Ngổn ngang đề án đơn giản hóa giấy tờ công dân

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/03/2019 08:08 GMT+7

Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư dự kiến sẽ được đưa vào vận hành, sử dụng từ năm sau.

Thế nhưng, thông tin tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đề án diễn ra hôm qua (26.3) cho thấy công việc chuẩn bị vẫn ngổn ngang và thời hạn này có thể sẽ phải lùi lại.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, đề án đạt một số kết quả tích cực như đã có 12 triệu người từ 14 tuổi trở lên tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được cấp thẻ căn cước; khoảng 1,9 triệu người đã có số định danh cá nhân...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công việc kết quả rất hạn chế, cần khắc phục như: kinh phí đầu tư trung hạn cho dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được bố trí đầy đủ để thực hiện khi số vốn cho dự án mới vỏn vẹn 230 tỉ đồng, còn tới 2.855 tỉ đồng chưa được giao.
Khai thác thông tin thế nào, cần có quy chế, quy định chặt chẽ, không thể thông tin cá nhân, bí mật của doanh nghiệp mà mang đi chia sẻ một cách tự do, tùy tiện
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình
Bên cạnh đó, việc tổ chức xử lý dữ liệu khối lượng lớn, thời gian ngắn, thiết bị máy móc chưa được trang bị, ảnh hưởng lớn đến tiến độ; việc thu thập thông tin dân cư vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát sinh nhiều sai lệch thông tin giữa các giấy tờ tùy thân của công dân, do công tác trao đổi giữa các cơ quan chưa chặt chẽ.
Các bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai đề án vì quy trình kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Cân nhắc việc xin lùi thời điểm thực hiện

Nhìn vào báo cáo này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc sốt ruột: “Công việc còn rất ngổn ngang, trong khi thời gian từ nay đến hết 2019 không còn nhiều. Nên tính tới cả phương án đề nghị báo cáo Quốc hội xin giãn thời gian hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vì mục tiêu này khó hoàn thành”.
Ông Ngọc thừa nhận, dù ngành công an đang rất tích cực triển khai việc thu dữ liệu về dân cư để cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, song công việc này chưa được phối hợp tốt giữa cơ quan công an và tư pháp ở địa phương.
“Rất nhiều người dân, đặc biệt là những người cao tuổi trước đây không có đầy đủ dữ liệu về hộ tịch lại phải đi làm lại giấy khai sinh. Các địa phương có ngày hàng trăm trường hợp đi làm lại giấy khai sinh, cao điểm có lúc tăng 250%, khiến khối lượng công việc rất lớn”, ông Ngọc nói. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, việc đề xuất lùi thời điểm thực hiện đề án cần cân nhắc kỹ.

Thu tiền hay miễn phí?

Một vấn đề khác gây nhiều băn khoăn là khi người dân và doanh nghiệp muốn truy cập vào cơ sở dữ liệu dân cư thì có mất phí hay không? Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng cần cân nhắc thấu đáo khi đề án đặt vấn đề có thu phí.
Theo ông Ngọc, toàn bộ các dữ liệu thông tin liên quan đến cá nhân của con người thuộc bí mật đời tư, chỉ có hai đối tượng có thể tiếp cận là người đó và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hơn nữa, nếu thu tiền của người dân có thể khiến họ không dùng nữa thì đề án không đạt được mục tiêu lớn nhất là để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh đồng tình khi cho rằng, về nguyên tắc đây là cung cấp dịch vụ công cho người dân nên không thu phí.
Theo giải thích của thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), có hai đối tượng được miễn phí sử dụng. Một là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hai là công dân được khai thác hoàn toàn miễn phí phần thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Còn với tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng khác cũng có thể được quyền khai thác nếu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và sẽ phải trả phí. Mức phí sẽ được Bộ Công an cùng Bộ Tài chính quy định cụ thể.
Trước ý kiến lo ngại việc thu phí với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ dễ lộ lọt thông tin cá nhân, ông Phú nhấn mạnh ở đây không phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin đời tư mà chỉ cung cấp thông tin tổng hợp về dân số. “Ví dụ, tỉnh A có bao nhiêu người trong độ tuổi này, cơ sở dữ liệu dân cư xác thực con người này có đúng không và công an chỉ xác thực là đúng hay không mà thôi”, ông Phú trấn an.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc đầu tư cho hạ tầng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là từ tiền thuế của dân, nên những gì công dân được hưởng và họ có nghĩa vụ kê khai thì người đó được thu thập cho nhu cầu bình thường (không phải kinh doanh thương mại) mà không mất phí.
Trong khi đó, các tổ chức doanh nghiệp, kinh tế, thương mại phát sinh giao dịch hay để nghiên cứu thì sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý sẽ phải trả phí. “Nhưng khai thác thông tin thế nào, cần có quy chế, quy định chặt chẽ, không thể thông tin cá nhân, bí mật của doanh nghiệp mà mang đi chia sẻ một cách tự do, tùy tiện”, Phó thủ tướng lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.