Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về dự luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ.
Cụ thể, ngoài sự gia tăng nợ trong nước, đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Theo đó, đến năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001, trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là Nhật Bản tăng 6,8 lần, Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần và Ngân hàng phát triển Châu Á tăng 20,3 lần. "Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức nhà nước đầu tư hoặc quỹ tích lũy phải ứng trả thay; còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ", ông Dũng báo cáo.
Nguyên nhân chủ yếu được Chính phủ chỉ ra là do cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích lũy nội địa nền kinh tế còn mỏng; quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ; tác động bất lợi của kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức.
Bình luận (0)