Người Hà Nội chê guốc Yên Xá

28/08/2012 08:00 GMT+7

Làng Yên Xá, xã Tân Triều, H.Thanh Trì từng là làng nghề đóng guốc nổi tiếng của Hà Nội, nhưng giờ đây, người ta chỉ gặp những đôi guốc của làng nghề này trong bệnh viện hay dưới chân các bậc cao niên.

“Kinh đô guốc” là danh từ 30 năm về trước chỉ làng Yên Xá vốn có nghề xẻ gỗ, đóng guốc bán khắp nội, ngoại thành. Thời hàng hóa còn khan hiếm, đôi guốc mộc Yên Xá bền đến vài năm, giá chỉ có vài nghìn đồng là một sản phẩm đắt khách. Những năm 1980 là thời hoàng kim của Yên Xá với trên 300 hộ đóng guốc, hàng ngàn đôi xuất xưởng mỗi tháng.

Nhưng bây giờ, đi mỏi chân, hỏi mỏi miệng chúng tôi mới tìm được gia đình duy nhất ở Yên Xá còn làm guốc mộc, đó là gia đình anh chị Vũ Văn Thiều (50 tuổi, số nhà 22, xóm Giếng).

Anh Thiều làm nghề vận tải, chị Huê (vợ anh Thiều) làm nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh, anh chị đóng guốc từ năm 1990, tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau giờ làm tại cơ quan. Cả hai đều khẳng định cơ ngơi của họ không phải do nghề guốc đem lại. Ba cô con gái của anh chị tuyệt nhiên không biết gì về nghề của bố mẹ.

Người Hà Nội chê guốc Yên Xá
“Xưởng” guốc mộc cuối cùng của làng Yên Xá - Ảnh: N.T.H

Chị Huê cho hay, trước đây gia đình làm guốc hoàn chỉnh, từ việc đóng guốc, đến sơn màu, đính họa tiết. Tuy nhiên, từ năm 2000, hàng Trung Quốc, tràn về, guốc mộc Yên Xá chết dần, gia đình nay chỉ làm guốc thô bằng gỗ xoan đóng quai nhựa hoặc cao su.

“Giá gỗ, điện nước, phụ kiện đều tăng, hàng bán buôn chỉ 15.000 đồng một đôi, rẻ nhất trong tất cả các loại giày, dép nhưng vẫn ế. Mỗi tháng bán được 300 đôi là nhiều”, chị Huê nói.

Trong sân nhà chị Huê, 2.000 đế guốc đang chờ ngày xuất xưởng. Mua guốc Yên Xá giờ chỉ là những người già quen đi guốc mộc, người học võ cổ truyền hoặc các đoàn làm phim cần phục trang cổ hoặc hộ lý một vài bệnh viện. Những năm gần đây, guốc mộc còn được sử dụng trong... nhà tắm. “Nghe thật chua chát, nhưng may là người ta vẫn nhớ đến guốc Yên Xá mà mua”, chị Huê buồn bã.

Có mặt tại chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Phùng Khoang... các mối chính của guốc Yên Xá mới thấy hết sự bi đát của một mặt hàng từng mang hồn Hà Nội. Giữa bạt ngàn những đôi giày dép bóng bẩy gắn nhãn Made in China giá chưa đến 100.000 đồng, guốc mộc Yên Xá nằm phủ bụi dưới gầm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một quầy giày dép chợ Bưởi đã kỳ công xếp guốc mộc ra hành lang để người mua dễ thấy nhưng vẫn ế. Đưa ra những đôi guốc Trung Quốc phun sơn bóng, gắn đế xốp, đính họa tiết, giá chỉ 50.000-70.000 đồng một đôi, chị Hạnh cho biết, nếu là người mua, chị cũng không chọn hàng Yên Xá.

Còn chị Hằng, chủ tiệm lưu niệm 20 Hàng Điếu cho biết, gặp khách nước ngoài mới bán được vài đôi. “Người Hà Nội gốc cũng công nhận guốc mộc không còn phù hợp nữa”, chị Hằng chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều, ông Phạm Hùng Tiến tỏ ra tiếc nuối nghề guốc ở Yên Xá. Ông Tiến cho hay giữ nghề này là việc khó vì người làng đang sống bằng nhiều nghề cho họ sự sung túc, dư dả tiền bạc hơn, ví như đi buôn phế liệu, một năm lãi cả trăm triệu... Hiển nhiên, có khôi phục làng nghề, guốc mộc Yên Xá vẫn không đủ sức cạnh tranh. Nhưng hỗ trợ để gia đình cuối cùng đóng guốc ở làng không bỏ nghề, biến nơi đây thành một điểm ghé thăm của du khách khi tới Hà Nội, liệu có phải là điều khó làm với Yên Xá?

Nguyễn Thúy Hằng

>> Làng nghề truyền thống có nguy cơ mất dần
>> Quảng Nam: Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy nghề truyền thống Hội An
>> Bình Định: Hỗ trợ trên nửa tỉ đồng phát triển các làng nghề truyền thống
>> Bế mạc Festival nghề truyền thống Huế 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.