'Nóng' heo lậu tuồn vào trong nước

01/06/2020 05:00 GMT+7

Giá thịt heo trong nước tăng cao, dẫn đến tình trạng các đầu nậu gia tăng tuồn heo lậu vào trong nước qua các cửa khẩu, vùng biên.

Bị phát hiện, chạy ngược về bên kia biên giới

Heo hơi ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đang khan, giá cao (dao động trên dưới 100.000 đồng/kg), nên đối tượng buôn lậu tuồn heo từ biên giới Campuchia vào nội địa.
Theo thống kê của Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang, trong 5 tháng đầu năm 2020, đơn vị phối hợp với lực lượng phòng, chống buôn lậu bắt giữ 6 vụ vận chuyển heo hơi trái phép từ Campuchia vào nội địa, thu giữ hơn 6 tấn. Sau thời gian tạm lắng, tình trạng nhập lậu heo gia tăng trở lại.
Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu heo là tập kết hàng phía bên kia biên giới dọc các tuyến sông lớn như sông Tiền, sông Hậu rồi dùng vỏ lãi, ghe gỗ lợi dụng đêm khuya khi lực lượng chức năng lơi lỏng, mất cảnh giác sẽ điều khiển chạy với tốc độ cao để tuồn heo qua Việt Nam, đưa vào nội địa tiêu thụ. Nếu bị lực lượng phòng, chống buôn lậu phát hiện truy đuổi, các đối tượng sẽ bỏ lại phương tiện cùng tang vật, rồi thoát thân.
Chỉ trong 3 tuần cuối tháng 5, lực lượng BĐBP tỉnh An Giang đã phối hợp lực lượng chức năng bắt giữ 3 vụ vận chuyển heo trái phép từ biên giới vào Việt Nam, thu giữ gần 50 con heo (tổng trọng lượng gần 3 tấn). Khoảng 2 giờ 30 ngày 30.5, các chiến sĩ Đồn biên phòng (ĐBP) Phú Hữu (H.An Phú, An Giang) phát hiện một người điều khiển vỏ lãi chạy với tốc độ cao chuẩn bị cập kênh 5, thuộc xã Phú Hữu (H.An Phú). Khi lực lượng yêu cầu dừng lại để kiểm tra thì người này liền nhảy xuống kênh, bơi ngược qua biên giới, bỏ lại phương tiện và 12 con heo (trọng lượng hơn 1 tấn).
'Nóng' heo lậu tuồn vào trong nước 1

Số heo nhập lậu do Đồn biên phòng Phú Hữu (An Giang) bắt giữ rạng sáng 30.5

ẢNH: C.K

Tại các tuyến biên giới của 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp, lực lượng chức năng cũng bắt giữ nhiều vụ nhập lậu heo từ Campuchia vào Việt Nam.
Vụ bắt giữ heo nhập lậu “khủng” được lực lượng Cảnh sát môi trường của Bộ Công an triệt phá ngày 14.3 tại xã Thái Bình Trung, H.Vĩnh Hưng, tỉnh Long An với số lượng heo hơn 100 con, tổng trọng lượng hơn 10 tấn. Điểm tập kết vận chuyển heo lậu được các đối tượng ngụy trang trong một xưởng gỗ cách biên giới khoảng 5 km. Khi ngành chức năng ập vào kiểm tra, có nhiều xe tải chuyên dùng đang chở heo trên xe. Các tài xế khai họ không biết chủ hàng là ai, chỉ nhận yêu cầu chở thuê qua điện thoại!
ĐBP cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) hôm 21.5 qua tin báo đã mật phục, bắt quả tang vụ vận chuyển heo sống từ biên giới Lào về Việt Nam tiêu thụ. Hai nghi phạm vận chuyển heo trái phép đã nhanh chân tẩu thoát qua biên giới; 14 con heo và chiếc thuyền (phương tiện vận chuyển) bị thu giữ... Đây là vụ vận chuyển heo trái phép thứ 5 kể từ đầu năm đến nay của ĐBP cửa khẩu này phát hiện, với gần 100 con heo bị thu giữ, có tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, gần đây nước sông Sê Pôn đang cạn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển heo qua lại trên con sông biên giới. Các đầu nậu lớn vận chuyển heo từ Thái Lan, Lào về tập kết tại khu vực biên giới sát sông Sê Pôn và QL9 (ở địa phận Lào), sau đó tìm cách tuồn vào Việt Nam. Vụ việc này có sự móc nối giữa các thương lái trong nước và các đối tượng người Lào. Khu vực Lao Bảo địa hình khá phức tạp có nhiều đường tiểu ngạch, có con sông Sê Pôn làm “đường biên” nên heo được vận chuyển bằng thuyền từ phía Lào, khi thuyền cập bờ phía Việt Nam, luôn có xe chờ sẵn, nhanh chóng bốc heo chở đến nơi tiêu thụ…
'Nóng' heo lậu tuồn vào trong nước 2

Đầu nậu vận chuyển heo qua sông Sê Pôn từ Lào về, khi sang Việt Nam sẽ có xe đợi sẵn để chở đi tiêu thụ

ẢNH: THANH LỘC

Lập nhiều chốt chặn

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, các đối tượng buôn lậu heo khi bị bắt thường không khai nhận heo nhập lậu từ Campuchia mà khai báo thu mua heo nhỏ lẻ ở biên giới nên không có giấy tờ. Vì vậy, lực lượng chức năng khó xử phạt hành vi buôn lậu heo mà chỉ xử phạt hành vi vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch.
Theo Nghị định 90/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thú y thì mức xử phạt đối với hành vi vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, không giấy tờ kiểm dịch thú y tối đa chỉ 50 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa. Nhưng hiện giá heo hơi ở Lào, Thái Lan, Campuchia chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi tại Việt Nam trên dưới 100.000 đồng/kg. Giá chênh lệch gần gấp đôi, mức phạt chưa đủ sức răn đe và chỉ cần vận chuyển heo qua Việt Nam trót lọt 1 chuyến, các đối tượng sẽ thu lợi lớn, vì thế tình trạng buôn lậu heo luôn “nóng” ở tuyến biên giới Tây Nam.

Thịt lợn tăng giá phi mã, dân buôn lậu đưa lợn “ngoại” lên thuyền vượt biên

Thượng tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng ĐBP cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết trước tình hình thẩm lậu heo diễn biến phức tạp, đơn vị đã sớm triển khai lực lượng ngăn chặn. Trong đó, lập 23 chốt với 71 cán bộ, chiến sĩ ứng trực 24/24. Đơn vị cũng báo cáo xin tăng cường lực lượng và chỉ đạo từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đồng thời phối hợp với công an, dân quân để tuần tra, kiểm soát, góp phần ổn định thị trường, quan trọng hơn là ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lây lan.
'Nóng' heo lậu tuồn vào trong nước 3

Lực lượng biên phòng Quảng Trị tăng cường tuần tra kiểm soát trên sông Sê Pôn

ẢNH: THANH LỘC

Theo thượng tá Thiện, đáng lo ngại là ngay ở khu vực biên giới Lao Bảo có nhiều trang trại heo, nên sau khi vận chuyển heo lậu trót lọt qua Việt Nam các đầu nậu sẽ dễ dàng hợp thức hóa heo lậu để đưa đi tiêu thụ. Do đó, công tác tuyên truyền để người dân không “hợp tác” và tham gia buôn lậu heo là khâu rất quan trọng.
UBND H.Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng vừa gửi văn bản đến các đơn vị liên quan yêu cầu kiểm tra, xử lý việc vận chuyển và giết mổ heo trên địa bàn. Theo lãnh đạo UBND H.Hướng Hóa, các khâu phối hợp kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa chặt chẽ. Trong khi đó, Trạm chăn nuôi và thú y H.Hướng Hóa ghi nhận từ đầu tháng 5, mỗi đêm trên địa bàn huyện có khoảng vài trăm con heo được vận chuyển bằng ô tô không qua kiểm dịch động vật của cơ quan thú y. Trong quá trình vận chuyển, một số heo chết được các hộ kinh doanh giết mổ gia súc thu mua lại, mổ bán và đưa ra thị trường. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi và không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Từ cuối tháng 3 đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản, yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, tình hình chưa có dấu hiệu được kiểm soát tốt, thậm chí vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tuồn lậu cả heo giống vào Việt Nam

Không chỉ nhập lậu heo thịt, đối tượng buôn lậu còn tuồn qua biên giới heo giống để kiếm lời. Bởi sau đợt dịch năm 2019, người nuôi heo ở miền Tây không còn heo nuôi, nhiều hộ dân tìm cách tái đàn nhưng nguồn heo giống khan hiếm.
Lúc 3 giờ 30 ngày 22.5, trong lúc tuần tra tại ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, H.An Phú (An Giang), các chiến sĩ ĐBP nghe tiếng heo kêu nên lại gần thì phát hiện một nhóm đối tượng dùng ghe gỗ vận chuyển heo. Truy đuổi đến bãi đất trống bên cầu C3, thuộc xã Nhơn Hội, H.An Phú, lực lượng chức năng phát hiện có một xe tải chở 14 con heo giống, trọng lượng trung bình 15 kg/con nên đưa về đơn vị để xử lý. Kiểm tra quanh khu vực tiếng heo kêu ban đầu, lực lượng phát hiện thêm 4 con heo giống của các đối tượng bỏ lại...
Trần Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.