Nhiều lo ngại về chính sách cho đặc khu

23/11/2017 07:00 GMT+7

Ủng hộ cần có cơ chế đặc biệt cho đặc khu, song nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về chính sách đất đai cho các dự án đầu tư vào đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Đó là nội dung đáng chú ý khi Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường chiều 22.11 về dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu).
Ủng hộ mô hình trưởng đặc khu
Đầu tư cao tốc bắc - nam từ năm 2019
Sáng 22.11, đa số các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể, sẽ lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước 654 km với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng, khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021. Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 đi qua 13 tỉnh, thành, trong đó có 8 dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.   
 Mai Hà
Mô hình chính quyền đặc khu là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) thảo luận nhất. Trong dự thảo luật, Chính phủ vẫn đưa ra 2 phương án song đa số ĐB đều lựa chọn mô hình trưởng đặc khu chứ không tổ chức UBND và HĐND.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng tính tự chủ, tự quản là linh hồn của dự luật mà mô hình trưởng đặc khu là điểm đột phá nhất. Thậm chí, ông Bình còn đề xuất đặc khu nên thuộc Chính phủ và một số quyền của trưởng đặc khu sẽ được Thủ tướng ủy quyền để phát huy tính chủ động, chịu trách nhiệm. Cũng ủng hộ phương án trưởng đặc khu, nhưng ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề xuất bổ sung quy định nhiệm kỳ trưởng đặc khu cũng như cơ chế cụ thể trong tuyển chọn người đứng đầu.
Trong khi đó, dù đồng ý với mô hình trưởng đặc khu và vị trí này do Thủ tướng bổ nhiệm dựa trên đề xuất của chủ tịch UBND tỉnh, song ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh cần có cơ chế giám sát quyền lực để tránh tình trạng lạm quyền. ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, không nên quá lo lắng vì mặc dù đặc khu không có HĐND, nhưng trưởng đặc khu vẫn chịu giám sát đoàn ĐBQH, HĐND cấp tỉnh cũng như giám sát trực tiếp của nhân dân, MTTQ. “Ngoài ra, đó còn là sự giám sát của Thủ tướng, các bộ, chủ tịch UBND tỉnh, tức là luôn có giám sát từ trên xuống, từ dưới lên lẫn ngang cấp”, bà Hoa nói.
Không thể “cho không đất đai”
Một vấn đề khác cũng gây tranh luận là quy định giao đất cho các nhà đầu tư chiến lược có thể lên đến 99 năm. “Xin hỏi tại sao lại mở so với luật hiện hành tối đa 70 năm? Tôi hiểu đây là quy định cho nhà đầu tư chiến lược nhưng vấn đề là ngay khái niệm nhà đầu tư chiến lược lại rất dễ dãi”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thắc mắc. Vị luật sư này dẫn chứng, như doanh nghiệp chỉ cần đầu tư 44.000 tỉ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm. “Nhưng không biết
50 năm sau liệu người ta có đánh bạc không, nếu đánh thì có còn đánh theo kiểu vào casino không. Nếu 30 năm mà dự án casino thất bại thì có thu hồi đất không”, ông Nghĩa phân tích và nhấn mạnh nên giữ 70 năm như luật Đất đai là đủ.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ: “Việc giao đất với thời hạn tối đa 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể bất lợi cho nhà nước”.
Trong khi đó, ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) nhận xét chính sách miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho cả thời gian thuê từ 70 - 99 năm đối với một số dự án là quá dài. “Tôi đề nghị chỉ miễn 50 năm để phù hợp với luật Đất đai, trong trường hợp thuê quá 50 năm phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và phải đóng thuế đất, thuê mặt nước”, bà Hằng nói. Thậm chí, theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc miễn thuế đất như vậy “không khác gì chúng ta cho không đất đai những người thuê đất”.
Giải trình vấn đề này cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật này quy định cho thuê đất tối đa 99 năm là chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển trong đặc khu và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Danh sách vụ trưởng cũng đóng dấu mật
Thảo luận về luật Bảo vệ bí mật nhà nước sáng 22.11, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, lo ngại việc lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật, danh mục mật vẫn chậm rà soát sửa đổi, có danh mục từ năm 2000 - 2004 vẫn dùng. Thậm chí bà Nga cho biết, có văn bản gửi đến đề nghị ĐB cân nhắc khi thảo luận để tránh bị lộ, nhưng văn bản đã cách đây... 13 năm. “Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành, đóng dấu vào chất vấn của ĐB QH, trong đó không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật khiến ĐB QH không thể trả lời cử tri”, bà Nga nói. Hệ lụy, theo ĐB này là nhiều thông tin phòng chống tham nhũng bị lợi dụng bảo mật để không công khai. Một số cá nhân rơi vào lao lý do văn bản luật không rõ ràng, ví dụ như báo chí, thậm chí một số cán bộ bị quy làm lộ bí mật nhà nước. Bà Nga đề nghị cần rà soát, đảm bảo tính thống nhất của luật với các quy định liên quan đến công khai, minh bạch, tiếp cận thông tin trong phòng chống tham nhũng và hoạt động tố tụng cũng như quyền tiếp cận thông tin của các ĐBQH và người dân.
ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cũng cho rằng, các văn bản không được giải mật kịp thời sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết dự luật đang được tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện, để trình QH.
Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.