Người hùng ngã xuống vì cứu hàng chục nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina Plaza

Đức Tiến
Đức Tiến
24/03/2018 08:00 GMT+7

Cõng bà bầu, người già, sắp xếp đưa trẻ em và hàng chục người phụ nữ xuống đất an toàn để rồi khi nhìn lại người đồng nghiệp của mình đã ngã xuống trong làn khói đen đặc quánh ở chung cư đang hừng hực cháy.

“Chú thà chết chứ không để cư dân chết”
Tối 23.3, phải rất khó khăn chúng tôi mới liên hệ gặp được anh Nguyễn Thanh Sang, Lê Gia An (cùng 20 tuổi, quê Bạc Liêu), 2 bảo vệ cứu hàng chục người trong đám cháy ở chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, P.16, Q.8, TP.HCM), vào rạng sáng cùng ngày.
Gia An kể lại việc cứu người ẢNH: ĐỨC TIẾN
Gặp chúng tôi, cả hai anh đều ngậm ngùi khi nhắc đến người đồng nghiệp cùng ca trực không may bị ngạt khói rồi tử vong khi đã hỗ trợ đưa hàng chục người đến nơi an toàn. Đó là ông Trần Văn An (hơn 45 tuổi), làm bảo vệ ở chung cư Carina Plaza.
Như mọi đêm, ca trực ở chung cư có khoảng 12 người bao gồm: trực gác ở các block chung cư, cổng trong tòa nhà và trực dưới hầm giữ xe. Khi khói lửa bắt đầu bốc lên, nhiều bảo vệ thay nhau dùng bình chữa cháy mini dập lửa.
Còn ông An chạy lên từng tầng ở phía trên đập cửa từng hộ dân hô hoán rồi di chuyển các cư dân ở tầng thấp xuống đất, còn những người ở trên cao thì hướng dẫn chạy lên sân thượng để đến nơi an toàn. Ông An liên tục chạy lên chạy xuống để hỗ trợ các cư dân trong chung cư. Lúc ấy, Sang và Gia An cũng chia nhau đi khắp các tầng ở tòa nhà để tìm cách đưa các cư dân di tản.
“Lúc vừa cháy là chú An đi cứu người rồi. Tính chú em biết mà, những chuyện như vậy chú thà chết chứ không để cư dân chết. Tụi em gọi điện nhưng chú không nghe máy. Cứ tưởng chú đang bận cứu người nên thôi. Với lại lúc đó hai tụi em cũng lo đi cứu người nên cũng không để ý. Đến khi mọi chuyện ổn ổn đi tìm thì mới hay tin chú đã mất”, Gia An ngậm ngùi.
Thi thể ông An được cảnh sát tìm thấy và đưa về nhà xác Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong nỗi đau tột cùng của những người đồng nghiệp trẻ.
“Sáng đó, chú mới đem tờ đơn lên xin nghỉ phép 1 để về nhà. Lúc đó chú nói: “Xin nghỉ một ngày không được chắc tao xin nghỉ luôn”. Em mới nói chú nói gì kỳ vậy. Chú nghỉ 1 ngày thì nghỉ 1 ngày, có gì con cháu gồng gánh cho chứ có gì đâu. Vậy mà đến sáng hôm sau thì không còn cơ hội gặp lại chú nữa”, Gia An nói.
“Thấy người nào cõng người đó”
Cũng như ông An, khi xảy ra cháy cả Sang và Gia An cũng tìm cách đưa hàng chục người xuống đất an toàn.
Thanh Sang kể lại vụ việc ẢNH: ĐỨC TIẾN
“Khi xảy ra cháy, em với Sang cứ đưa bình vô xịt. Lúc đó không nghĩ gì tới chết chóc hay sợ. Đến khi nổ lớn thì anh bên kỹ thuật mới nói là “Thôi bỏ ra đi chạy đi", em mới chạy ra ngoài tri hô lên. Những người nào ở tầng 2, tầng 3 thì kêu chạy lẹ xuống tầng G. Còn ai ở trên tầng cao thì chạy lên tầng trên cùng cho dễ thở...”, Gia An kể.
Sau đó, Gia An và Sang dùng áo thấm nước buộc vào mũi chạy lên các tầng trên để hô hoán và cõng những người già, bà bầu xuống đất. “Khi em lên tầng 8 thì em thấy cụ kia mệt đi không nổi nên cõng cụ từ tầng 8 xuống đất rồi em tức tốc chạy lên lại cõng người khác xuống. Em với Sang thấy người nào cõng người đó. Cõng thẳng xuống đất đến chỗ y tế ...”, Gia An kể.
Không những thế, Gia An và Sang còn phối hợp với Cảnh sát PCCC chia làm 2 đội; 1 đội chuyển người già, còn 1 đội chuyển trẻ em xuống đất. Nhà nào không có thanh niên thì hai anh em phối hợp với Cảnh sát PCCC và cư dân chuyển trẻ em xuống trước rồi chuyển mẹ xuống sau.
Ngồi cạnh người bạn cùng quê trong phòng trọ, Thanh Sang kể thời điểm ấy lửa cháy lớn và khói mù mịt. Hai anh tập trung dập lửa mong bảo vệ được khu vực giữ xe ở tầng hầm nhưng không được.
“Lúc em chạy ra khỏi hầm thì thấy mấy người ở tầng 1, 2, 3 nhảy xuống đất. Em nói mọi người cứ bình tĩnh ở trên đó để tụi em bắc thang lên rồi xuống. Sau đó, tụi em đưa thang lên cứu người già con nít xuống trước còn thanh niên thì có gì đu dây hay lấy chăn mền cột lại tụt xuống sau. Cứu xong mấy người ở tầng thấp, tụi em thấy nhiều người rọi đèn kêu cứu. Hai tụi em mới lấy khăn thấm nước rồi bịt lại chạy lên trên đưa mọi người lên sân thượng. Em thì cõng được mấy người bị ngất xỉu với bà bầu”, Thanh Sang kể.
Chia sẻ với chúng tôi, Gia An và Thanh Sang cho biết, ở quê, cả hai sống gần nhà nhau và là bạn bè thân thiết từ nhỏ. Do cuộc sống ở quê khó khăn nên cả hai rủ nhau lên Sài Gòn làm bảo vệ được vài tháng nay thì gặp vụ việc đau lòng như trên.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Thanh Lam (30 tuổi, sống ở block A) cho hay, khi xảy ra sự cố, chị ẵm con trai chạy hốt hoảng trong tòa nhà thì gặp một bảo vệ nói: “Chị hãy đi theo em”. Sau đó, người bảo vệ này đưa 2 mẹ con chị và hàng chục người khác thoát xuống đất an toàn. Hiện chị Lam và con đang điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và sức khỏe dần hồi phục.  Chị muốn gặp lại người hùng này để nói lời cảm ơn vì nếu không có người bảo vệ đó thì không biết chị và con sẽ như thế nào trong đêm tối mịt mù ấy.
“Em dùng dây của cứu hỏa đưa buộc vào bụng chị đó (chị Lam - PV) rồi đưa chị ấy xuống bằng thang. Ơn nghĩa gì đâu, mình nhận tiền của công ty mình phải có trách nhiệm với công ty. Khi xảy ra sự cố thì dù khó khăn hay nguy hiểm đến tính mạng thì mình cũng bất chấp”, Gia An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.