Nguyễn Xuân Sơn khai đã nêu cụ thể những ai nhận hơn 300 tỉ đồng

Vũ Hân
Vũ Hân
24/04/2018 08:01 GMT+7

Ngày 23.4, tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại OceanBank, HĐXX đã xét hỏi Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, 2 bị cáo lần lượt lĩnh án chung thân và tử hình tại bản án sơ thẩm.

Từ chối kháng cáo 2 tội vì sợ HĐXX đau đầu
Dù được đại diện Viện KSND gợi ý có thể thay đổi kháng cáo ngay tại phiên tòa, bị cáo Hà Văn Thắm vẫn quyết định chỉ kháng cáo 2/4 tội danh và phần đền bù dân sự của bản án sơ thẩm cho “tập trung” và “đỡ làm HĐXX đau đầu”.
Về phần thiệt hại 1.576 tỉ đồng mà bản án sơ thẩm đã buộc bị cáo Thắm phải chịu trách nhiệm, bị cáo đã liệt kê 9 mục chi khác nhau và cho rằng không phải toàn bộ số tiền này đều thiệt hại. “Có 4 khoản bị cáo không dám nói là không thiệt hại, trong đó có 105 tỉ được xác định là chi cho Vinashin hiện đang được điều tra trong một vụ án khác; 246 tỉ đồng tòa sơ thẩm quy kết anh Sơn (Nguyễn Xuân Sơn - PV) chiếm đoạt; 146 tỉ cá nhân bị cáo đã sử dụng; 125,6 tỉ chị Thu (Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc OceanBank - PV) nhận chi cho PVoil, lọc hóa dầu Bình Sơn và Vietsovpetro, cũng đang bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Số tiền trên, khoảng 623 tỉ, có thể là thiệt hại, nhưng còn 5 khoản khác trị giá 934 tỉ, bị cáo nghĩ rằng không thiệt hại. Thứ nhất là 256 tỉ đồng bị cáo đã tạm ứng để hoàn ứng, chưa ra khỏi ngân hàng mà chỉ chuyển từ tài khoản nọ sang tài khoản kia; 278 tỉ bị cáo cho vay bằng tạm ứng, chưa thể quy kết rằng thiệt hại; 59 tỉ lãi ngoài các khách hàng đã tự động trả lại; còn khoản 66 tỉ chi cho 51.000 khách hàng cá nhân và 293 tỉ chi cho hơn 300 khách hàng doanh nghiệp rõ địa chỉ, số tài khoản, là số OceanBank đã chi cho khách hàng để “mua cao, bán đắt” thì quan điểm của bị cáo là không thiệt hại. Nếu HĐXX cho rằng đây là thiệt hại thì có thể yêu cầu Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank sau cơ cấu) thu hồi lại, vì rõ địa chỉ”.
Bị cáo Thắm cũng cho rằng, nếu thu hồi được số tiền này thì nó thuộc về Ngân hàng Đại Dương (mới) chứ không thuộc về các cổ đông, dù nếu thuộc về cổ đông thì bị cáo có gần 1.000 tỉ đồng trong số 1.576 tỉ đồng (bị cáo nắm giữ đến gần 63% cổ phần OceanBank). Với quan điểm của bị cáo Thắm thì PVN cũng không thiệt hại 49 tỉ đồng trong số tiền 246 tỉ mà Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt (PVN nắm giữ 20% cổ phần OceanBank), và như vậy tội danh tham ô và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản sẽ không cấu thành với bị cáo Sơn, khi mà 2 tội này đã "mang" đến cho bị cáo 1 án tử hình và 1 án chung thân tại bản án sơ thẩm.
“Bị cáo khai hết, không giấu giếm”
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục kêu oan về 2 tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. “Hành vi của bị cáo là chi lãi ngoài. Trong vụ án này, các bị cáo khác cũng có hành vi như bị cáo chỉ bị quy buộc ở hành vi cố ý làm trái thôi, nhưng bị cáo bị tách thành 3 tội thì oan ức quá”, nguyên Tổng giám đốc OceanBank trình bày.
Bị cáo Sơn cho rằng mình chỉ là người “vận chuyển, khuân vác tiền đưa đến các địa chỉ”, là người “làm phúc phải tội”. “Bị cáo thừa nhận làm sai quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng bị cáo không chiếm đoạt một đồng nào cả. Bị cáo và bị cáo Thắm, anh em cần giúp nhau thì có thể đi kinh doanh với nhau, việc nào đi việc nấy”, Sơn nói.
Trả lời chủ tọa phiên tòa về “đối tượng chăm sóc khách hàng” là ai, Nguyễn Xuân Sơn đã điểm 4 cái tên lớn là PVN, PVoil, Vietsovpetro và Bình Sơn, vì đây là những đơn vị gửi một số tiền rất lớn vào OceanBank, “không chỉ OceanBank mà nhiều ngân hàng khác coi đây là đối tác tiềm năng và chiến lược”. “Bị cáo thường gặp những người có trách nhiệm trực tiếp lo việc gửi tiền vào OceanBank, có nơi chỉ đưa cho một đầu mối, có đơn vị xa như Bình Sơn thì khi bị cáo đến anh em lãnh đạo đơn vị sẽ có buổi gặp ăn cơm với nhau, bị cáo đưa cho mỗi người một ít. PVN thì bị cáo sẽ đưa cho một đầu mối để họ thu xếp việc gửi tiền vào OceanBank”, Nguyễn Xuân Sơn trình bày. “Quà cho các đồng chí lãnh đạo, khách hàng chi ngoài không có hóa đơn chứng từ gì cả, anh Thắm cũng không yêu cầu ghi chép lại hóa đơn chứng từ gì”, bị cáo Sơn nói khi chủ tọa Ngô Hồng Phúc hỏi có bằng chứng nào chứng minh bị cáo không chiếm đoạt 246 tỉ đồng.
Chủ tọa Ngô Hồng Phúc nêu: “HĐXX đồng tình với bị cáo ở chỗ không phải bị cáo chiếm đoạt hết 246 tỉ ấy, mà có đưa cho người khác, ít nhất là có đưa cho Ninh Văn Quỳnh 20 tỉ, và những người khác nữa. Nhưng cái khó của bị cáo là không thể chứng minh được”, và hỏi: “Bị cáo có đủ can đảm liệt kê ra tất cả số tiền chi, chi cho ai, để Hà Văn Thắm biết rằng tin tưởng bị cáo là hoàn toàn đúng không?”.
Sau khoảng 1 phút im lặng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định hoàn toàn chứng minh được đã đưa tiền cho những ai. “Tại sao bị cáo thay đổi lời khai? Lần đầu tiên bị cáo đã khai theo cơ quan điều tra, vì họ bảo đã vào đây kiểu gì cũng có tội thì nhận tội đi cho bị cáo Thắng (Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Phó giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược của OceanBank, em họ của Nguyễn Xuân Sơn - PV) được tại ngoại, nên bị cáo đã ký vào bảng kê mà cơ quan điều tra đưa. Sau đó, cơ quan điều tra nói không phải số tiền đó mà là 200 tỉ, bị cáo cũng đồng ý và sửa lại bản cung. Tuy nhiên, bị cáo khai đưa số tiền trên cho bị cáo Quỳnh, nhưng cơ quan điều tra lại quy kết cho bị cáo hết, bị cáo thấy oan quá, nên không nhận nữa, mà sẽ chỉ nhận những gì có bằng chứng cụ thể. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị quy kết chiếm đoạt tài sản, bị cáo đã làm việc với cơ quan điều tra và khai báo rất chi tiết đưa 246 tỉ và 69 tỉ cho ai, bao nhiêu, có hoàn cảnh cụ thể. Đưa cho bất cứ người nào bị cáo cũng khai hết, không giấu giếm, vì bị cáo đã nhận án tử hình rồi, thì không khai báo gian dối cho ai cả”, Nguyễn Xuân Sơn trình bày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.