(TNO) Thảo luận ở hội trường về dự án bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sáng nay 17.6, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán đồng quy định về quyền bình đẳng trong tranh tụng. Theo đó kiểm sát viên, bị cáo, bị hại có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tranh tụng tại toà án. Tuy nhiên theo ông Học, dự luật quy định về chỗ ngồi còn chưa hợp lý.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bình đẳng trong tranh tụng tại phiên tòa phải bình đẳng từ cả vị trí chỗ ngồi - Ảnh: Gia Khánh
|
Cụ thể, dự luật quy định phía trên của phòng xử án là vị trí ngồi của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký toà; phía dưới là vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng như người bào chữa, bị cáo, bị hại...
“Nhiều người đặt câu hỏi vì sao quy định kiểm sát viên, luật sư, bị cáo, bị hại bình đẳng nhưng lại quy định người ngồi trên, người ngồi dưới. Ngay cả vị trí ngồi còn chưa bình đẳng thì tranh trụng có bình đẳng hay không?”, đại biểu Nguyễn Thái Học nêu vấn đề.
Trước đó, tại các phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên, người bào chữa trong phòng xử án là đối diện và ngang bằng nhau, bảo đảm công bằng trong tranh tụng tại phiên tòa.
Ủng hộ quy định khi hỏi cung bị cáo, bị can phải ghi âm, ghi hình và nhấn mạnh “đây là một quy định tiến bộ, đồng nghĩa với sự công khai minh bạch, giám sát, qua đó khắc phục được việc bức cung, nhục hình”.
“Vấn đề là nguồn kinh phí có thể đảm bảo trang bị cho việc ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung hay không? Quan điểm của tôi là ủng hộ. Nếu chống được bức cung nhục hình, bảo vệ được quyền con người thì tốn kém vẫn phải làm”, ông Học bày tỏ quan điểm, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo khảo sát để báo cáo Quốc hội nguồn kinh phí phải chi cho hoạt động này là bao nhiêu, khả năng đáp ứng như thế nào?
Qua thảo luận trước đó tại Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cùng quan điểm như ông Học: tán thành quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, nhằm bảo đảm tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, và đề nghị cần quy định cụ thể trường hợp nào thì ghi âm, trường hợp nào thì ghi hình; quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình để bảo đảm giá trị là nguồn chứng cứ.
Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ tài liệu ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh vụ án chứ không chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết, đồng thời bổ sung quy định về việc bảo quản tài liệu ghi âm, ghi hình.
Luật hóa quyền im lặng sẽ giảm thiểu oan sai
Liên quan đến vấn đề giới hạn xét xử, đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) đồng tình với quy định mọi hành vi vi phạm bị phát hiện đều phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, khởi tố điều tra phải đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm cũng không để oan người vô tội.
Dẫn nội dung luật hiện hành quy định toà không được xét xử tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố, chỉ được xét xử khung hình phạt nặng hơn trong điều luật truy tố, ông Lý cho rằng, quy định này chưa thể hiện được việc đề cao kết quả tranh tụng tại toà như đã được yêu cầu xác định tại các nghị quyết của Bộ Chính trị; cũng không phù hợp nguyên tắc hiến định thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Vẫn theo ông Lý, quy định toà chỉ xét xử theo các tội danh đã được Viện Kiểm sát truy tố cũng không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội. “Từ đó có thể dẫn đến trường hợp vụ án không được xem xét khách quan toàn diện, vì khi xét xử chỉ tập trung kiểm tra tài liệu chứng cứ xem bị cáo có phạm tội đã bị truy tố hay không”, ông Lý phân tích.
Liên quan đến quyền im lặng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, mặc dù có nhiều cách hiểu nhưng trong phạm vi dự luật, điều này có nghĩa bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ có quyền không trình bày lời khai khi chưa có luật sư. Ông Phương đề nghị luật sửa đổi lần này cũng cần quy định nghĩa vụ của cơ quan điều tra phải thông báo cho bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ biết họ có quyền im lặng theo quy định của pháp luật.
Nhấn mạnh thêm: quyền im lặng có thể gây cản trở quá trình điều tra nhưng không vì thế mà không đưa vào luật, ông Phương dẫn thực tế tình hình oan sai vừa qua và cho rằng, nguyên nhân một phần là do thiếu quy định về “quyền im lặng”, khi bị bắt, bị can, bị cáo hoang mang, lại không có luật sư nên họ có thể đưa ra những lời khai chống lại mình.
“Nếu quyền im lặng được đưa vào dự luật sẽ là bước tiến lớn về tư duy lập pháp, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng oan sai”, ông Phương bày tỏ.
Bình luận (0)