(TNO) Cố Tổng bí thư Trường Chinh thuộc lớp các nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam. Ông là người bạn chiến đấu, cộng sự gần gũi và chí cốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 3 lần đảm trách cương vị Tổng bí thư của Đảng dưới 3 tên gọi khác nhau: Đảng Cộng sản Đông Dương (1941), Đảng Lao động Việt Nam (1952) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Trường Chinh là trường hợp đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Cố Tổng bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2 - Ảnh: TTXVN
|
Đặc biệt hơn nữa là cả ba lần ông gánh vác việc nước đều vào những lúc "dầu sôi lửa bỏng" nhất. Lần thứ nhất thành tựu ở cuộc Cách Mạng Tháng Tám long trời lở đất, giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên của châu Á (1945). Sau này với tư duy xuất thần, ông lại tiếp tục khởi xướng công cuộc Đổi Mới (1986), để đất nước có được một cuộc sống tốt đẹp như hôm nay...
Trong đời sống thường nhật, ông sống cần kiệm, giản dị, thanh bạch, như tôi được biết qua nhiều câu chuyện do những người đồng chí, người thân thiết của ông kể lại.
Bác sĩ Phan Minh Thu, con gái duy nhất của ông Phan Văn Kim, cựu Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức (1980 - 1985), nguyên Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao một thời gian dài, nói với tôi rằng gia đình bà không bao giờ quên chuyện đi “mua áo cho Chủ tịch nước”. Đó là lần ông bà Trường Chinh sang Đức nghỉ dưỡng theo lời mời của nước bạn. Trước khi chuẩn bị về, ông bà Trường Chinh lại thăm Đại sứ quán và chào tạm biệt mọi người. Bà Nguyễn Thị Minh, phu nhân của Chủ tịch Trường Chinh có nói nhỏ với Đại sứ Phan Văn Kim rằng các bạn Đức có nhã ý biếu ông bà ít đồng mác (tiền của CHDC Đức) để tiêu vặt như đối với rất nhiều cán bộ cấp cao khác từng sang nghỉ. Bà Minh muốn nhờ Đại sứ Kim "biết chỗ nào bán thì cho người đến mua giúp anh Năm (tên gọi thân mật của ông Trường Chinh) chiếc áo". Đó vừa là để kỉ niệm chuyến đi, vừa cũng là lúc cần có chiếc áo mới để thay, bởi theo bà Minh, ông Trường Chinh sống rất giản dị, ít khi may đo dù áo mặc nhiều lúc đã sờn cổ, sờn tay...
Bản thân Đại sứ Phan Văn Kim vốn là người sống thanh bạch nổi tiếng ở Bộ Ngoại giao, cho dù ông có thời gian dài là “tay hòm chìa khoá" của Bộ. Bà Thu kể: Khi nghe bà Minh nhờ, Đại sứ Kim cũng lúng túng vì không biết tính sao, hay là mua áo rồi tặng ông, trả lại tiền cho phu nhân Chủ tịch nước? Nhưng bà Minh kiên quyết đòi trả bằng được bởi biết Chủ tịch Trường Chinh là người rất nghiêm cẩn trong chuyện này. Còn ông Kim, tuy là đại sứ nhưng cũng luôn phải đón tiếp khách nên thực tế cũng chẳng dư dả gì. Vì thế, ông đành cầm số tiền kia đi mua cho Chủ tịch Trường Chinh chiếc áo.
Vẫn chuyện về nếp sống giản dị của lãnh tụ Trường Chinh vào giai đoạn cuối những năm 70 sang đầu 80 của thế kỷ trước, tôi được biết một câu chuyện xúc động. Ông nội tôi vốn là cháu ruột của thân mẫu ông Trường Chinh. Ông cũng là một thày thuốc đông y nổi tiếng (tên hiệu là Chu Sỹ), từng được Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương giới thiệu, mời thăm khám cho các vị lãnh đạo... Trong một lần đến nhà riêng để chữa bệnh cho ông Trường Chinh, ông nội tôi được ông Trường Chinh ý tứ ướm hỏi: "Em biết bác sống cũng rất xuề xòa, giản dị. Bản thân em cũng thế. Tuy là lớp người lãnh đạo đất nước nhưng nay em vẫn mặc đồ từng "pic kê", từng mạng lại khi không cần thiết phải mặc đồ mới, sang trọng, ví như phải tiếp khách quốc tế ("pic kê" hoặc mạng là cách làm rất khéo để sửa áo, quần khi bị sờn, thủng. Đây là kỹ thuật của một thời cuộc sống còn gian khó ở nửa thế kỉ trước, nhiều người phải mặc quần, áo vá - Q.P ). Vì thế, nếu như bác không giận thì em xin được tặng bác mấy bộ quần áo để bác dùng tạm. Tất cả đồ này, em vẫn mặc gần đây chứ không phải để lâu không dùng đến...” Ông nội tôi cười xòa, vui vẻ nhận mang về. Song xem ra, sau đó ông Trường Chinh, trong câu chuyện tâm tình, hình như vẫn chưa hết nỗi canh cánh việc mình tặng anh họ đồ cũ. Ông tôi biết ý, cố gạt sang đề tài khác để ông Trường Chinh được vui vẻ, khỏi áy náy .
Có lẽ lớp trẻ ngày nay khó có thể hình dung tại sao một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước lại mặc đồ “pic kê", lại sống giản dị và thanh bạch như vậy. Thực ra, đó là do nếp sống của những nhà cách mạng suốt một đời vì dân vì nước, không màng quyền lợi cá nhân. Hơn nữa, thời đó, tiêu chuẩn mỗi người dân 1 năm chỉ được cấp phiếu để mua từ 4 - 5 mét vải. Lối sống thanh bạch này không phải là hiếm trong số những cán bộ lãnh đạo thuộc thế hệ ông.
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Đảng ta luôn phát động nhiều đợt học tập và làm theo tấm gương của Bác. Hiệu quả đến mức nào, quả thật cũng còn là điều cần bàn. Ở đời, con người ta "nhân vô thập toàn". Để tìm được một nhân vật như Bác đâu dễ gì. Nên chăng, bên cạnh việc học và làm theo Bác, chúng ta nên vận động cán bộ, đảng viên hãy học tập những gương sáng quanh ta ở một góc độ nào đó, một nét đẹp nào đó? Họ có thể là một nhà lãnh đạo cao cấp, có thể là người lãnh đạo trực tiếp ở cơ quan, đơn vị mình công tác, có thể họ cũng chỉ là một người lao động rất bình thường như một cựu chiến binh, một người mẹ liệt sĩ biết khắc phục, vượt qua khó khăn trong đời sống, v.v...
Và như thế phong trào học Bác và làm theo Bác sẽ có nhiều người hưởng ứng hơn hoặc chí ít cũng cố gắng sống tử tế hơn....
Bình luận (0)