Điều kiện tiên quyết là cơ sở dữ liệu dân cư

06/11/2017 08:31 GMT+7

Theo đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Bộ Công an, thời gian qua Bộ Công an đang khẩn trương triển khai thực hiện nhiều công việc liên quan đến Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, quan trọng nhất là gấp rút triển khai xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 896 của Chính phủ (theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 8.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020, PV).
“Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các yêu cầu theo nghị quyết của Chính phủ, bởi đây là nơi tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân cả nước được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức hay cá nhân”, đại tá Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho hay, khi dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành, đi vào vận hành, công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính, chỉ cần xuất trình các thông tin cơ bản trên thẻ căn cước công dân như: mã số định danh, tên và nơi ở thì sẽ được giải quyết, không cần phải mang theo sổ hộ khẩu hay một số loại giấy tờ khác như trước đây.
“Trên thẻ căn cước công dân hiện nay có 12 số là mã số định danh của công dân. Đó là chìa khóa để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều loại thủ tục giấy tờ, như hộ khẩu chẳng hạn”, ông Thắng cho hay.

tin liên quan

Bỏ sổ hộ khẩu và CMND
Chính phủ vừa có nghị quyết về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng C72, cho biết theo dự kiến, trung tuần tháng 11, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, dự án sẽ thu thập dữ liệu của hơn 90 triệu công dân VN thông qua việc làm thẻ căn cước công dân, tàng thư căn cước của Bộ Công an, cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, dữ liệu của Bảo hiểm xã hội...
“Trong trường hợp các nguồn vẫn chưa đủ, Bộ Công an sẽ tổ chức phát phiếu cho người dân cùng khai để thu thập 15 trường thông tin của công dân. Khi thu thập đủ dữ liệu thì dự án sẽ đi vào vận hành và là yếu tố tích cực để thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính do Bộ Công an và nhiều bộ, ngành khác quản lý”, ông Phú nói và cho biết Bộ Công an đưa ra kế hoạch cuối năm 2018 hoặc chậm nhất đầu năm 2019 hoàn thành dự án này.
Bộ, ngành cũng ngóng chờ
Từ tháng 4.2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi của các bộ, ngành như: Công an, Tư pháp, Công thương, Xây dựng, Tài chính, Y tế, Giao thông vận tải, Giáo dục - Đào tạo, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh - Xã hội, Khoa học - Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước...
Nhiều thủ tục, giấy tờ của các bộ, ngành trên được Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa, bãi bỏ, nhưng chỉ được thực hiện vào “thời điểm hoàn thành, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. Điều đó cho thấy không chỉ người dân mà hàng loạt bộ, ngành cũng đang ngóng chờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành; nếu chưa có cơ sở dữ liệu, xem như mọi việc còn “đứng bánh”.
Quốc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.