Nhiều nhà thầu tự giải thể khi dự án chưa xong

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/08/2020 05:35 GMT+7

Cơ quan điều tra xác định một số bất cập, tồn tại, sơ hở trong quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Bộ Công an vừa có báo cáo Thủ tướng kết quả điều tra vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết đã tiến hành trưng cầu Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam và Bộ GTVT cũng đã tiến hành giám định chất lượng công trình. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra khẳng định kết quả điều tra đến nay đã đủ căn cứ xác định chủ đầu tư (là VEC), nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án được duyệt, dẫn đến công trình hoàn thành không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết nhà thầu và chủ đầu tư đã phải sửa 
chữa 291 vị trí hư hỏng, ổ gà, ổ voi... với diện tích mặt đường cao tốc hư 
hỏng khoảng 1.663 m2. Cùng với đó, dù cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 139,204 km) được đưa vào khai thác, sử dụng toàn tuyến đã gần 2 năm nhưng còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Trong đó, có 58 đường gom, đường ngang dân sinh, đường mượn của dân để thi công công trình, QL24B kết nối với nút giao bắc Quảng Ngãi chưa được thi công hoàn trả cho địa phương. Điều này khiến người dân địa phương phản ánh, kiến nghị rất nhiều, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt của người dân, tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện, mất an toàn giao thông ở địa phương. 
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự 19 người liên quan tại VEC, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra xác định một số bất cập, tồn tại, sơ hở trong quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Trong đó, đáng chú ý là trong hoạt động giám sát thi công và công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, trong giám sát thi công, mặc dù VEC đã ký hợp đồng thuê liên danh tư vấn giám sát nước ngoài, nhưng trên công trường chỉ có một số ít là kỹ sư nước ngoài, phần lớn do các kỹ sư người Việt thiếu kinh nghiệm, yếu năng lực giám sát dự án; không có công cụ để kiểm tra chất lượng, thí nghiệm độc lập mà phụ thuộc vào nhà thầu thi công. Đáng nói là liên danh giám sát thi công tự giải thể do chủ đầu tư không đảm bảo thanh toán các chi phí, mặc dù dự án còn nhiều công đoạn thực hiện, công trình chưa bàn giao chính thức.
Tương tự, trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, dù dự án đã lựa chọn được các nhà thầu nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm nhưng sau khi trúng thầu đã cho phép nhiều thầu phụ là doanh nghiệp trong nước tham gia mà không thông qua đấu thầu, lại được giao các hạng mục chính, quan trọng; chia nhỏ nhiều gói thầu cho nhiều đơn vị, mà điển hình là tại gói A3, có nhà thầu là Công ty Anh Cường chỉ thực hiện vỏn vẹn hơn 0,4 km. Cũng tại gói thầu này, chỉ một đoạn ngắn nhưng có tới 4 nhà thầu khác nhau, mà không có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực thầu phụ, thầu thứ cấp, dẫn đến mất khả năng kiểm soát chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan...
Để góp phần chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót này, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan trong tất cả các khâu đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán để khắc phục bất cập, đặc biệt là quy trách nhiệm, tăng tính độc lập, giám sát chuyên môn của nhà thầu thiết kế, giám sát, thi công trong suốt quá trình triển khai, đến khi dự án hoàn thành. “Đặc biệt là tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, nhà thầu chính giao cho nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực thực hiện dẫn đến không kiểm soát được chất lượng công trình”, Bộ Công an nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.