22 tuổi, chuẩn bị lên phó hiệu trưởng, nhưng đọc Thép đã tôi thế đấy, ông viết đơn, nêu rõ quyết tâm “chỗ nào gian khổ nhất thì tôi xin đến”, và lên Mường Tè công tác 5 năm liền. Ông là Nguyễn Văn Bôn, 84 tuổi, Anh hùng lao động đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.
“Xin đến nơi nào khó khăn nhất”
Sinh năm 1937 ở Bắc Ninh, lên 7 tuổi Nguyễn Văn Bôn đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Được bà ngoại nuôi ăn học hết lớp 9, ông Bôn vào làm việc ở Ty Thủy lợi Hà Ðông (nay thuộc TP.Hà Nội). Sau đó Nguyễn Văn Bôn sang học Trường sơ cấp Sư phạm T.Ư (nay là Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư) rồi về dạy học ở Thái Bình. Đầu năm 1959, Bộ Giáo dục kêu gọi giáo viên miền xuôi xung phong lên dạy học ở Tây Bắc (khi đó còn là khu tự trị Thái - Mèo), Nguyễn Văn Bôn viết đơn xin đi. “Hồi ấy tôi đã học xong cảm tình Đảng, chuẩn bị lên phó hiệu trưởng cấp 1, nhưng đọc Thép đã tôi thế đấy (tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky, Liên Xô, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1932, với nhân vật chính là người thanh niên Pavel Korsaghin có lý tưởng sống cao đẹp và ước mơ hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, quê hương), thấy mình phải cống hiến cho Tổ quốc, nên viết đơn nói rõ: Xin đến nơi nào khó khăn nhất”, ông Bôn nhớ lại.
Giữa tháng 8.1959, đoàn giáo viên tình nguyện lên đến TX.Lai Châu (nay là TX.Mường Lay, Điện Biên). Sau khi nghỉ 3 ngày, mỗi người được phát 1 chăn chiên, 1 áo bông và 1 lọ thuốc ký ninh để điều trị sốt rét, rồi bắt đầu đi bộ theo đường mòn dốc ngược chỉ có vết ngựa thồ gần 1 tuần mới tới châu Mường Tè (nay là TT.Mường Tè, H.Mường Tè, Điện Biên).
Mường Tè cuối những năm 1950 là mảnh đất cực ít người biết đến. Đi lại xa xôi vất vả, thiếu thốn mọi thứ nên số cán bộ ở Lai Châu vào đến Mường Tè có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. 3 ngày đêm đi bộ theo vết dao quắm chặt cây tìm đường vào xã Mù Cả, thầy giáo trẻ toàn phải nhảy cẫng vì rắn rết bò lổm ngổm...
|
“Ngôi trường ông Bôn”
Bây giờ thì Mường Tè đã được nhiều người biết đến. Thế nhưng sự xa xôi, khó khăn vất vả thì vẫn đứng đầu cả nước. Chạy xe gầm cao từ Hà Nội nguyên ngày mới tới TP.Điện Biên, ngủ lại 1 đêm sáng hôm sau đi, tới chiều mới có mặt TT.Mường Tè. Ngủ lại 1 đêm nữa, sáng hôm sau chạy xe nửa ngày dọc sông Đà và rẽ, mới tới xã Mù Cả.
Việc đầu tiên là phải làm trường. Thầy Bôn vẽ hình trên đất cho bà con hình dung. Nhờ thanh niên trai tráng vào rừng chặt gỗ, đốn tre, cắt lá và vừa hướng dẫn vừa tự làm, để thành lớp học. 10 bộ bàn ghế, cũng lấy từ những thân gỗ, thân tre trong rừng. Cả tuần sau đó, thầy Bôn cùng cán bộ xã đi đến từng bản, gặp từng gia đình phụ huynh vận động cho các em mang gạo, về trường ăn ở tập trung, để học “cái chữ Bác Hồ”.
Ngày 15.9.1959, Trường cấp 1 Mù Cả khai giảng năm học đầu tiên với 40 học sinh. Không có bảng, thầy Bôn đẽo thân cây to thành mặt phẳng, dựng lên viết chữ. Học sinh viết trên không cho cổ tay dẻo, sau mới gọt bút gỗ, viết lên lá chuối. “Đồ dùng học tập được phát chỉ 1 cuốn sách vỡ lòng, 1 hộp phấn, 1 bút mực. Sau tôi mang hết tiền lương, nhờ người ra huyện mua vở bút cho học sinh”, thầy Nguyễn Văn Bôn nhắc lại và kể: Học sinh học được mấy ngày thì chán, thầy giáo vừa dạy vừa nhảy múa ca hát, vừa vận động các gia đình ở bản cho các em ở nhờ. Không quen cuộc sống, nhiều em khóc mếu đòi về, thầy lại phải nghĩ ra nhiều việc, trò chơi để các em vơi nỗi nhớ nhà, từ đá bóng, nhảy dây cho đến hái nấm, bẻ măng, bắt cá về cải thiện bữa ăn và cả trồng lúa lấy gạo ăn.
Mấy lần vỡ lớp, học sinh kéo nhau về nhà hết, thầy Bôn lại đi cả ngày trời đến từng gia đình vận động học sinh đi học lại. Cứ cù cưa nửa năm trời như vậy thì học sinh đành… chịu thua thầy giáo, ở lại trọ học. Thầy Bôn chuyển sang người lớn, yêu cầu xã cử mỗi bản 2 thanh niên đến học xóa mù về dạy lại dân bản. Khi dưới Mường Tè mở lớp học tập trung, thầy đưa 22 người lớn xuống huyện học. Năm 1960, phong trào bình dân học vụ phát triển ở khu tự trị Thái - Mèo, các thanh niên cốt cán của Mù Cả quay trở về bản, cùng thầy Bôn dạy chữ và đến năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên ở Tây Bắc xóa mù chữ.
|
Tuyên truyền viên đặc biệt
Những năm 50 của thế kỷ 20, Tây Bắc là thủ phủ của thuốc phiện. Ở Mường Tè nói chung và Mù Cả nói riêng, khi ấy cây anh túc trồng bạt ngàn đến mức mỗi khi xuống huyện, người dân chỉ cần xách 1 - 2 kg thuốc phiện cũng giá trị như 1 - 2 tấn thóc. Những ngày đầu lên Mù Cả, thầy giáo Bôn rủ rỉ khuyên nhủ người dân không hút thuốc phiện. Thời gian sau, khi dần học thạo tiếng Hà Nhì, ông sáng tác thơ nhạc nói về tác hại của thuốc phiện, dạy học sinh về biểu diễn cho gia đình xem. Cao trào, thầy Bôn mở cuộc “triển lãm bàn đèn”, huy động học sinh mang bàn đèn (dụng cụ để hút thuốc phiện) của gia đình mình đến, thi xem cái nào đẹp nhất. Rồi hơn 40 bàn đèn được trưng bày chốc lát, liền được cán bộ xã mang thiêu hủy. Mất bàn hút, những người nghiện ở Mù Cả, có muốn cũng phải cai.
“Dạy cán bộ Hà Nhì học chữ mới là khó”, ông Nguyễn Văn Bôn bảo và nhớ lại: Khi nói “cái chữ của Đảng, của Bác Hồ”, nhiều cán bộ xã ý kiến: “Đảng có biết phát rẫy làm nương?
Bác Hồ là ai và nhà có to không, mà suốt ngày thầy giáo nhắc đến?”… Rút cục, thầy Bôn lại phải giải thích cặn kẽ về cách mạng, giải phóng dân tộc, đường lối chính sách, tiểu sử cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, như một cán bộ tuyên giáo thực thụ.
“Với đồng bào dân tộc thiểu số, mình phải rất cặn kẽ, so sánh đơn giản nhưng cụ thể thì đồng bào mới hiểu và tin mình. Cứ giáo điều, sách vở là không ai tin đâu”, ông Bôn nói.
Bình luận (0)