Nhặt được vàng trong bao lúa: Phân chia bất thành
10/04/2019 15:57 GMT+7
Trong 4 người nhặt được vàng ở xã Phước Hưng (H.Tuy Phước, Bình Định), có 3 người đồng ý phân chia theo quy định của pháp luật; người còn lại yêu cầu để mình tự phân chia.
Tự động phát
Sáng 10.4, Công an xã Phước Hưng (H.Tuy Phước, Bình Định) đã mời 4 người nhặt được vàng trong bao lúa tại nhà máy xay xát của gia đình ông Lê Quang Thắng (thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng) đến trụ sở UBND xã để làm thủ tục phân chia tài sản nhặt được theo quy định.
[VIDEO] Rắc rối chuyện chia gần 3 lượng vàng nhặt được trong bao lúa
|
Những người này gồm ông Thắng và 3 người làm công tại nhà máy xay xát là các chị Nguyễn Thị Thảo, Bùi Thị Thu Hằng (cùng ở thôn Quảng Nghiệp) và ông Nguyễn Văn Dũng (ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng).
Tuy nhiên, buổi phân chia tài sản bất thành do ông Nguyễn Văn Dũng không đến làm việc. Ông Dũng không đồng ý để chính quyền địa phương phân chia số vàng nhặt được theo quy định của pháp luật mà đề nghị giao toàn bộ số vàng cho mình để tự ý phân chia.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng Công an xã Phước Hưng, cho biết đầu tháng 1.2018, trong quá trình xay lúa, 3 người làm công tại nhà máy xay xát của ông Thắng phát hiện 1 vòng tay bằng vàng và 18 chỉ vàng trong một bịch vải nằm lẫn trong bao lúa.
[VIDEO] Công an xã tìm chủ nhân của số vàng bị bỏ quên trong bao lúa
|
Những người làm công định lấy số vàng này chia nhau thì gia đình ông Thắng giữ lại, liên hệ với các chủ lúa mà mình đã mua để tìm người mất vàng. Sau đó, gia đình ông Thắng còn nhờ đài truyền thanh xã và các cơ quan thông tin đại chúng thông báo để tìm chủ nhân của số vàng nói trên. Nhiều người đã liên hệ với ông Thắng để xin nhận lại vàng nhưng không miêu tả đúng đặc điểm số vàng.
Ngày 15.3.2018, ông Thắng và 3 người làm công đã nộp số vàng nói trên cho chính quyền xã Phước Hưng để niêm phong, thông báo tìm kiếm rộng rãi nhằm tìm ra người đã mất vàng. Hơn một năm qua, chỉ có 1 người đến xin nhận lại vàng nhưng miêu tả không đúng với đặc điểm số vàng trong bao lúa nói trên.
Hết thời gian 1 năm kể từ ngày chính quyền ra thông báo nhưng không tìm được chủ nhân thật sự của số vàng nói trên nên phải giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngày 9.4, Công an xã Phước Hưng mở niêm phong và thực hiện giám định số vàng đã tiếp nhận dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng và 4 cá nhân nhặt được vàng trong bao lúa. Qua công tác giám định, tài sản tiếp nhận có 1 vòng tay (tương đương 9 chỉ 9 phân 6 ly vàng 24K) và 18 chiếc nhẫn (tương đương 18 chỉ vàng 24K), quy đổi thành tiền mặt theo giá thị trường hơn 97,6 triệu đồng.
Theo Quy định tại khoản 2 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, sau một năm thông báo, nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận tài sản, nếu vật có giá trị dưới 10 tháng lương tối thiểu thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được, nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu, số còn lại sẽ được chia cho người nhặt được tài sản 50% và 50 % còn lại thuộc Nhà nước.
Với mức lương cơ bản như hiện nay là 1.390.000 đồng/tháng, những người nhặt được vàng sẽ được hưởng 13.900.000 đồng (10 tháng lương cơ bản) và 41.871.000 đồng (50% trị giá tài sản còn lại), 41.871.000 đồng còn lại sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
“Hiện ông Thắng và các chị Hằng, chị Thảo đều đồng ý cách giải quyết này. Riêng ông Thắng bày tỏ nguyện vọng xin không hưởng lợi từ số vàng nhặt được này, nên số tiền được chia cho 3 cá nhân còn lại. Tuy nhiên, ông Dũng là 1 trong số những người nhặt được vàng vắng mặt nên trong sáng 10.4, chúng tôi thông báo hướng xử lý và tiến hành lập biên bản tạm hoãn việc chi trả vàng theo quy định. Sau đó, chính quyền sẽ mời ông Dũng để phối hợp giải quyết một lần nữa, nếu ông Dũng tiếp tục không hợp tác, địa phương lập biên bản xử lý theo quy định”, ông Nhân cho biết.
Bình luận (0)