bây giờ, mọi thứ khác hẳn. Hàng quán, nhà cửa mới đẹp mọc lên rất nhiều ven QL1. Bất lợi của nơi có địa thế “cuối đất” của Quảng Bình và chuẩn bị vượt đèo Ngang đã được dân làng “hô biến” thành lợi thế để kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, ngủ nghỉ. Khi khách thập phương đến Vũng Chùa viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người cũng dừng chân sử dụng một số dịch vụ của làng. Đường làng được trải thảm nhựa rộng thênh thang chẳng khác gì các khu đô thị.
Đi trên tuyến đường đẹp ven biển, mọi người nhìn thấy ngay Vũng Chùa - đảo Yến ở phía trước... Từ khi có con đường này, nhiều hộ dân mở thêm dịch vụ “tiếp nước” cho hải sản vận chuyển trên đường thiên lý bắc nam. “Nhìn thế chứ hầu như nhà nào cũng có vài ba trăm triệu đồng gửi ngân hàng”, Trưởng thôn 19.5 Nguyễn Thanh Đông khoe.
Thế hệ lập làng giờ chỉ còn vài người, ở tuổi xưa nay hiếm. Như cụ Nguyễn Thị Cang, 94 tuổi, có 4 người con, 15 người cháu, 16 người chắt và 2 người chít. Thấy làng xóm, con cháu phát triển, cụ Cang mừng khôn tả. “Ngày đầu lập làng, phải di chuyển bằng thuyền trong đêm tối từ Cảnh Dương ra, cơ cực muôn vàn. Có hôm nay đúng là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn Bác Giáp đó cháu à!”, cụ phấn khởi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.