Từ năm 1996, khi Ban Công tác cộng đồng thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga được thành lập, việc đặt hoa tại tượng đài Bác Hồ ở Matxcơva vào các ngày 19.5 và 2.9 trở thành thông lệ. Thời gian đầu, lãnh đạo sứ quán thường chuẩn bị một lẵng hoa hồng lớn, còn bà con người Việt và các bạn Nga thường mang theo hoa của mình đến đặt trước tượng Người. Về sau, việc mua hoa cho mọi người đều do Ban tổ chức đảm nhận.
Ngày sinh nhật Bác 19.5.1997, trời nắng đẹp, tôi nhìn thấy trong dòng người đến đặt hoa, ngoài các gương mặt quen thuộc như ông E.Glazunov - Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, ông N.Koleznhic - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và chuyên gia từng công tác ở Việt Nam, ông E.Kobelev - tác giả cuốn Đồng chí Hồ Chí Minh, còn có một ông già rắn rỏi, phong độ, mặc quân phục màu xanh, cầm một bó cẩm chướng đỏ đứng ở cuối hàng.
Vốn quen biết hầu hết những người Nga trong các Hiệp hội đoàn kết với Việt Nam, tôi biết rằng đây là lần đầu tiên ông đến đây. Từ lần gặp đầu tiên đó, đến nay chúng tôi đã là bạn của nhau. Ông là đại tá không quân, phi công công huân, anh hùng quân đội Nga Xergây Xomov.
Cuộc đời và hoạt động của ông gắn liền với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, những năm tháng dưới chính quyền Xô viết và sự phát triển của không quân Nga. Nhưng ông cho rằng, những kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là hai năm 1961 - 1962 khi ông làm chuyên gia huấn luyện không quân Việt Nam, và lái những chuyến bay đưa Bác Hồ đi công tác.
Ông kể, trong những năm đó, ông thường có những chuyến bay đêm từ Gia Lâm vận chuyển khí tài tới Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum (Lào), và khi về mang theo thương binh của ta cấp cứu ở Hà Nội. Ông khâm phục sự chịu khó, tính sáng tạo và kỷ luật của những phi công trẻ Việt Nam. Họ nhanh chóng tiếp cận với kỹ thuật mới và làm chủ nó trong một thời gian ngắn. Trong câu chuyện, ông thường nhắc đến một cán bộ phiên dịch tên Hùng (sau này tôi được gặp anh trong đoàn cựu chiến binh Việt Nam do Thượng tướng Trần Văn Quang dẫn đầu sang thăm Nga, lúc này anh mang quân hàm đại tá) với một lòng cảm mến.
Trong những lần gặp tiếp theo, ông đưa cho tôi xem những tấm danh thiếp ố vàng, những bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, trung tướng Văn Tiến Dũng (quân hàm vào thời điểm đó)...; các tấm bưu ảnh về Bách hóa Tràng Tiền, cầu Thê Húc, hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Nhà hát Lớn, quảng trường Ba Đình và ảnh các thiếu nữ đạp xe bên Hồ Gươm. Đặc biệt có một bức ảnh đen trắng in trên giấy lụa khổ 9x12 lồng trong khung kính lúc nào ông cũng mang theo, đó là bức ảnh đoàn bay của ông chụp chung với Bác Hồ.
Ông kể, đó là ngày mồng một Tết năm 1961, sau khi đưa Bác Hồ về sân bay Gia Lâm bằng máy bay trực thăng, cả đoàn xin phép được chụp chung ảnh với Bác. Lúc đó, ông được đứng gần Bác cùng với hai sĩ quan Liên Xô, sau này họ đều trở thành những cán bộ cấp tướng. Chụp ảnh xong, mọi người định giải tán, nhưng Bác vỗ tay, nói to với mọi người bằng tiếng Nga: “Các chú thật không công bằng. Còn một người chưa được chụp, đó là chú chụp ảnh!”. Thế là tất cả giữ nguyên vị trí, một thiếu úy cầm máy ảnh thay người vừa chụp ảnh được đứng vào hàng. Cử chỉ nhỏ thể hiện được sự bao dung và quan tâm của Bác đối với mọi người đã in sâu vào trong lòng X.Xomov suốt cả cuộc đời.
Năm 2005, ông được Nhà nước Việt Nam mời thăm lại đất nước ông từng gắn bó, cùng với Đại tướng A.Khiupenhen, N.Koleznhic, Irina Petrovna..., nhưng đúng lúc ấy, vợ ông lâm trọng bệnh, ông đành ngậm ngùi nhường suất của mình cho một cựu chiến binh khác.
Bức ảnh chụp với Bác đã được anh hùng Xomov mang đến các trường phổ thông trong quận Preobrajenxki giới thiệu và kể cho những học sinh Nga về Việt Nam và Bác Hồ theo lời mời của các ban giám hiệu. X.Xomov yêu Việt Nam tận đáy lòng. Những ngày nghỉ, ông thường đến nhà tôi ngồi xem VTV4, để thấy lại Hà Nội, thấy lại Hồ Gươm, cầu Long Biên, những nơi ông đã từng đi qua qua màn ảnh nhỏ. Khi nhìn thấy trên màn hình lăng Hồ Chủ tịch là ông rơm rớm nước mắt.
|
Vào những ngày lễ lớn, ngày Quốc khánh 2.9, Đại sứ quán Việt Nam luôn nhớ mời ông. Những buổi gặp gỡ cựu chiến binh Nga, các đêm thơ của Hội Văn học nghệ thuật cộng đồng, ông đều có mặt. Ông kể những câu chuyện nhỏ, đọc những bài thơ do ông sáng tác và bao giờ cũng kết thúc lời phát biểu của mình bằng câu tiếng Việt: “Việt Nam muôn năm!”.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng phát xít, ông được Tổng thống V.Putin tặng Huân chương về những công lao trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Còn Thị trưởng Iu. Lujkov thì tài trợ để ông xuất bản cuốn hồi ký Trong đội hình bay dày 248 trang kể về cuộc đời mình và những trận chiến đấu ông được tham gia. Trong tác phẩm, ông dành bốn phần viết về Việt Nam, về Bác Hồ, về những chuyến bay từ Hà Nội sang Lào. Bức ảnh ông chụp chung với con gái tôi được ông đưa vào tập sách. Khi con tôi mang sách tới trường, cô giáo cùng các bạn ngạc nhiên trầm trồ: "Cậu quen với anh hùng Xomov à? Sao mà sướng thế!”.
Năm nay dù đã 87 tuổi, nhưng anh hùng Xergây Xomov vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Thỉnh thoảng ông vẫn đi metro đến thăm tôi, vẫn mang theo chiếc cặp da, trong đó có những bức ảnh Việt Nam, những bài báo nói về ông đăng trên Báo Nhân Dân, và dĩ nhiên bao giờ cũng có bức hình của Bác Hồ lồng trong khung kính...
Bình luận (0)