Nguy cơ nhiễm độc do sử dụng nano vàng điều trị ung thư

Liên Châu
Liên Châu
12/07/2018 17:43 GMT+7

Trước thông tin một số trang mạng quảng bá sử dụng nano vàng điều trị bệnh ung thư, chuyên gia về bệnh ung thư đã cảnh báo nguy cơ nhiễm độc do sử dụng loại hạt này.

Chiều nay 12.7, trao đổi với phóng viên về vấn đề nêu trên, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K (Bộ Y tế), cho biết hạt nano vàng được tổng hợp đầu tiên từ thế kỷ 19, bởi nhà vật lý Faraday. Các hạt nano, theo tiêu chuẩn, là những hạt có kích thước ở giới hạn nano từ 1 nm (nanomet) đến 100 nm, được sản xuất từ vàng nguyên chất.
Vàng nguyên chất lại có tính trơ, rất khó bị đào thải ra khỏi cơ thể, nên người uống nano vàng với một khối lượng lớn trong thời gian ngắn rất dễ dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong.
Đến nay, hạt nano vàng được ứng dụng trong lĩnh vực y học như các thiết bị chẩn đoán và trong các nghiên cứu điều trị bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Ngoài ứng dụng trong chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh ung thư thì hạt nano vàng kết hợp với yếu tố hướng đích (kháng thể nhắm trúng đích) đang là một hướng nghiên cứu tiềm năng trong điều trị ung thư.
Theo bác sĩ Quảng, công nghệ gắn hạt nano vàng với các phản ứng hóa học là một hợp chất hữu cơ đòi hỏi thực hiện với công nghệ rất cao. Hạt nano vàng gắn kháng thể đặc hiệu sẽ tìm đến đúng các tế bào ung thư có biểu hiện quá mức các biomarker (các tế bào bình thường không có hoặc biểu hiện rất thấp), do đó, nồng độ hạt nano vàng tại khối u sẽ rất cao, tạo điều kiện cho điều trị bệnh mà tránh đi việc tích lũy không cần thiết và có thể là nguy hiểm trên mô lành, các cơ quan quan trọng của cơ thể như gan, thận, não…
Đáng lưu ý, bác sĩ Quảng cho hay, hạt nano vàng không tự phát huy hiệu quả điều trị, mà cần tác động của một loại tia đặc biệt có bước sóng phù hợp làm nóng chúng, qua đó để tiêu diệt tế bào.
Chỉ áp dụng các kỹ thuật, thiết bị điều trị ung thư đã được Bộ Y tế thẩm định về an toàn và hiệu quả Ảnh Liên Châu
Bác sĩ Quảng nhấn mạnh, việc nghiên cứu tác dụng trên tế bào ung thư bằng kháng thể đơn dòng gắn hạt nano vàng mới được thử nghiệm trong ống nghiệm và tiêm trên động vật, chưa có nghiên cứu trên người bệnh ung thư. Sau khi được tiêm, các hạt nano vàng sẽ thâm nhập và tích lũy vào các mô như lách, gan, thận, não, tinh hoàn...
Ngoài ra, trong các nghiên cứu cũng ghi nhận độc tính của hạt nano vàng trên cơ thể động vật, do đó, chưa thể xác định được nano vàng là một liều điều trị hiệu quả. Để có thể đưa ra một phương pháp điều trị hay một loại thuốc mới, cần có một quá trình nghiên cứu đúng tiêu chuẩn, đúng phương pháp, trải qua đầy đủ các bước, trong ống nghiệm, trên động vật và trên người, trước khi sử dụng.
Tuy nhiên, bác sĩ Quảng cho hay, phương pháp này trước khi được nghiên cứu trên người cần phải có các bằng chứng đầy đủ về tính hiệu quả, độc tính và liều dùng trên động vật. Tất cả những bằng chứng này vẫn chưa được đưa ra một cách thuyết phục với hạt nano vàng tự do.
Bác sĩ Quảng cũng khẳng định, Hiệp hội thuốc và thực phẩm Mỹ FDA và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa cho phép thử nghiệm nano vàng trên người bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, hạt nano vàng chưa kết hợp với kháng thể đặc hiệu nào hướng tới tế bào ung thư. Loại hạt này cũng không có tên trong danh mục thuốc điều trị ung thư. Việc sử dụng hạt nano vàng tự do để điều trị ung thư là không có cơ sở khoa học thuyết phục, bởi quá trình tích lũy loại hạt này ở các cơ quan quan trọng của cơ thể có thể gây ra các độc tính cấp tính và mạn tính, gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
"Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phải dựa trên bằng chứng thực tế và dựa trên các nguồn lực sẵn có. Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ", bác sĩ Quảng lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.