“Cứ nghe kêu cứu thì mình lại lao đi”
Trong tâm thức bà con miền núi Quảng Nam, những trận mưa lũ, những vụ sạt lở núi xảy ra trong thời gian vừa qua trở thành nỗi kinh hoàng khi hàng chục người đã chết và mất tích, nhiều ngôi làng bị xóa sổ, đặc biệt là đối với người dân xã Trà Ka (H.Bắc Trà My). Tuy nhiên, ngoài những mất mát, đau thương, hình ảnh mà họ không thể quên chính là thầy giáo Nguyễn Thương Tình (31 tuổi), người đã bất chấp nguy hiểm cứu sống nhiều người dân.
Thầy Tình quê ở xã Tam Lộc (H.Phú Ninh, Quảng Nam). Tốt nghiệp Trường ĐH Thể dục - thể thao Đà Nẵng năm 2011, anh đăng ký lên dạy tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Giáp (H.Bắc Trà My) và bám trụ cho đến tận bây giờ. Mới đây, anh lấy vợ và sống tại xã Trà Ka, cách Trà Giáp khoảng 4 km.
Chiều 28.10, do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn xã Trà Ka có mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về nhấn chìm nhiều nhà dân. Làng Xà Nu nằm cạnh sông Tang, nước dâng cao nhưng người dân không hề hay biết. Đoán biết được sự nguy hiểm rình rập, thầy Tình đến đập cửa từng nhà gọi người dân đi lánh nạn.
Khi nhiều người đến điểm an toàn thì anh phát hiện vẫn còn một số người trong làng chưa có mặt, liền quay lại và thấy nước đã dâng cao gần 2 m. Bên kia sông, anh nghe tiếng kêu cứu... Không chút suy nghĩ, anh lao vội qua dòng lũ. “Khi tôi bơi đến nhà bà Nguyễn Thị Lan thì thấy 3 người lớn đứng trên giường, ẵm 4 đứa nhỏ. Tôi vội đưa 2 cháu lớn hơn lên mái nhà ngồi tạm và đưa 2 đứa nhỏ hơn ra trước. Sau đó, tôi cứu những người còn lại”, thầy Tình kể.
Thầy giáo Tình còn tiếp tục vượt dòng nước lũ để cứu nhiều người dân mắc kẹt, trong khi người vợ đang mang bầu tháng thứ 8 lo lắng đến phát khóc. “Lúc đó mình gần như đã kiệt sức sau nhiều lần vật lộn với dòng nước lũ, nhưng khi nghe tiếng những đứa trẻ, cụ già kêu cứu thì lại lao đi”, anh tâm sự.
|
Bất lực nhìn nhà mình tan hoang
Sau khi cứu được nhiều người dân, quay về nhà, anh Tình và vợ bàng hoàng nhìn ngôi nhà tích góp bao lâu mới xây được đã tan hoang vì lũ. Bao nhiêu tài sản, vật dụng trong nhà nếu không bị lũ cuốn thì cũng hư hỏng. Đến giờ hai vợ chồng vẫn phải ở nhờ nhà người quen trong khi chờ dựng lại nhà mới. “Còn người sẽ làm ra được tài sản. Cứu người vẫn là trên hết. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn cứu dân thay vì ở nhà để bảo vệ tài sản”, Tình khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Lan vẫn chưa hết cảm kích khi nhắc đến thầy Tình, bởi cả gia đình bà nhờ thầy mà được cứu sống. Chiều 28.10, khi thầy Tình đi từng nhà trong làng kêu bà con lánh nạn, bà Lan chủ quan vì nghĩ sống ở đây mấy chục năm chưa khi nào nước dâng nên ở lại... Nhưng ngay sau đó, nước tràn vào nhà bà hơn 1,5 m. Nước sông cũng chảy rất xiết, không thể đi ra ngoài. “Khi đó, tôi cùng hai vợ chồng con gái chỉ biết bế mấy đứa nhỏ lên đầu, vai và kêu cứu. Rất may sau đó anh Tình bơi vào đưa cả nhà đến nơi an toàn. Nếu không có anh Tình, tôi và cả gia đình bị cuốn trôi, chết hết”, bà Lan nói.
Ông Hồ Văn Trần, Chủ tịch UBND xã Trà Ka, xác nhận ông chưa từng chứng kiến cảnh sạt lở và lũ lớn như năm nay ở địa bàn xã. Thời điểm xảy ra thiên tai, đường về các thôn bị tắc bởi sạt núi, nước lũ trên sông Tang dâng nhanh khiến người dân trở tay không kịp.
“Trong lúc nguy cấp, tôi đã điện thoại cho thầy Tình, nhờ đi vận động dân làng di dời khẩn để lánh nạn. Thầy trả lời gấp gáp rằng đang cố đưa bà con lên đồi cao. Không chỉ vậy, thầy Tình còn bất chấp nguy hiểm lao vào dòng nước lũ cứu khoảng 15 người dân mắc kẹt, chủ yếu là người già, trẻ em, đưa đến nơi an toàn”, ông Trần nói.
Bình luận (0)