Nhà nước không được ‘đuổi dân về’

25/08/2015 07:30 GMT+7

“Người dân không giải quyết được với nhau họ đưa ra tòa án, tòa lại nói là chưa có luật rồi từ chối. Nhà nước đuổi dân về tự giải quyết như thế là chúng ta chẳng có trách nhiệm gì cả”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ quan điểm như vậy tại buổi thảo luận về bộ luật Dân sự (sửa đổi) hôm qua 24.8.

* Nhiều hoạt động giám sát nhưng kết quả “trôi đi đâu mất”

“Người dân không giải quyết được với nhau họ đưa ra tòa án, tòa lại nói là chưa có luật rồi từ chối. Nhà nước đuổi dân về tự giải quyết như thế là chúng ta chẳng có trách nhiệm gì cả”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ quan điểm như vậy tại buổi thảo luận về bộ luật Dân sự (sửa đổi) hôm qua 24.8.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch QH, Hiến pháp đã trao cho TAND thực hiện quyền xét xử và thực hiện quyền tư pháp, dự luật cần làm thế nào để đảm bảo tòa có thể xử được. “Cần bàn cái này chứ không phải bàn “đuổi” dân về”, Chủ tịch QH nói.
Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP.HCM) ủng hộ quy định tòa án không được từ chối quyền yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Dẫn chứng có trường hợp người dân khi đưa đơn ra tòa đã bị bác ngay từ cấp thư ký, ĐB Lịch nhấn mạnh chuyện tòa từ chối giải quyết là không thể chấp nhận được.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng khi người dân có đơn thì tòa phải thụ lý còn việc xử như thế nào là chuyện khác.
Tại phiên thảo luận về dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND chiều cùng ngày, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của QH, cho rằng lâu nay khi chất vấn hay có chuyện yêu cầu “bằng chứng đâu” nhưng thực tế không có cơ chế nào cho ĐBQH thực hiện điều đó.
“Nếu ĐBQH khi chất vấn đưa được bằng chứng thì quá tốt nhưng thực tế việc đưa ra được bằng chứng nhiều khi cũng không thể hiện được tác dụng”, ĐB Cương nói. ĐB Cương dẫn chứng việc ông đã cung cấp bằng chứng về việc người dân phản ánh phải mất 8 triệu đồng “bôi trơn” mới được cấp sổ đỏ cho TP.Hà Nội vào tháng 9.2014.
“Bằng chứng đã được tôi cung cấp cho thanh tra chuyển cơ quan điều tra đến nay đã gần một năm nhưng vụ việc vẫn treo đó không có câu trả lời”, ông Cương nói.
Thể hiện quan điểm về dự luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vấn đề hậu quả pháp lý sau giám sát chưa được quy định rõ. Hiện nay chất lượng giám sát kể cả hoạt động giám sát tối cao của QH, giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, HĐND cũng như của các ĐBQH còn hạn chế. Nhiều hoạt động giám sát nhưng kết quả “trôi đi đâu mất”.
Theo Chủ tịch QH, dự luật nên quy định theo hướng sau khi thực hiện giám sát phải có kết luận cho dù đó là giám sát theo đoàn hay giám sát của chỉ một ĐBQH. Chủ thể giám sát chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết luận mà mình đưa ra nhưng đồng thời đối tượng giám sát phải theo kết luận này. “Đây mới là then chốt nâng cao chất lượng giám sát”, Chủ tịch QH kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.