Sau khi UBND TP.HCM ban hành văn bản 2337 ngày 13.7 yêu cầu dừng hoạt động các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 kể từ ngày 15.7, nhiều doanh nghiệp và người lao động ở nhiều ngành nghề băn khoăn liệu ngày mai (15.7) công ty của họ có được mở cửa hoạt động.
Trao đổi với PV Thanh Niên tối 14.7, một lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định văn bản 2337 chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, TP.HCM cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp đảm bảo một trong hai trường hợp. Thứ nhất là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Thứ 2, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, đó là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở như: ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung. Với yêu cầu này, người lao động không được sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần đối với công nhân, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu thì phải dừng hoạt động.
|
Lãnh đạo TP.HCM cho biết các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực còn lại thì áp dụng theo văn bản 2279 ngày 8.7 của UBND TP.HCM và tuân thủ đầy đủ quy định phòng chống dịch theo các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM và quy định của Bộ Y tế. Như vậy, đối chiếu với văn bản 2279 ngày 8.7 và loại trừ các cơ sở sản xuất thì người lao động làm việc tại nhiều lĩnh vực vẫn đi làm bình thường.
Cụ thể, các công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... vẫn hoạt động.
Nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, UBND TP.HCM yêu cầu người dân hạn chế ra đường, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao.
Bình luận (0)