Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, toàn tỉnh có 605 hồ thủy lợi, tổng dung tích khoảng 650 triệu m3, trong đó 583 hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3. Trong số hồ này, chỉ có 246 hồ cỡ lớn và vừa cơ bản bảo đảm an toàn; các công trình còn lại hầu hết đều đã xuống cấp.
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 28 thủy điện đang vận hành. Trong đó có 6 nhà máy do Tập đoàn điện lực VN quản lý, 22 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ do địa phương quản lý. Hiện các cơ quan chức năng tại địa phương đã hoàn thành công tác kiểm tra an toàn hồ đập trước 15.4; các phương án bảo vệ an toàn đập đều được các nhà máy, công ty triển khai...
Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết thực tế ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ đang có hàng trăm công trình thủy điện nhỏ, mật độ nhiều là trên khu vực sông Vu Gia, sông Vu Bồn, sông Đồng Nai.
Còn ở khu vực Tây nguyên, công trình thủy điện nhỏ có nhiều trên các sông Sê San, sông Sêrêpốk... Theo phân cấp, chính quyền địa phương có trách nhiệm phê duyệt và giám sát quy trình vận hành của các công trình thủy điện nhỏ, yêu cầu các chủ hồ phải phối hợp cung cấp thông tin về mực nước, giám sát khi có xả lũ không để xảy ra xả lũ chồng lũ, gây ngập lụt cho hạ du.
“Điểm chung của các hồ thủy điện nhỏ là không có chức năng phòng lũ, cắt lũ nên việc giám sát quy trình vận hành ở các công trình này phải chặt chẽ. Trong quy trình vận hành có nguyên tắc chung là dung tích xả lũ không bao giờ được phép lớn hơn lưu lượng nước đến hồ, nếu vượt quá nghĩa là công trình đã tạo ra lũ nhân tạo, lũ chồng lũ. Theo đó, chính quyền các địa phương đã phê duyệt quy trình vận hành, thì phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, buộc các chủ công trình phải tuân thủ vận hành đúng quy trình”, ông Hoài nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoài, trước dự báo mùa mưa lũ năm nay diễn biến phức tạp và thực tế xảy ra tại các công trình thủy điện tại Lào Cai, Nghệ An trong ngày 19.7 vừa qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã ra Chỉ thị số 71 yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý hồ chứa, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tỉnh lưu ý: “Các địa phương phải rà soát, phân loại các hồ chứa; đối với các hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng, phải bố trí kinh phí để sửa chữa ngay, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Cần bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ tại các công trình có nguy cơ mất an toàn để kịp thời phát hiện nếu có sự cố và có giải pháp ứng cứu nhanh nhất”.
Có thủy điện, mất rừngNgày 10.8, đại diện Bộ TN-MT cho rằng không riêng gì vùng Tây nguyên hay Đông Nam bộ, ở nhiều vùng miền khác đều “chung” một thực tế là cứ xây dựng thủy điện nhiều sẽ khiến diện tích rừng tự nhiên bị mất nhiều, làm giảm khả năng giữ nước khi có mưa nên dễ gây ra lũ quét, lũ ống cho vùng hạ lưu. Do vậy, cần xem xét thật kỹ trước khi đầu tư xây dựng thủy điện.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), cũng cho rằng thủy điện giống như “con dao hai lưỡi”. Trong điều kiện khí hậu bình thường thì hoạt động của thủy điện mang tính tích cực (trữ nước vào mùa mưa, xả vào mùa khô), nhưng trong điều kiện khí hậu cực đoan thì ngược lại.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, thực tế hoạt động thủy điện thời gian qua cho thấy, đối với những thủy điện chưa được đầu tư, cần xem xét thật kỹ tính khả thi, lợi hại thế nào, cân nhắc sao cho tránh được lợi bất cập hại. “Nếu thấy không thật sự cần thiết thì không nên cho xây dựng để bảo vệ rừng, hệ sinh thái tự nhiên. Đối với những thủy điện đã đầu tư xây dựng rồi, cần rà soát thật kỹ lại cơ sở vật chất, quy trình vận hành”, ông Anh Tuấn nói.
Lê Quân
|
Bình luận (0)