Nguy hiểm chốt đèn giao thông ngay chân cầu

Thanh Đông
Thanh Đông
08/03/2018 10:35 GMT+7

TP.HCM hiện có rất nhiều chốt đèn giao thông ngay chân cầu vì có đường cắt ngang. Điều này khiến người đi đường buộc phải dừng đèn đỏ ở dốc cầu, rất dễ xảy ra tai nạn.

Vừa dừng đèn đỏ vừa… run
Ông Trịnh Thành Thông Thái (Q.8, TP.HCM) than thở: “Nếu đi từ hướng Q.8 sang Q.5 mà qua cầu Chánh Hưng (bắc qua kênh Đôi nối P.4 và P.9, Q.8), người đi đường phải dừng chờ đèn đỏ trên dốc cầu vì có chốt đèn đỏ đặt ngay dưới chân cầu với đường Hưng Phú. Dốc cầu này cao nên tôi vừa dừng đèn đỏ vừa… run. Khi nào tôi cũng cố chạy xe sát thành cầu, để lỡ dừng đèn đỏ mà có xe nào tuột thắng thì tôi bỏ xe nhảy lên thành cầu thoát thân”.
Chưa hết, cầu Chánh Hưng và cầu Nguyễn Tri Phương cách nhau khoảng 200 m nhưng không liền mạch vì có điểm dừng đèn đỏ ngay chân cầu Chánh Hưng - đường Hưng Phú. Vì thế vào giờ cao điểm lượng xe người ùn ứ trên hai cây cầu này dày đặc, tình trạng kẹt xe diễn ra liên tục.
Tương tự, cầu Phạm Văn Chí bắc qua kênh Lò Gốm nối P.7 và P.10, Q.6 cũng trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường. Hai bên dốc cầu đều có hệ thống đèn tín hiệu giao thông nên người đi đường phải dừng đèn đỏ ngay trên cầu. Đặc biệt, dốc cầu Phạm Văn Chí giao với đường Nguyễn Văn Luông rất cao và ngắn, khiến các phương tiện giao thông dễ bị trượt ngã.
“Xe máy, nhất là xe tay ga thường bị ngã khi từ cầu quẹo phải vào Nguyễn Văn Luông hay từ đường Nguyễn Văn Luông quẹo lên cầu vì dốc quá cao, nhất là khi trời mưa”, ông Trần Tuấn Hải, sống gần cầu Phạm Văn Chí, cho biết.
Tương tự, nhiều cây cầu khác trên địa bàn TP.HCM cũng có chốt đèn đỏ ngay chân cầu như cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Lê Văn Sĩ (Q.3), cầu Trần Khánh Dư (Q.1)…
Ngoài ra, cũng nguy hiểm không kém là tại nhiều dốc cầu có đường cắt ngang. Như cầu Trần Khánh Dư (Q.1) ngay dưới hai bên dốc cầu là giao lộ với đường Trường Sa, Hoàng Sa. Hai đầu cầu Tạ Quang Bửu, Q.8 cũng bị cắt ngang bởi đường 1107 Tạ Quang Bửu và đường Bông Sao. Cầu này cao nên dốc cầu khá đứng. Nhiều người rất sợ khi lưu thông từ đường Bông Sao lên cầu bởi họ sẽ cắt ngang nhiều xe cộ đang lao nhanh xuống dốc cầu.
“Sẽ xóa bỏ nhưng làm từ từ”
Đó là khẳng định của ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, khi đề cập đến việc có nhiều chốt đèn giao thông dưới chân các cây cầu trên địa bàn thành phố hiện nay. “Do tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quá nhanh nên khi mở rộng cầu đường đã xảy ra những bất cập. Do đó, chúng tôi luôn kết hợp với các đơn vị để tăng cường giám sát, giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các điểm này nhằm giảm tình trạng ùn tắc cũng như tai nạn giao thông”, ông Đường chia sẻ.
Ông Ngô Hải Đường cũng cho biết Sở GTVT đã thực hiện các giải pháp nhằm tránh tình trạng dừng đèn đỏ trên cầu cũng như đường cắt ngang dốc cầu. Điển hình là cầu Trần Khánh Dư (Q.1), người lưu thông qua cầu này hiện không được đi thẳng như trước đây mà phải quẹo phải vào đường Hoàng Sa hoặc Trường Sa vì đã có dải phân cách trên 2 con đường này. “Chúng tôi cũng đang triển khai các dự án nhằm xóa các điểm giao nhau giữa cầu Chánh Hưng, cầu Phạm Văn Chí với các đường cắt ngang”, ông Đường thông báo.
Mặc dù giải pháp là vậy nhưng tính hiệu quả của nó ra sao còn là vấn đề cần xem xét. Như ở cầu Trần Khánh Dư, giải pháp làm dải phân cách trên đường Hoàng Sa và Trường Sa tuy bảo đảm an toàn khi lưu thông nhưng lại gây kẹt xe, rối loạn giao thông vào giờ cao điểm vì đường Hoàng Sa, Trường Sa vốn đã hẹp, nay có thêm dải phân cách gây ùn ứ xe.
“Tôi cho rằng ở các điểm giao nhau giữa cầu và đường cắt ngang thì nên làm hầm chui cho đường cắt ngang, ưu tiên cho các phương tiện trên cầu được đi thẳng”, ông Trần Tuấn Hải nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.