Sáng bị tuyên án, chiều đến tòa án nhảy lầu tử vong: Nhiều nội dung còn 'mù mờ'

02/06/2020 06:53 GMT+7

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, TAND tối cao cần phải vào cuộc giám đốc thẩm, xem xét lại bản chất vụ án liên quan đến bị cáo Lương Hữu Phước .

Trả lời Thanh Niên ngày 1.6, luật sư (LS) Trương Vĩnh Tuyến (người bào chữa cho bị cáo Lương Hữu Phước, 55 tuổi, ngụ P.Tân Xuân, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) tỏ ra khá mệt mỏi trước cái chết của thân chủ vào chiều 29.5.

Không giám định được tốc độ là vô lý

LS Tuyến cho biết ông đang soạn đơn để gửi TAND tối cao đề nghị xem xét lại 2 bản án đã tuyên đối với ông Lương Hữu Phước theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Trong đơn, tôi vẫn giữ yêu cầu làm rõ 3 vấn đề: giám định vận tốc mà Lâm Tươi điều khiển; làm rõ chứng cứ Lâm Tươi quay đầu nói chuyện với Trị Tiếp và vì sao khoảng cách từ 50 m thì nhìn thấy ông Phước qua đường, nhưng đến 5 m lại bất ngờ không xử lý kịp”, LS Tuyến cho hay và phân tích: Trong hồ sơ vụ án, Lâm Tươi khai chạy tốc độ 50 - 60 km/giờ, nhưng liệu tốc độ này khi tông vào vùng tản nhiệt của xe ông Phước thì niềng xe của Tươi có bị biến dạng như vậy không? Có thể đẩy xe ông Phước đi xa 80 cm hay không?...

Xôn xao vụ nhảy lầu ở tòa án Bình Phước sau status “thức tỉnh nền tư pháp”

“Với trình độ khoa học hình sự tiến bộ như hiện nay, theo tôi cơ quan chuyên môn không khó xác định vận tốc của xe này. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng không làm được điều này mà chỉ dựa vào lời khai của Lâm Tươi là hết sức vô lý. Chưa hết, ngày 14.8.2019, CQĐT có văn bản xác minh tại Phòng Quản lý đô thị TP.Đồng Xoài với nội dung, từ năm 2017 đến nay, UBND TP không có văn bản nào quy định về tốc độ trên đường Nguyễn Huệ (nơi xảy ra vụ tai nạn). Đây là văn bản thừa, có lợi cho phía Lâm Tươi, bởi đoạn đường này trong nội ô, theo luật Giao thông đường bộ không được chạy quá 40 km. Trong khi cái cần phải xác minh vận tốc của Lâm Tươi thì lại không làm”, LS Tuyến nói.
Cũng theo LS Tuyến, chứng cứ thứ 2, là lời khai của bà Trần Thị Kim Liên (vợ ông Trần Hữu Quý, người tử vong do hậu quả của vụ tai nạn - PV) thấy Lâm Tươi vừa chạy xe, vừa quay đầu lại nói chuyện với Trị Tiếp cũng không được HĐXX xét hỏi để làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26.5.2020. Còn lời khai của Lâm Tươi “cách 50 m Lâm Tươi thấy ông Phước qua đường nhưng cách 5 m thì lại bất ngờ không xử lý kịp”, cũng được ông đưa ra, đề nghị đại diện Viện KSND tranh tụng nhưng bị chủ tọa phiên tòa cắt lời.

Bị cáo Lương Hữu Phước tại phiên tòa phúc thẩm

Ảnh: C.T.V

Cần đánh giá dựa trên chứng cứ

Vụ việc bị cáo Lương Hữu Phước đến TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử cũng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia pháp luật.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện KSND TP.HCM) cho hay trong vụ án này, cần xác định chính xác lỗi từng người (tức bị cáo Phước và Lâm Tươi), để có hướng xử lý trách nhiệm hình sự và đưa ra mức hình phạt phù hợp.
“Nguyên tắc khi lưu thông phải ưu tiên cho người đi đúng phần đường của họ. Sơ đồ hiện trường thể hiện vị trí tai nạn là 2 m cách lề phải, tức phần lỗi thuộc về bị cáo. Nhưng đối với Lâm Tươi, HĐXX cũng cần phải làm rõ người này đi với tốc độ như thế nào, có đi đúng phần đường hay không, niềng xe của Lâm Tươi cong vòng thì phải làm rõ, do tốc độ hay chất lượng niềng xe...”, bà Nhuệ phân tích.
Cũng theo bà Nhuệ, theo lời khai của bị cáo Phước, Lâm Tươi và những nhân chứng khác, bị cáo sang đường với tốc độ chậm. Do đó, cũng cần đặt vấn đề nếu Lâm Tươi đi đúng tốc độ cho phép, quan sát, thì khi phát hiện xe ông Phước qua đường, dù với tâm thế như thế nào đi nữa, cũng vẫn tránh được va chạm và có thể thắng kịp thời. Ngoài ra, khi xác định lỗi các bên thì cần đánh giá lỗi của người bị hại trong vụ án này.

Viện KSND cấp cao rút hồ sơ kiểm sát

Tối 1.6, ông Nguyễn Đình Trung, Viện trưởng VKNS cấp cao, cho biết đã rút hồ sơ kiểm sát vụ án vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, liên quan bị cáo Lương Hữu Phước (55 tuổi, ngụ P.Tân Xuân, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) để kiểm tra, xem xét theo thẩm quyền.   
P.Thương
Còn theo phân tích của ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao), tội phạm trong vụ án này được hình thành bởi lỗi hỗn hợp. Cụ thể trong người của ông Phước và Lâm Tươi đều có độ cồn khi điều khiển xe; riêng ông Phước có thêm lỗi “không quan sát”; Tươi không có giấy phép lái xe; còn bị hại cũng có lỗi là đưa tay lên tay và vai của ông Phước khi bị cáo đang điều khiển xe máy sang đường.
Phân tích mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, cấp sơ thẩm lần 2 và kể cả cấp phúc thẩm lần 2 không đánh giá hỗn hợp lỗi của Tươi và lỗi của bị hại để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phước là không khách quan, không đúng pháp luật.
“Hơn nữa, chủ tọa khẳng định ông Phước sang đường không quan sát, vì nếu quan sát thì Tươi không thể đâm xe vào xe của ông Phước là rất phiến diện, suy diễn. Nếu có xảy ra trường hợp này, HĐXX cần đánh giá dựa trên chứng cứ chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng”, ông Hùng nói và nhấn mạnh: “Cơ quan tòa án cấp trên cần xem xét kháng nghị và xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm để điều tra, xét xử lại”.

Đánh giá lỗi chưa toàn diện ?

LS Trần Cao Đại Kỳ Quân, giảng viên thỉnh giảng Học viện Cán bộ tư pháp (Bộ Tư pháp), phân tích theo lời khai của Lâm Tươi, khi điều khiển xe máy cách 50 m thì thấy 2 người (ông Lương Hữu Phước và ông Quý) dừng xe ở lề đường bên trái, khi cách 30 m thấy Phước băng qua đường từ từ thì rõ ràng người này đã nhận biết việc ông Phước băng qua đường ở khoảng cách khá xa.
“Với khoảng cách này, đủ để Lâm Tươi chuyển hướng nhằm tránh va chạm hoặc giảm tốc độ để dừng lại. Như vậy, việc ông Phước qua đường là phù hợp, không còn có lỗi không nhường đường”, LS Quân nói và cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng nhận định lỗi hoàn toàn thuộc về ông Phước, mà không đánh giá lỗi của Lâm Tươi trong vụ án này là chưa toàn diện, không xác định vận tốc của Lâm Tươi trước khi xảy ra va chạm với bị cáo là thiếu sót.   
G.K
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.