Ngư dân Lý Sơn kể chuyện bị tàu Trung Quốc tông chìm ở Hoàng Sa

Hiển Cừ
Hiển Cừ
01/06/2018 11:14 GMT+7

Dù cố tránh nhưng vẫn bị tàu Trung Quốc cố tình tông khiến 1 tàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) lật úp rồi chìm xuống biển Hoàng Sa.

Tiếp xúc với chúng tôi, ngư dân Lê Hơn (52 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 96798 TS vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại chuyện tàu cá của gia đình bị tàu Trung Quốc tông chìm trong lúc hành nghề ở Hoàng Sa.
Theo ngư dân Hơn, ngày 18.5, ông cùng 6 bạn chài (ngụ cùng địa phương) đưa tàu QNg 96798 TS từ đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa để khai thác rong biển (rau chân vịt - PV). Đến ngày 22.5, trong lúc các ngư dân đang hái rong biển tại khu vực đảo Bom Bay thì tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46101 đến và sử dụng ca nô chạy vào khu vực gò cạn có độ sâu khoảng 1 - 2 m cản trở các ngư dân đang khai thác rong. Tàu này dùng dao, búa phá nát chiếc bè dài khoảng 5 m, rộng 4 m dùng để đưa rau chân vịt từ chỗ khai thác ra tàu cá.
Do bị tàu Trung Quốc cản trở, rượt đuổi nên ngư dân Hơn đưa tàu đến đảo Bạch Quy tiếp tục hái rong. Trưa 25.5, trong lúc đang hành nghề cách đảo Bạch Quy khoảng 10 hải lý thì các ngư dân phát hiện tàu màu trắng mang số hiệu 31102 của Trung Quốc từ xa chạy đến. Lúc này, ngư dân Hơn cùng các bạn chài bỏ dở công việc, tức tốc cho tàu QNg 96798 TS nhổ neo chạy theo hướng tây - nam.
Dù bị tàu 31102 của Trung Quốc truy đuổi, áp sát hơn 1 giờ đồng hồ nhưng ngư dân Hơn vẫn cho tàu chạy né tránh, nhất quyết không dừng lại. Bất ngờ, từ phía sau, tàu 31102 tăng tốc rồi đâm thẳng vào giữa mạn trái khiến thân tàu cá QNg 96798 TS bị lật úp và chìm.
Trong lúc hoảng loạn, các ngư dân vẫn cố tìm cách thoát ra khỏi tàu cá và bơi ra ngoài. Trong đó, ngư dân Lê Điều (48 tuổi, ở xã An Hải) bị va vào tàu khiến mí mắt bị rách, máu chảy rất nhiều nên khi bơi được ra ngoài thì ông bị ngất xỉu. “Hôm đó, vụ việc xảy ra vào ban ngày nên anh em ngư dân còn có thể xoay sở, tìm cách thoát ra khỏi con tàu bị lật úp chứ ban đêm thì khó bề sống sót. Dù được tàu Trung Quốc vớt nhưng khi lên tàu 31102, các ngư dân đều tái mét mặt mày, sau nhiều giờ mới lấy lại tinh thần”, ngư dân Hơn nhớ lại.
Cũng theo ngư dân Hơn, sau khi lên tàu 31102, những người  ở Trung Quốc tra hỏi, lập biên bản và buộc điểm chỉ vào nhưng các ngư dân bị nạn từ chối.
Ngư dân Điều cho biết thêm chiều 27.5, sau khi phía Trung Quốc bàn giao, tàu 4037 của Cảnh sát biển Việt Nam đã đưa 7 ngư dân Lý Sơn bị chìm tàu ở Hoàng Sa về cập cảng Kỳ Hà (Quảng Nam). Ngay sau đó, đoàn công tác của UBND H.Lý Sơn, do ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đến cảng Kỳ Hà đưa các ngư dân về Lý Sơn.
Ngư dân Lê Hơn nhặt nhạnh số rau chân vịt còn lại ở phiên biển trước để bán chi tiêu cuộc sống hàng ngày Ảnh: HIỂN CỪ

Thoát chết trở về nhà nhưng gia đình ngư dân Hơn đang phải đối mặt với bao khó khăn chồng chất. Ngư dân Hơn cho biết mấy chục năm bám Hoàng Sa mưu sinh mới tích cóp đóng được con tàu để bám biển nhưng bây giờ tàu bị tông chìm khiến gia đình ông trắng tay, nợ nần.  “Tàu chìm, gia sản của gia đình hơn 1,5 tỉ đồng mất sạch”, ngư dân Hơn rơm rớm nước mắt nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ngư dân Hơn mong mỏi sớm hỗ trợ giúp đỡ vốn để gia đình ông có điều kiện đóng lại tàu mới tiếp tục vươn ra Hoàng Sa bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Rau chân vịt được ngư dân Lý Sơn khai thác ở ngư trường Hoàng Sa Ảnh: HIỂN CỪ

Liên quan đến vụ tàu cá của ngư dân Hơn bị tàu Trung Quốc tông chìm ở Hoàng Sa hôm 25.5, ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn nói: “Tàu 31102 của Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu của ông Hơn để cho tàu chìm, phá hủy tài sản, gây thiệt hại lớn cho ngư dân. Do vậy, trước mắt huyện sẽ đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ giúp ông Hơn có điều kiện bám biển làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.