Nhân chứng ngồi phòng kín: Vai trò của bà Nguyễn Mai Phương sẽ thay đổi?

29/06/2017 08:26 GMT+7

Theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, trong một số trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sẽ chấp thuận cho nhân chứng ở trong phòng kín.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Phi Long, việc này phải được nằm trong kế hoạch từ trước, không thể phát sinh tại phiên tòa. Như vụ án hoa hậu Phương Nga vừa qua, có việc phát sinh bởi vì người làm chứng này đã bị dẫn giải đến chứ không phải họ tự nguyện đến.
Trong cuộc trao đổi với Thanh Niên chiều 28.6, ông Vũ Phi Long nói: "Theo quan điểm cá nhân tôi về trường hợp cụ thể nhân chứng Nguyễn Mai Phương được tòa cho ngồi phòng cách ly, theo dõi qua màn hình để trả lời thẩm vấn như phiên xử ngày 27.6 vừa qua là không phù hợp với tố tụng hiện hành là cần phải công khai mọi chứng cứ tại phiên tòa".
Ông Vũ Phi Long nói thêm: "Tôi nghĩ bước đầu Hội đồng xét xử đã xác định bà Nguyễn Mai Phương là người biết một số việc cho nên mời đến để làm người làm chứng. Tuy nhiên qua cách trình bày của bà Nguyễn Mai Phương tại phiên tòa cũng như nhiều người có liên quan khác đã khai thì vai trò của bà Nguyễn Mai Phương ở đây không dừng lại ở chỗ biết hoặc thấy để khai báo mà là có tác động vào quá trình của sự việc này xảy ra. Và sự tác động đó ở mức độ nào thì cần phải thông qua điều tra, thông qua việc xem xét. Lúc đó tôi nghĩ rằng vai trò của bà Nguyễn Mai Phương là người làm chứng sẽ được thay đổi".
Quang cảnh phiên xử ngày 27.6, tại phiên xử này, nhân chứng Nguyễn Mai Phương được phép tham gia phiên tòa từ phòng kín Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo ông Long, trong những trường hợp cụ thể, nhân chứng muốn đảm bảo bí mật các thông tin về nhân thân thì họ có quyền yêu cầu "giấu mặt". Đó là quyền của nhân chứng, nhưng chấp nhận hay không lại do cơ quan chức năng giải quyết. Không phải tất cả trường hợp yêu cầu đều được chấp thuận.
Ông Long nhận xét thêm: "Thực ra đây là vấn đề lựa chọn về hành động tố tụng, chúng tôi cho rằng không vi phạm. Tuy nhiên để cho chặt chẽ hơn, cần phải tuân theo một số quy định về tố tụng khác, đó là trình tự để thực hiện việc bảo vệ nhân thân này. Trình tự đó phải được thông báo cho các bên không triệu tập ra tòa, chứ còn đã đến tòa, đặc biệt bị yêu cầu áp giải đến tòa, thì việc cho người làm chứng ngồi trong phòng kín là bất lợi cho các bên tham gia phiên tòa".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.