Nỗi đau người ở lại

Mạnh Cường
Mạnh Cường
13/11/2020 06:01 GMT+7

Chỉ sau vài trận 'mưa núi', từng ngọn đồi no nước ầm ào đổ sập vùi lấp mọi thứ, để lại cảnh hoang tàn và ám ảnh đối với những người may mắn sống sót. Họ đã kiệt sức trước nỗi đau.

Chỉ sau vài trận “mưa núi” (cách đồng bào khu vực miền núi gọi mưa), từng ngọn đồi no nước ầm ào đổ sập vùi lấp mọi thứ, để lại cảnh hoang tàn và ám ảnh đối với những người may mắn sống sót. Họ đã kiệt sức trước nỗi đau.

Buổi trưa ám ảnh

Cũng khoảng thời gian này, năm 2017, xã Trà Vân (H.Nam Trà My, Quảng Nam) đã từng chứng kiến cảnh đau thương khi một vụ sạt lở núi xảy ra khiến nhiều căn nhà bị vùi lấp, 9 con người mãi mãi nằm lại. Ngay sau đó, chính quyền UBND H.Nam Trà My đã di dời hàng trăm hộ dân đến làng mới. Nay, một lần nữa nỗi đau “tái diễn” vào trưa 28.10.2020.
Người dân xã Trà Vân lại sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Mưa thối đất. Những nóc nhà tưởng chừng ở trong vùng an toàn, lại khiến nhiều người cư ngụ bên trong vong mạng. Núi “trở mình” cuốn trôi mọi thứ.

Nhiều hộ dân ở Trà Vân chen chúc trong một ngôi nhà tạm

Sau hơn 1 tuần xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tại nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) làm 16 ngôi nhà bị vùi lấp, 8 người chết và 12 người khác bị thương, chúng tôi mới trở lại để tiếp cận hiện trường. Khu vực xảy ra sạt lở như một bãi chiến trường, không một bóng người. Nơi đây từng là một khu vực bằng phẳng, người dân đã dựng nhà ở. Để rồi, chỉ sau một tiếng nổ lớn, mọi thứ còn lại chỉ là một bãi bùn đất...
Cách chỗ sạt lở chừng 500 m là những căn nhà tạm bợ, được che vội vã bằng tấm bạt. Gần cả trăm người đang trú ẩn “chạy” mưa bão. Gió thốc lên từng hồi. Mái nhà (tấm bạt) bị kéo lên cao, mưa hắt vào nhà khiến đứa trẻ kéo vội tấm chăn lên che.
Ngồi co ro ở góc bếp trong căn nhà tạm, chị Phạm Thị Bàng (21 tuổi, thôn 1, xã Trà Vân) bần thần nhớ lại, trưa 28.10, vợ chồng chị cùng 2 con tránh bão số 9 trong ngôi nhà nhỏ. Giữa những đợt gió giật rít liên hồi, bất ngờ có vài tiếng nổ lớn, rồi tiếng người kêu la thất thanh ở ngôi làng gần đó. Người làng thôn 1 kéo nhau đi giúp... Nhưng rồi, từ phía sau, đất đá trên núi đổ xuống vùi lấp nhà chị cùng nhiều nhà khác. “Hầu hết người dân làng mình chạy đi giúp người dân làng khác nên khi nguyên quả đồi đổ xuống thì không ai bị nạn. May quá! Nhưng mọi tài sản dành dụm được bao nhiêu năm nay đều bị đất đá vùi lấp. Giờ chỉ biết tìm chỗ mới dựng lều, che tạm tấm bạt sống qua ngày. Chúng tôi giờ không còn nhà để mà về”, chị Bàng buồn bã nói.
Trong một túp lều khác, chị Đinh Thị Thánh (35 tuổi) chưa nguôi nỗi đau. Lúc đó, sau một tiếng nổ lớn, chị vừa kịp ôm lấy con đang ngủ thì đã bị đất đá tràn đến. “Mình bị vùi lấp chỉ còn lòi phần đầu, gỗ sườn nhà đè trên chân không thể thoát được. Nghe tiếng kêu cứu, bà con quanh đó chạy đến đào bới kéo mình ra. Nhưng đứa con trai 7 tuổi của mình thì đã tử vong. Vợ chồng em trai và 2 đứa con nhỏ cũng không qua khỏi”, chị Thánh nấc nghẹn.
Nỗi đau người ở lại

Những ngôi nhà tạm được che bằng tấm bạt xanh được dựng vội

Bỗng chốc mồ côi

Ông Hồ Văn Thới, Phó chủ tịch UBND xã Trà Vân, lấm lem bùn đất khi tiếp chúng tôi. Ông đang mặc bộ quần áo duy nhất còn sót lại đã nhiều ngày. Mấy hôm nay, ông cùng lực lượng chức năng của xã lui tới dựng nhà tạm cho người dân, lại lo di dời những hộ trong diện nguy hiểm tránh bão. Ngay cả ngôi nhà bê tông kiên cố của ông Thới cũng ngập trong đất đá, nhưng đành phó mặc. “Lo cho người dân trước đã. Sạt lở khủng khiếp quá! Vợ chồng mình chỉ còn sót lại bộ quần áo đang mặc trên người, mọi thứ đều bị vùi lấp cả rồi”, ông nói.
Bên trong những ngôi nhà tạm, nhiều đứa trẻ cứ ngơ ngác trước thảm kịch bất ngờ đổ xuống. Đinh Vũ Thượng Thiên mới tròn 2 tuổi nép vào lòng cô ruột (chị Đinh Thị Liễu) khi thấy người lạ. Theo chị Liễu, vợ chồng em trai Đinh Văn Thiêu (27 tuổi) và Vũ Thị Kim Hồng (30 tuổi) cùng với 2 con Đinh Thị Mai Hương (4 tuổi), Đinh Thị Thiên Ân (4 tháng tuổi) đã bị núi vùi. Thiên nằm trong số 3 người con của anh Thiêu may mắn thoát nạn. “Nhờ người dân nghe tiếng khóc, cứu chúng lên từ bùn đất. Thương lắm!”, chị Liễu buồn bã nhớ lại.
Anh trai của Thiên là Đinh Hoàng Thái (6 tuổi) đang phải nằm điều trị ở Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, bởi cháu bị thương nặng khắp người. Riêng cháu lớn nhất, Đinh Thị Hằng (11 tuổi), thì vừa đến lớp học. “Cứ thấy người lạ đến hỏi chuyện về ba mẹ và 2 em, Hằng lại khóc nức nở. Nó hiểu chuyện rồi...”, chị Liễu kể.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Có một phụ nữ đang quay quắt trong nỗi nhớ và ám ảnh. Chị thường giật mình giữa đêm mỗi khi nghe tiếng đất cựa mình. 35 tuổi, chị Hồ Thị Phượng mất cả chồng lẫn 2 con sau vụ sạt lở núi. Chị cứ nép mình vào một góc lều tạm, không tiếp chuyện với ai, cũng không muốn nhận bất cứ món quà nào mà các nhà hảo tâm đến trao tặng...
Mưa vẫn trắng trời Trà Vân. Những đứa trẻ vẫn co ro trong ngôi nhà tạm bợ. Nhiều người lớn thảng thốt. Thảm nạn sau trận sạt lở núi quá đỗi kinh hoàng với họ. Phía trước là chuỗi ngày dài đầy lo lắng...

Những người tháo chạy khỏi “thần chết” kể lại vụ sạt lở núi kinh hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.