Như Thanh Niên đã thông tin, Công an TP.Cần Thơ đã có thông báo chính thức về trường hợp của ông P.D.K (27 tuổi, ngụ H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), kỹ thuật viên Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tại Bệnh viên Đa khoa Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ đã tự cắt chân trái của mình.
Sau khi vụ việc xảy ra, qua khám nghiệm hiện trường, cũng như tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, bác sĩ, Công an TP.Cần Thơ xác định, trường hợp tự đoạn chi trái của ông K. là do mắc chứng Rối loạn nhận dạng cơ thể và do tự ông K. làm, không có người giúp sức, hỗ trợ. Do đây là bệnh lý, không phải án nên Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án.
Theo lời khai của ông K., từ nhỏ ông đã phát hiện mình mắc căn bệnh rất lạ. Quá trình tìm hiểu, ông K. biết mình mắc phải chứng Rối loạn nhận dạng cơ thể. Ông K. luôn nghĩ phần dư thừa của mình là phần chân trái từ khớp gối trở xuống và luôn có ý định tự cắt lìa phần chân của mình.
Trong thời gian học tại một trường Cao đẳng Y tế, ông K. đã lên mạng internet tìm hiểu cách chữa trị, nhưng không có kết quả. Do vậy trong thời gian làm việc tại bệnh viện, K. đã tìm hiểu về cách tháo khớp để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ nên đã thực hiện việc đoạn chi của mình.
Bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể là gì?
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh (Chuyên khoa Tâm thần, Phòng khám Chăm sóc giảm nhẹ – Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) có nhiều nguyên nhân thúc đẩy một người tự
cắt cụt chi hoặc một bộ phận trên cơ thể mình, trong đó có các nguyên nhân của bệnh lý tâm thần.
Nguyên nhân bệnh lý tâm thần thường gặp nhất là do
bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn loạn thần. Trong lúc có hoang tưởng và ảo giác, hoặc do ảo thanh sai khiến, người bệnh có thể có suy nghĩ và thực hiện hành vi cắt cụt chi (có trường hợp tự cắt bộ phận sinh dục, hoặc các cơ quan giác quan) vì nghĩ nó không thuộc về mình.
Ngoài ra, có thể do các bệnh lý tâm thần khác trong đó có rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể.
Bác sĩ Minh giải thích Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID - Body integrity identity disorder) với thuật ngữ y học là Xenomelia, là bệnh lý còn nhiều tranh cãi trong giới y học. Trong sách phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10 của tổ chức Y tế thế giới không ghi nhận rối loạn này như là một bệnh lý riêng biệt.
Trong bệnh lý này, một người có suy nghĩ cưỡng bức là một hay nhiều chi trên cơ thể không thuộc về mình, đau khổ thường trực với ý nghĩ đó và tìm cách để tự cắt bỏ chi. Đây là bệnh tâm thần hiếm gặp, trên thế giới cũng đã ghi nhận vài trường hợp.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh cho biết thêm người bệnh có thể tự làm tổn thương để bác sĩ cắt cụt chi cho mình. Thường người bệnh sẽ tự làm tổn thương, hủy hoại chi của mình sau đó đến cơ sở y tế nhờ bác sĩ can thiệp và người bệnh vẫn đau đớn khi tự gây tổn thương.
Việc tự làm tổn thương mình có thể tiếp tục lặp lại với người bệnh này. Sau khi gây tổn thương này, họ có thể gây tổn thương khác tiếp theo.
Bên cạnh đó, bác sĩ Minh cho biết, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý này xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng.
“Đây là bệnh tâm thần hiếm gặp. Nếu có triệu chứng bất thường thì bệnh nhân nên khám và tư vấn tại các bệnh viện, khoa khám có bác sĩ chuyên khoa tâm thần”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Trả lời PV Thanh Niên, bác sĩ Thiều Quang Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ cho biết “Trước đây chúng tôi cũng gặp một ít ca nhưng phần lớn là ở tuổi thiếu niên. Trong đó có việc lâu lâu bệnh nhân có những câu nói than phiền về một bộ phận dư thừa trên người mình”.
|
Bình luận (0)