Người mẹ Gạc Ma: Kỳ 3: Nỗi niềm của gia đình Dũng “Gạc Ma”

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
17/03/2018 14:52 GMT+7

Cuộc sống gia đình người cựu binh Gạc Ma cuối cùng của Đà Nẵng Dương Văn Dũng vốn đã khó khăn do ông lâm trọng bệnh. Từ ngày ông qua đời, khó khăn càng chồng chất trên đôi vai người vợ.

Ngày 30 Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, ba mẹ con bà Trần Thị Lợi đã làm mâm cơm đơn sơ cúng cha, giỗ chồng. Ông Dương Văn Dũng qua đời vì căn bệnh ung thư da đầu cách đây 1 năm khi ở tuổi 53.

Ước nguyện giản đơn của người lính biển

“Trận hải chiến Gạc Ma năm nào không thể cướp đi mạng sống của anh. Nhưng bệnh tật thì không chừa một ai. Nhiều năm trời chống chọi với ung thư, anh Dũng đã rất kiên cường…”, bà Lợi rưng rưng nước mắt.

Bà kể, những ngày cuối đời, trong vòng tay của vợ con, ông Dũng đã khóc rất nhiều, bởi ông cảm nhận được cái chết đang đến sẽ khiến vợ con lâm vào cảnh nợ nần, gia đình thiếu vắng trụ cột.

Chiếc áo hải quân ông Dũng mặc để lập nên “vòng tròn bất tử” tại bệnh viện trước khi ông qua đời ẢNH: HOÀNG SƠN

“Trước khi mất, anh Dũng đã trải qua một cơn đau khủng khiếp. Chân anh đạp văng hết đồ đạc và tay thì nắm chặt tôi…”, bà Lợi nhớ lại: “Trong bệnh viện, đến khi qua cơn, anh lại gượng cười để tôi yên tâm”.

Chính người viết đã tiếp xúc với ông Dương Văn Dũng tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vào những ngày đầu tiên ông nhập viện điều trị. Thông qua một bài viết, nhiều bạn đọc của báo cảm kích trước nghị lực của ông Dũng đã gửi tiền hỗ trợ để ông có thêm phần kinh phí thuốc men.

Những ngày trong bệnh viện khi nào ông cũng lạc quan và gần gũi với mọi người. Đồng đội đến thăm, ông vui như trẻ thơ nhận được quà.

 

Ước nguyện cuối cùng của “Dũng Gạc Ma” là được xem ti vi. Ông mua ti vi về xem 4 ngày thì nhập viện rồi qua đời ẢNH: HOÀNG SƠN

“Anh kể nhiều về những điều anh ước mong sẽ làm được cho mẹ con tôi. Nhưng rồi mọi thứ đó đều dở dang cả. Đến ngày 29 Tết Đinh Dậu 2017, anh nói với tôi rằng: Cả đời anh đã khổ, giờ anh chỉ ước có cái ti vi để xem. Thương chồng, tôi bỏ bữa chợ để chạy ù về mua cái ti vi cho anh thỏa ước nguyện”, bà Lợi nghẹn giọng.

Chiếc áo bà Lợi nhận được sau khi ông Dũng qua đời được bà cất giữ cẩn thận ẢNH: HOÀNG SƠN

Chiếc ti vi có trị giá hơn 10 triệu đồng là tài sản có giá trị lớn đối với một gia đình nghèo, nhà cửa trống huơ trống hoác như của ông Dũng.

Bởi vậy để có được chiếc tivi, bà Lợi đã vay mượn của nhiều người mới có thể mua được. “Anh xem được 4 ngày thì nhập viện trở lại. Sau đó không lâu thì qua đời. Chiếc tivi là kỷ vật gắn với một câu chuyện buồn. Cứ mỗi lần nhìn thấy nó là tôi lại không kìm được nước mắt. Cả đời anh bươn chải đủ nghề nhưng cảnh nghèo cứ thế riết bám. Đến cuối đời, anh chỉ mong có cái tivi đàng hoàng để xem khiến tôi rất đau lòng. Giờ tivi đó, bàn thờ anh thì ở kia. Mở tivi lên không biết anh có xem được không nữa…”, bà Lợi lấy tay gạt dòng nước mắt.

Nỗi lòng người ở lại

Hơn 1 năm kể từ ngày Dũng “Gạc Ma” về với đồng đội, căn nhà vắng bóng người cha, người chồng càng thêm cô quạnh.

Không đêm nào bà Lợi có thể ngon giấc bởi hình ảnh người chồng yêu thương vật vã trước khi qua đời cứ ám ảnh bà.

Sửa soạn ngay ngắn chiếc áo hải quân đặt trên bàn thờ chồng, bà Lợi thở dài: “Cũng nhờ xã hội quan tâm mà những ngày tháng anh Dũng nhập viện điều trị, nhiều người hỗ trợ và tiếp thêm động lực cho mẹ con tôi. Nhưng anh mất đi rồi, một mình tôi gồng gánh gia đình với 4 miệng ăn cũng chật vật lắm”.

Hằng ngày, bà Lợi thường dậy từ 4 giờ sáng rồi đến chợ đầu mối Hòa Cường để buôn bán rau củ.

Ngày lãi nhiều nhất bà kiếm được 200.000 đồng, ngày ế ẩm có khi còn không thu được đồng nào.

Bàn thờ được bà Lợi chăm sóc chu đáo kể từ ngày ngày ông Dũng mất cách đây 1 năm ẢNH: HOÀNG SƠN

Vì chồng mắc bệnh trong một thời gian dài nên bà Lợi trở thành trụ cột của gia đình.

Một mình bà vừa xoay xở tiền điều trị cho anh lại phải nuôi 2 con gái đang tuổi ăn tuổi học cùng mẹ chồng năm nay đã 77 tuổi.

Dũng “Gạc Ma” là anh cả trong gia đình có 2 anh em. Vì nhà nghèo nên em trai ông Dũng thất học.

Đến tuổi trưởng thành phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ việc kéo xe nên ông Dũng đã đón mẹ về cùng chung sống với gia đình.

“Công việc ở chợ khá nặng nhọc trong khi tôi lại đau ốm thường xuyên nên thu nhập cũng bất thường. Khi anh Dũng còn sống, anh còn chế độ tù đày cộng với các khoản cũng được gần 1,5 triệu đồng. Nay anh qua đời, những khoản này bị cắt nên cả nhà phải dè sẻn lắm mới đủ sống”, bà Lợi tâm sự. Đó là chưa kể khoản nợ từ khi xây nhà đến nay vẫn chưa trả được.

Căn nhà xập xệ bị bão giật hỏng cách đây 6 năm, vợ chồng ông Dũng vẫn chưa có điều kiện sửa chữa ẢNH: HOÀNG SƠN

Bà Lợi tiếp lời: “Cách đây 8 năm, khi chuẩn bị xây nhà thì con trai đầu lòng của vợ chồng tôi bị tai nạn qua đời. Hồi đó, anh Dũng vì đau lòng nên quyết tâm bán nhà để đi ở nơi khác. Tôi phải động viên mãi, anh mới tháo biển rao bán rồi vay 80 triệu đồng để cố gắng cho xong căn nhà”.

Nhiều năm liền vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, vợ chồng ông Dũng chỉ trả được 40 triệu đồng, số còn lại bà Lợi vẫn lần khất với bên ngoại vì không có điều kiện. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên sau khi chồng mất, bà Lợi đã gõ cửa các cơ quan chức năng để xin tiếp tục gia đình hưởng chế độ tù đày của ông Dũng. “Thật sự là mẹ con chúng tôi quá khó khăn nên mới nhờ sự giúp đỡ của địa phương”, bà Lợi kể.

Cô Dương Thị Bích Nga (con gái đầu ông Dũng, bên trái) mong ước có công việc để đỡ đần mẹ ẢNH: HOÀNG SƠN

Ngồi rụt rè bên cạnh mẹ, Dương Thị Bích Nga (23 tuổi, con gái đầu của vợ chồng ông Dũng) bày tỏ, dù rất thương mẹ nhưng do học sư phạm mầm non ra trường đã lâu nhưng chưa có việc làm nên cô đành ở nhà phụ những việc lặt vặt.

“Mẹ em nay đã già và yếu dần, công việc buôn bán quá sức với mẹ nên em chỉ mong tìm được tìm việc để đỡ đần cho mẹ, nuôi em ăn học nên người”, Nga rơm rớm nước mắt.

 

“Vòng tròn bất tử” xúc động bên giường bệnh

Ngày 27.2.2017, sau một thời gian dài kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư, cựu binh Gạc Ma cuối cùng ở Đà Nẵng Dương Văn Dũng đã trút hơi thở cuối cùng, “hội ngộ” với đồng đội của mình nơi chín suối.

Ông Dũng là 1 trong 10 người lính quê Đà Nẵng có mặt trên con tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao vào tháng 3.1988.

Trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988, ông Dũng cùng một số đồng đội bị tàu Trung Quốc giam giữ suốt 4 năm.

Cuối 1991, ông được trả tự do về lại quê hương trong cảnh người nhà tưởng ông đã hy sinh nên lập bàn thờ nhang khói.

Vào những ngày cuối cùng, biết được nỗi mong nhớ và ước muốn hội ngộ đồng đội, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa (1984 - 1988) cùng các nhà báo và một số đơn vị đã đứng ra tổ chức buổi gặp mặt.

"Dũng Gạc Ma" trong vòng tay đồng đội trước khi qua đời ẢNH: HOÀNG SƠN

Chiều 19.11.2016, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng đã gặp lại 6 đồng đội của anh đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định… từng bị Trung Quốc giam cầm. Bên giường bệnh, “Vòng tròn bất tử” đầy xúc động đã được các đồng đội của ông kề vai lập nên.

Ông mặc chiếc áo hải quân, dốc hết sức cùng đồng đội giơ tay chào theo điều lệnh.

Khuôn mặt gầy rộc vì bệnh tật nhưng chưa bao giờ ông tươi tỉnh và vui sướng đến như thế.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.