Người dân bị động khi 'cán bộ làm việc tại nhà'

02/04/2020 07:07 GMT+7

Nhiều người dân bị động trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản nhà đất tại một số chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của TP.HCM khi 'cán bộ làm việc tại nhà'.

Sáng 1.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều người dân bị động trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản nhà đất tại một số chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của TP.HCM.
“Khi tôi đến làm thủ tục, chi nhánh thông báo ngừng nhận hồ sơ trực tiếp khiến tôi hoàn toàn bị động phương án tài chính do không kịp vay ngân hàng”, một người dân cho hay. Về vấn đề này, lãnh đạo một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cho biết: “Do có quy định tạm ngưng nên chi nhánh cũng tạm ngưng nhận hồ sơ trực tiếp, chờ thông báo mới”.

Chỗ nhận, chỗ từ chối

Cũng trong sáng 1.4, nhiều người dân tới trụ sở UBND P.26 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để làm các thủ tục hành chính như sao y, chứng thực. Thử làm thủ tục sao y, PV Thanh Niên mất chừng chưa tới 10 phút đã nhận được giấy tờ. Trả lời câu hỏi vì sao UBND TP.HCM yêu cầu không giải quyết hồ sơ trực tiếp nhưng phường vẫn nhận, nhân viên trả kết quả cho biết do Sở Nội vụ mới có tờ trình, TP.HCM chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn giải quyết cho người dân.
Còn theo ông Phan Quang Khánh, Chủ tịch UBND P.26 (Q.Bình Thạnh), thành phố yêu cầu những hồ sơ đã có dịch vụ công trực tuyến thì phải nộp trực tuyến, không được nộp trực tiếp nhưng thực tế có một vài thủ tục như sao y, chứng thực phải giải quyết trực tiếp. Trong buổi sáng, một số người dân chưa nắm được quy định nên đã đến trụ sở nộp hồ sơ nên phường “linh động” giải quyết luôn. Sau khi nhận văn bản mới của UBND TP, phường đã hướng dẫn người dân nếu hồ sơ chưa gấp gáp thì chờ sau 15 ngày, trong đó có cả hồ sơ sao y, chứng thực.
Còn tại UBND P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), ngay từ sáng, phường đã dán nhiều thông báo không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, kể cả sao y, chứng thực ngay trước cổng.

Trường hợp cấp bách vẫn phải giải quyết

Trong văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan, đơn vị từ 1.4 chỉ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và các hồ sơ, thủ tục cấp bách.
Thực tế ghi nhận trong ngày đầu áp dụng phương thức làm việc mới, nhiều người dân không thể nộp hồ sơ do thủ tục chưa có trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết đối với những thủ tục này, các địa phương cần chủ động rà soát những hồ sơ, thủ tục mà người dân thường xuyên thực hiện để nâng từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Sở TT-TT sẽ cung cấp thêm các biểu mẫu để các đơn vị cập nhật, hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ và nộp qua đường bưu điện. Đây là giải pháp tình thế để giải quyết hồ sơ của người dân trong thời gian TP không nhận hồ sơ trực tiếp.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị người dân nên sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 thay vì đến trực tiếp cơ quan hành chính. “Trong 15 ngày này, ưu tiên hàng đầu là an toàn của người dân và công tác phòng chống dịch. Rất mong người dân chia sẻ, chung tay với TP”, ông Tuyến đề nghị.
Tại TP.Vinh (Nghệ An), theo chỉ đạo của UBND TP, UBND các phường, xã cũng chỉ bố trí lãnh đạo và công chức trực bộ phận “một cửa” làm việc tại cơ quan, còn lại làm việc ở nhà. Tuy nhiên, lượng người dân đến giao dịch cũng rất ít.
Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trước khi ngừng giao dịch trực tiếp kể từ 0 giờ ngày 1.4, trung tâm đã gửi thông báo về các địa phương, đồng thời gửi thông báo đến Sở TT-TT (để phổ biến cho các cơ quan báo chí), đăng trên fanpage của trung tâm, tuy nhiên “không hiểu sao nhiều người dân vẫn không cập nhật thông tin”.
Đình Toàn - Khánh Hoan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.