Người bán vé số 34 năm mê Báo Thanh Niên

Như Lịch
Như Lịch
09/01/2021 05:34 GMT+7

Năm 26 tuổi, bà Nguyễn Thị Hường (hiện 61 tuổi, quê Bình Định) tình cờ được “đọc ké” tờ Thanh Niên . Đến nay, Thanh Niên bước vào tuổi 35 (1986 - 2021), còn bà Hường trở thành độc giả son sắt suốt 34 năm.

Buổi sáng se lạnh, bà Hường ghé sạp báo vỉa hè trước nhà số 9 Nguyễn Cửu Đàm (Q.Tân Phú, TP.HCM) mua tờ Thanh Niên. Ông Lê Văn Quân (75 tuổi), chủ sạp báo, chia sẻ với chúng tôi: “Công nhận bà này bền bỉ thiệt. Những ngày bả không ra đây, trưa trưa tui điện hỏi: Có lấy báo không? Bả nói: Lấy. Để chỗ đó dùm tui”.

Nhờ đọc báo mà không còn ý định tự tử...

Bà Nguyễn Thị Hường tâm sự: Năm 1985, khi đang mang bầu đứa con thứ tư, bà đã hai lần uống hàng chục viên thuốc ngủ nhằm “kết liễu cả mẹ lẫn con”. Lý do khiến bà tuyệt vọng là hạnh phúc vợ chồng tan vỡ, toàn bộ tài sản bao năm tích cóp đã bị tiêu tán.
Năm 1986, bà Hường thường gánh củi từ quê ra bán ở gần Bưu điện Bồng Sơn (tỉnh Bình Định). Một hôm, thấy một người cầm tờ báo Thanh Niên, bà mượn coi thử. Bà kể: “Không ngờ ngay từ lần đầu, tui ghiền luôn tờ báo này! Ngặt nỗi, mình bán củi chỉ đủ đong gạo ăn, làm sao có tiền mua báo”. Quan sát thấy “sự ghiền” của bà Hường, cô nhân viên bưu điện thương tình cho bà đọc ké ở quầy báo.
May mắn hơn, một người đặt mua Báo Thanh Niên dài hạn đã cho bà Hường tất cả số báo cũ. Bà mừng như bắt được vàng! “Lúc nào rảnh là tui tranh thủ đọc, nên cũng nguôi ngoai chuyện buồn. Đặc biệt, tui rất tâm đắc khi đọc bài báo khuyên người phụ nữ đừng gục ngã, phải biết vượt lên nghịch cảnh. Tui từng tự tử hai lần, nhờ coi Báo Thanh Niên mà tui không bao giờ có ý định vậy nữa”, bà Hường nhớ lại.
Bà Hường khẳng định Báo Thanh Niên như người bạn đồng hành thầm lặng, có ảnh hưởng quan trọng trong những bước ngoặt cuộc đời bà. Năm 1988, bỏ lại quá khứ đau buồn, bà ẵm con vô Cam Ranh - Khánh Hòa. Bà tiết lộ: “Trước đó, tui chưa đi đâu xa nhà. Nhưng sau khi đọc bài báo trên Thanh Niên viết về Cam Ranh - Khánh Hòa, tui quyết định bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng trên vùng đất mới, miễn sao trong lòng không còn u uất, trầm cảm”.
Thời gian đầu, mẹ con bà Hường đi ăn xin, ngủ ở chợ. Rồi bà làm phụ hồ, cắt lúa, trồng mì... ai thuê gì làm nấy. Mấy năm sau, với sự giúp đỡ của người dân và chính quyền địa phương, mẹ con bà có chỗ ở tương đối ổn định. Từ năm 1990, bà Hường kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Năm 2015, khi con cái đã lớn, bà một mình vào TP.HCM bán vé số. Bà chia sẻ, 35 năm nay, chỉ duy nhất năm 1988 bà bị gián đoạn đọc Thanh Niên, do khi ấy bà mới chuyển vào Khánh Hòa và cuộc sống có nhiều xáo trộn.
Bà Hường tự đặt câu hỏi: “Tại sao tui kết, tui mê tờ Thanh Niên, hằng ngày nhịn ăn sáng để dành tiền mua báo?”, và hào hứng giải thích: “Vì tờ báo này có nhiều nội dung rất hay, bám sát thực tế, phong phú và trung thực. Có những bài viết động viên mình sống lạc quan, có những mục cho mình thư giãn. Vừa mở mang hiểu biết, vừa có được sự thanh thản, đó là nhờ Báo Thanh Niên đem đến cho mình”.

Trong giỏ xách đeo bên người, bà Hường thường mang theo cặp kính và tờ báo Thanh Niên

Nhờ báo đòi quyền lợi chính đáng và giúp người hoạn nạn

Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19 (tháng 4.2020), TP.HCM có chủ trương trợ cấp 750.000 đồng/người bán vé số bị ảnh hưởng trong thời gian tạm dừng phát hành vé số từ ngày 1 - 15.4.2020. Nhận thấy bản thân mình và nhiều đồng nghiệp ở đại lý vé số có nguy cơ bị bỏ sót, không nhận được tiền trợ cấp đúng hạn, bà Nguyễn Thị Hường đã gọi điện đến Đường dây nóng Báo Thanh Niên “cầu cứu”.

Tích cực làm từ thiện

Với tinh thần “lá rách đùm lá nát”, nhiều năm nay bà Hường rất tích cực làm từ thiện. Bà tự nguyện góp tiền (dù có những lần phải chạy vạy mượn tiền), trực tiếp tham gia nhiều chuyến đi tặng quà, xây cầu cho người dân ở vùng sâu vùng xa. Ít ai biết bà Hường mang trong người các chứng bệnh như thoát vị đĩa đệm, suy giãn tĩnh mạch... Do bệnh tật phải điều trị hằng tháng, đặc biệt vừa rồi phải nằm viện, nên bà Hường mắc nợ gần 20 triệu đồng. Năm nay bà Hường không về quê ăn tết, để lo “cày” kiếm tiền trả phần nào khoản nợ trên.
Được tòa soạn phân công tìm hiểu vụ việc, sau khi tiếp xúc các bên, tôi đã viết bài phản ánh trên Thanh Niên. Ngay sau đó, các ngành chức năng vào cuộc, UBND các phường liên quan nhanh chóng trao khoản trợ cấp cho bà Hường và gần 25 người bán vé số. Bà Hường bày tỏ: “Nhờ đọc Thanh Niên, tui mới biết có chính sách hỗ trợ những người bán vé số . Và cũng nhờ Báo Thanh Niên, tụi tui đòi được quyền lợi chính đáng của mình”.
Trung bình mỗi ngày, bà Hường bán 200 tờ vé số. Bà thường đi bán trước 7 giờ. Khoảng 9 giờ, bà ghé sạp báo mua tờ Thanh Niên. Trong giỏ xách nhỏ mang theo, bà Hường luôn thủ sẵn cặp kính và tờ báo để đọc những lúc rảnh. Sau khi đi bán đến tận nửa đêm, bà trở về phòng trọ và coi hết tờ báo mới ngủ.
Mỗi khi nghe người ta nói không rõ ràng và chính xác về vấn đề thời sự nào đó, bà Hường cầm lòng không đậu liền tranh luận lại. Ban đầu, họ cứ nghĩ bà “chém gió” cho vui, nên xem nhẹ ý kiến của bà. Lúc đó, bà trưng ra tờ Thanh Niên: “Nói có sách, mách có chứng đây. Báo viết rõ ràng nè”. Dần dần, bà Hường được nhiều khách khen ngợi: “Bà bán vé số này hay thiệt! Tin tức gì bả cũng biết tường tận!”.
Vừa qua, tôi gặp lại bà Hường tại sạp báo của ông Lê Văn Quân (trước nhà số 9 Nguyễn Cửu Đàm, Q.Tân Phú). Ông Quân cho biết ông bán báo tại vỉa hè này đã gần 15 năm, nhưng chưa thấy ai bán vé số mà mê đọc báo như bà Hường. Hơn 4 năm nay, từ khi bà Hường chuyển chỗ trọ đến địa bàn này, hầu như ngày nào bà cũng đặt mua báo Thanh Niên ở sạp ông. Ngay cả trong giai đoạn phải dừng bán vé số theo chủ trương nhà nước để phòng chống đại dịch Covid-19, hay những hôm bà bị bệnh nặng, hoặc các lần bị kẻ xấu cướp giật, lừa lấy hết vé số…, bà Hường vẫn cố gắng duy trì mua báo. Bà Hường góp chuyện: “Ông Quân bán báo rất nhiệt tình. Những lúc tui gặp sự cố, ổng tự động cho tui nợ tiền báo và cho mượn tiền đóng viện phí, dù mấy năm đầu ổng không biết mình ở đâu. Ổng tự tin nói những người đọc báo là có văn hóa nên không lo bị họ giựt nợ. Sau này biết khu trọ của tui, những hôm tui không ra lấy báo được thì ổng chạy đến tận nhà giao. Cũng nhờ việc mua bán báo, tui mới có đủ duyên gặp bà xã ổng và rủ bả đi làm từ thiện”.
Trên bước đường mưu sinh, mỗi khi gặp những cảnh đời bất hạnh, bà Hường gọi cho Đường dây nóng của Báo Thanh Niên nhờ giúp đỡ. Bên cạnh đó, bà còn hướng dẫn một số trường hợp trực tiếp đến tòa soạn trình bày. Bà bày tỏ: “Thường xuyên coi báo, mình biết được tinh thần Thanh Niên hay giúp đỡ người hoạn nạn. Cho nên mình giới thiệu họ đến với báo và đã có nhiều ca thương tâm được hỗ trợ kịp thời”.
Trong khi đó, hoàn cảnh bà Hường cũng chất chồng khó khăn với bệnh tật, nợ nần. Nhưng bà bảo bà còn đi bán vé số, còn cầm cự được. Bà chỉ ao ước có ai đó phát tâm tài trợ, cho bà tiếp tục được “thỏa cơn ghiền” đọc báo Thanh Niên mỗi ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.