Người phụ nữ quyền lực thao túng Trustbank

22/01/2018 05:31 GMT+7

Kết luận điều tra của Bộ Công an vừa chuyển đề nghị Viện KSND truy tố đối với bà Hứa Thị Phấn, người nắm giữ quyền lực tại Trustbank và 27 đồng phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2007, Hứa Thị Phấn cùng Công ty CPĐT phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ thân thiết, đứng tên giúp bị can Phấn (gọi là nhóm Phú Mỹ) mua 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank). Bà Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị (HĐQT) Trustbank, có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Trustbank. Lợi dụng là cổ đông lớn của ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Trustbank, thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban điều hành và cán bộ, nhân viên chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động từ đầu tư, tín dụng cho đến thu - chi tiền mặt; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái luật Kế toán, luật Các tổ chức tín dụng và điều lệ Trustbank để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng gần 12.000 tỉ đồng của Trustbank.
Để rút ruột thành công gần 12.000 tỉ đồng, Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm đã thực hiện 5 hành vi phạm tội: Nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Trustbank, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.100 tỉ đồng; hạch toán thu khống, để Phấn sử dụng trái pháp luật khoảng 5.256 tỉ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng gần 3.600 tỉ đồng; chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng khoảng 1.000 tỉ đồng; nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Trustbank để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỉ đồng.
Phạm Công Danh hứng "quả bom nổ chậm"
Theo hồ sơ vụ án, các hành vi vi phạm nghiêm trọng của Hứa Thị Phấn là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tình hình tài chính Trustbank rất xấu, bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp vào loại yếu kém.
Cụ thể, năm 2012, tổng tài sản thực còn hơn 20.800 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 2.800 tỉ đồng và lỗ lũy kế khoảng 6.000 tỉ đồng. Kết luận cũng xác định bà Phấn là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB), khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến Trustbank từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn, thực hiện tái cơ cấu Trustbank. Sau đó, Phạm Công Danh và đồng phạm có hàng loạt sai phạm khác khi cố gắng tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu VNCB để rồi Danh và đồng phạm liên tục hầu tòa ở giai đoạn 1 với sai phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng, giai đoạn 2 Danh và đồng phạm gây thiệt hại trên 6.126 tỉ đồng (tòa đang xét xử vụ án giai đoạn 2).
Từ đó, ngày 30.1.2015, để gánh toàn bộ số lỗ lũy kế đến cuối tháng 12.2014 lên đến 27.000 tỉ đồng, NHNN đã phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.
Mối oan nghiệt giữa Công ty CP Đầu tư Phương Trang - Hứa Thị Phấn
Theo số liệu CB Bank (VNCB cũ), từ năm 2010 - 2012, Trustbank chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân, có quan hệ hợp tác (gọi tắt là PT) tổng cộng 83 khoản vay, một khoản phát hành trái phiếu, tổng số tiền Trustbank giải ngân trên sổ là gần 16.468 tỉ đồng. Sau khi PT đã tất toán một số khoản vay, đến nay còn dư nợ hơn 25.941 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là 9.437 tỉ đồng.
Tuy nhiên, PT xác định, trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà Trustbank giải ngân thì công ty chỉ nhận được hơn 3.936 tỉ đồng. Theo đó, công ty tố cáo bà Hứa Thị Phấn và Trustbank, lợi dụng công ty là doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều bất động sản giá trị lớn, cần tiền để đầu tư kinh doanh, nên buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt; phê duyệt hồ sơ vay và tiến hành giải ngân khoản vay mà không thông báo cho công ty; chiếm giữ và sử dụng trái pháp luật tiền của Trustbank, rồi lợi dụng các hồ sơ vay của công ty đã ký trước với mong muốn vay được tiền, để đẩy dư nợ cho công ty.
Truy ngược dòng tiền, xác định nguồn tiền đã giải ngân, cơ quan điều tra xác định khi tiền quỹ Trustbank chỉ còn tồn 20 tỉ đồng, Hứa Thị Phấn lợi dụng ảnh hưởng của mình chỉ đạo lập chứng từ thu khống từ nhóm Phú Mỹ của bị can hơn 5.256 tỉ đồng. Sau đó, lợi dụng việc PT ký trước hồ sơ vay, Hứa Thị Phấn chi khống tiền giải ngân cho các khoản vay của PT để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách, đẩy dư nợ khống cho PT.
Tương tự cách như trên, kết luận xác định, trong tổng dư nợ gốc 16.468 tỉ đồng, bị can Phấn đã giải ngân khống để cấn trừ các chứng từ thu khống trên 11.345 tỉ đồng.
Đến nay, PT chỉ thừa nhận thực nhận hơn 3.936 tỉ đồng, không chấp nhận số dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng, nên Trustbank không thể đòi nợ và cũng không thể xử lý tài sản để thu hồi nợ vay của PT.
Ngược lại, bà Hứa Thị Phấn cũng có đơn tố cáo PT, nhưng cơ quan điều tra cho rằng do bà Phấn bị bệnh (theo bệnh án, bà Phấn đang bị bệnh nặng, chỉ còn 7% sức khỏe), chưa đối chất được lời khai giữa các bên nên tách nội dung tố cáo này ra khỏi vụ án. Cụ thể, trong đơn bà tố cáo, ông Luận, ông Phạm Đăng Quan (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Phương Trang) và nhóm Phương Trang đã chiếm đoạt của bà 1.062 tỉ đồng và 400.000 USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.