Đó là thông tin ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y, chia sẻ tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 và phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hội thảo do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng nay, 15.4, tại Hà Nội.
Ông Long cho biết, điểm khó khăn nhất hiện nay là đường lây qua ruồi, muỗi, ve, mòng. Đây là những côn trùng bay xa, bay nhanh nên dịch viêm da nổi cục đang có tốc độ lây lan rất nhanh.
Xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10.2020, đến nay, dịch viêm da nổi cục đã được ghi nhận xảy ra tại 25 tỉnh, thành phố, với 1.800 con trâu, bò đã chết và buộc phải tiêu hủy. Hiện tại, cả nước đang có 707 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Trong đó, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thanh Hóa đang là những địa phương có dịch nặng nhất.
|
Dự báo trong thời gian tới, dịch viêm da nổi cục tiếp tục lây lan nhanh và rộng ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía nam, tính từ sau khi tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận có dịch.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long cho rằng, trên mạng xã hội vừa qua xuất hiện rất nhiều hình ảnh trâu bò nổi u, cục, được chia sẻ “trông rất ghê sợ”. Tại Hà Tĩnh, nhiều quán phở bò nổi tiếng hiện nay đã phải đóng cửa do người dân lo ngại ăn phải thịt bò nhiễm dịch bệnh này.
Ông Long nhấn mạnh để kiểm soát và ngăn chặn được dịch, các địa phương phải thực hiện nghiêm kiểm soát các ổ dịch viêm da nổi cục, nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ gia súc nhiễm dịch.
“Phải tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng, tránh tâm lý hoang mang, lo ngại cho người tiêu dùng khi tiêu thụ thịt, sản phẩm từ thịt gia súc. Virus gây ra dịch viêm da nổi cục trên trâu bò không lây nhiễm và không gây bệnh trên người”, ông Long đề nghị.
Bình luận (0)