Liên quan đến việc giám sát dự án cao tốc đi qua Bình Thuận, ngoài lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, còn có đại diện các Ủy ban của Quốc hội: Tài chính - Ngân sách, Pháp luật, KH-CN- MT và các cơ quan khác.
Mở đầu buổi làm việc sáng nay 14.4, ông Vũ Hồng Thanh cho biết dự án cao tốc phía đông đi qua nhiều tỉnh thành đang là dự án trọng điểm của quốc gia được TƯ Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Hiện nay, nhiều đoạn của dự án cao tốc phía đông đã được Quốc hội cho chuyển từ đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn của ngân sách.
|
Nhưng hiện nay, theo báo cáo của Bộ GTVT thì các đoạn dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đi qua Bình Thuận các nhà thầu thi công đồng loạt kêu khó và cho rằng thiếu vật liệu san lấp nền đường, nguy cơ chậm tiến độ. Do vậy, Đoàn giám sát cần nắm bắt rõ tình trạng trên để báo cáo với cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.
Không thiếu vật liệu, chỉ “thiếu chủ trương”
Giám đốc ban Quản lý dự án 7 (Ban 7 - Bộ GTVT) Nguyễn Chung Khánh, cho biết thực trạng đất còn rất nhiều “nhưng không lấy được do các quy định của luật”.
Hiện trạng mỏ đã cấp phép có trữ lượng rất ít đất. Các mỏ chưa cấp phép có khối lượng lớn hơn, nhưng theo luật thì từ khi đấu giá xong đến khi cấp phép khai thác có khi mất hết 8 tháng. Trong khi toàn vùng dự án đang vào mùa mưa, nếu không có đất đắp nền đường sẽ có nguy cơ lòng tuyến “trở thành dòng sông” do không kịp lấp nền đường.
|
Ông Khánh kiến nghị, đối với các mỏ đã có giấy phép, tỉnh nên cho mở rộng mỏ, nâng công suất; các mỏ đã đấu thầu xong, chờ cấp phép thì rút ngắn thời gian cấp phép. Trường hợp các mỏ đã có giấy phép nhưng chưa làm thủ tục thuê đất để khai thác thì các nhà thầu vẫn không mua được vật liệu. Ông Khánh còn đề nghị tỉnh cấp phép khai thác cho nhà thầu để nhà thầu trực tiếp đàm phán với dân lấy đất san lấp cho kịp tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc BQL dự án Thăng Long (chủ đầu tư đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) cho biết, đoạn qua Bình Thuận dài 47,5 km, cần 2,5 triệu m3. Hiện còn thiếu khoảng 1,5 triệu m3, đang lên phương án việc nghiền đá phong hóa để bù đắp. Để gấp rút, ông Huấn đề nghị tỉnh cho cấp phép khai thác sớm các mỏ trong khu vực là: Tân Phúc, Tân Đức và Sông Phan (tổng 2,9 triệu m3). “Nếu giải quyết nhanh 3 mỏ này thì chúng tôi sẽ không thiếu”, ông Huấn nói.
Đại diện Bộ TNMT nói gì ?
Có mặt tại buổi làm việc, ông Lại Hồng Thanh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT) khẳng định, thẩm quyền cấp phép khoáng sản thông thường (đất, cát) thuộc UBND tỉnh.
Tuy nhiên, về thủ tục, ông Thanh cho biết việc cấp phép một mỏ khoáng sản vật liệu thông thường cần thời gian tối thiểu 3 tháng. Sau khi được cấp phép thăm dò thì mới được triển khai việc thăm dò. Tùy theo trường hợp, việc triển khai thủ tục này có thể làm nhanh hơn rất nhiều nếu địa phương quyết liệt.
|
“Vướng ở đây là vướng từ các mỏ cấp mới sẽ rất mất nhiều thời gian. Việc cấp phép thăm dò, khai thác là trường hợp áp dụng luật khoáng sản, không thể làm khác. Trường hợp dự án cao tốc thuộc dự án trọng điểm của quốc gia, nếu vượt thẩm quyền luật cho phép phải thuộc thẩm quyền Ủy ban thường vụ Quốc hội. Còn việc đấu giá mỏ khoáng sản, hay không đấu giá thì thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng”, ông Thanh cho biết.
Tham gia ý kiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho rằng việc trước tiên tỉnh cần áp dụng các quy định hiện hành để nâng công suất các mỏ nhằm cung cấp kịp thời cho dự án cao tốc.
“Nếu chỉ vì thiếu vật liệu san lấp do thủ tục, mà để dự án chậm trễ là không thể chấp nhận”. Ông Thành đề còn nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Thuận nên tìm giải pháp áp dụng các quy định hiện hành để khắc phục tình trạng thiếu khoáng sản vật liệu san lấp cho dự án như báo cáo.
Đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội tại cuộc làm việc, đều cho rằng không thiếu vật liệu sau khi Đoàn công tác đi khảo sát thực địa chiều ngày 13.4, vấn đề là thủ tục cấp phép hiện nay rất chậm.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nếu áp dụng đúng quy định cấp phép như hiện nay rất khó có thể đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu cho dự án.
“Về lâu dài, cần phải có tổng kết, đánh giá việc thi hành luật khoáng sản vì nhiều thủ tục rất bất cập so với thực tiễn”, ông Đông kiến nghị.
Về việc các chủ đầu tư đề nghị cho nghiền đá phong hóa để san lấp là giải pháp tạm thời trong điều kiện thiếu đất đắp nền. Tuy nhiên, nếu có đất đắp nền thì hiệu quả kinh tế hơn và đỡ tốn thời gian hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, vấn đề hiện nay Bình Thuận không phải là không có mỏ, không có đất, mà là thủ tục cấp phép vướng. Ông Đông cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tháo gỡ, ưu tiên cho nguồn vật liệu san lấp cao tốc đang gặp khó hiện nay.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong, khẳng định UBND tỉnh đã dành nhiều thời gian chỉ đạo và ưu tiên giải quyết các kiến nghị thuộc dự án cao tốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị trước ngày 20.4, các chủ đầu phải lên danh sách các mỏ cần tăng trữ lượng khai thác; các mỏ chưa cấp phép cần trữ lượng bao nhiêu, cụ thể để tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai sớm việc tăng trữ lượng. Ông Phong cũng kiến nghị Bộ TNMT cho rút ngắn thời gian thăm dò, cấp phép trên cơ sở không làm trái luật. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay có một mỏ khoáng sản đã đấu giá, nhưng doanh nghiệp trúng thầu đã trả lại cho tỉnh. Do vậy Bộ TNMT nghiên cứu, nếu phù hợp thì có thể trình Thủ tướng giao thẳng cho nhà thầu làm dự án cao tốc, tỉnh hoàn toàn ủng hộ.
|
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng trên cơ sở các quy định hiện hành, đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng bộ ngành giải quyết một cách sớm nhất nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu vật liệu san nền cho dự án cao tốc đi qua Bình Thuận.
Trước đó, chiều 13.4, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh dẫn đầu đã đi khảo sát một số gói thầu của đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đi thực địa một số mỏ khoáng sản đã được Bình Thuận cấp phép.
Bình luận (0)