Những bức thư gửi người mai sau - Kỳ 1: Từ lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan

13/10/2016 09:00 GMT+7

60 bức thư viết trong 2 năm 2 tháng quân ngũ, cũng là 2 năm cuối đời của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. May mắn là gia đình đã giữ lại được cả 60 bức thư.

Lời tòa soạn: Trong một dịp tình cờ, nhà thơ Thanh Thảo nghe câu chuyện về một liệt sĩ người Hà Nội đã gửi tới 60 bức thư cho bố mẹ mình trong hơn 2 năm từ khi vào quân ngũ cho tới lúc hy sinh ở chiến trường Kon Tum năm 1971. 60 bức thư của người con hiếu thảo, tràn đầy tình yêu thương cha mẹ ấy đã được gia đình lưu giữ. Khi nhận được tập photo in 60 bức thư này cùng với bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan gửi cho bố người liệt sĩ ấy, nhà thơ Thanh Thảo đã quyết định phải viết lên câu chuyện cảm động này. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu bài viết 3 kỳ về câu chuyện “60 bức thư của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng”.
Kỳ 1: Từ lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan
Tôi đang có trong tay văn bản 60 bức thư của một liệt sĩ quê Hà Nội. Đích đến của toàn bộ 60 bức thư này là cha mẹ, là cả gia đình người lính ấy. Tên anh là Phạm Ngọc Hùng. Anh hy sinh năm 1971 ở chiến trường Kon Tum khi vừa tròn 20 tuổi. 60 bức thư viết trong 2 năm 2 tháng quân ngũ, cũng là 2 năm cuối đời của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. May mắn là gia đình đã giữ lại được cả 60 bức thư, và người em gái của liệt sĩ Hùng đã đánh máy lại như một kỷ vật vô giá của cả gia đình.
Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng

Tôi rất ngạc nhiên, khi mở đầu quyển sách mỏng in 60 bức thư này là một bức thư khác, bức thư của nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan:
Kính gửi ông Xứng,
Tôi đến phòng tìm ông, thấy nói ông nghỉ ở nhà. Tôi về nhà, ông lại đi vắng. Thật tiếc.
Hôm nọ, ông cho biết về việc cháu Hùng. Nhiều thư của cháu , ông cho nghe, tôi rất cảm động. Và khi ông cho tôi biết tiểu sử của cháu, tôi càng quý cháu. Vì vậy tôi mới nói với ông là nên chọn chữ của cháu mà đề tên cuốn sách. Nhưng nay tôi còn ý kiến nữa, định đề nghị với ông, là ông nên viết kỹ tiểu sử của cháu, những đức tính của cháu, nhất là những đức tính ấy đã có ảnh hưởng đến các bạn đồng ngũ của cháu. Ông nên viết tỷ mỷ, kể cả lần cháu thả bức thư theo dòng nước.
Đời cháu, những việc làm, ý nghĩ của cháu sẽ là tấm gương sáng cho các anh em cháu noi theo.
Tiểu sử ấy, ông sẽ đóng lên đầu sách thì trân trọng lắm.
Thân ái
23.2.73
Nguyễn Công Hoan
Lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết bức thư này gửi ông Phạm Ngọc Xứng năm 1973, thì chỉ một năm sau, ông Xứng qua đời vì quá đau buồn sau khi đứa con trai hiếu thảo hy sinh.
Quả thật, Phạm Ngọc Hùng là đứa con hiếu thảo, vì ở tuổi 18, từ khi mới vào bộ đội, anh Hùng đã liên tục và tìm mọi cách tranh thủ chút thời gian rảnh giữa hai kỳ luyện quân, hai chặng hành quân để viết thư gửi về nhà cho bố mẹ và các anh chị em. Rồi khi lên Trường Sơn và vào tới chiến trường B3 Tây Nguyên), anh Hùng vẫn tìm được cơ hội gửi thư về thăm bố mẹ và mọi người trong gia đình, không quên một ai. Thời chiến tranh ác liệt nhất, mà chỉ trong hơn 2 năm, anh Hùng đã gửi được 60 bức thư cho gia đình, đó là một kỷ lục. Một kỷ lục của tình yêu thương, của lòng hiếu thảo. Thú thật, trong 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, tôi chỉ gửi được khoảng 5 bức thư về cho thầy má tôi ở Hà Nội. Không cha mẹ nào trách con mình ở chiến trường sao ít gửi thư về cho bố mẹ đỡ lo buồn, vì bố mẹ hiểu gửi được một bức thư trong hoàn cảnh như thế là cực khó. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, sau khi nghe bạn mình là ông Phạm Ngọc Xứng đọc những bức thư con trai Phạm Ngọc Hùng gửi về gia đình, đã đặc biệt xúc động. Bởi khi đó, anh Hùng đã hy sinh, và cũng bởi những bức thư tha thiết tình yêu thương bố mẹ và gia đình đã khiến nhà văn lớn không thể cầm lòng.
Bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan rất chân tình và tha thiết. Nó là sự chia sẻ của một người cha với một người cha có con hy sinh. Và cũng bởi nhà văn Nguyễn Công Hoan có con trai là ông Nguyễn Tài một trong những cán bộ lãnh đạo của ngành an ninh Trung ương Cục - vào thời gian ấy đã bị bắt và bị biệt giam ở Trung tâm thẩm vấn của chế độ Sài Gòn. Chắc chắn, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã bị mất liên lạc hoàn toàn với người con của mình, cũng không biết con mình sống chết ra sao. Chính hoàn cảnh ấy đã đưa tới sự thông cảm sâu sắc giữa hai người cha. Và cũng bởi ông Phạm Ngọc Xứng từ những tháng năm Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, ông làm việc tại Sở căn cước (Service D' ldentite') ở Hà Nội nhưng ông đã là cơ sở của cách mạng. Chính ông đã giúp đỡ một số cán bộ cách mạng làm thẻ căn cước ra vào vùng kiểm soát của Pháp một cách dễ dàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Tài - con nhà văn Nguyễn Công Hoan - lại là Trưởng ty Công an Hà Nội, rồi Giám đốc Sở Công an đặc khu Hà Nội (hoạt động bí mật). Chắc chắn, ông Xứng đã hiện diện trong đường dây do ông Nguyễn Tài tổ chức và lãnh đạo. Trong những cán bộ cách mạng được ông Xứng giúp làm căn cước, sau này tiếp tục di cư vào Nam và hoạt động trong đường dây tình báo, có nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ từng nổi tiếng trong vai trò “ông cố vấn” cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Vì những công lao đó, sau khi thủ đô giải phóng, ông Phạm Ngọc Xứng vẫn tiếp tục làm việc tại Sở Công an Hà Nội, sau chuyển về UBND Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903, trong khi ông Xứng sinh năm 1921, nghĩa là họ cách nhau tới 18 tuổi. Nhưng họ vẫn là bạn của nhau, một tình bạn vong niên. Còn ông Nguyễn Tài sinh năm 1926, trong khi Phạm Ngọc Hùng con ông Xứng sinh năm 1951, thuộc hai thế hệ khác nhau. Nhưng đó vẫn là hai người con của hai người cha là bạn bè, một người là nhà văn, một người làm công chức. Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt nhưng cũng đầy gian nguy, đầy uẩn khúc đau khổ của ông Nguyễn Tài, tôi càng thấy lý do mà nhà văn Nguyễn Công Hoan và ông Phạm Ngọc Xứng thân thiết với nhau, chia sẻ cùng nhau những nỗi niềm về hai người con của mình là dễ hiểu và đáng quí trọng. Trong đau khổ, hai người làm cha ấy đã tìm đến với nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.