Trên chiếc ghe nhỏ đưa PV Thanh Niên đi thực tế trên sông Vàm Cỏ Đông vào trưa 4.5, ông Trần Văn Hả (54 tuổi, ngụ xã Trí Bình, H.Châu Thành, Tây Ninh) cho hay: “Trước đây, vài ngày mới có ghe nhỏ đến hút cát. Nhưng khoảng 1 tháng nay, trên sông xuất hiện các tàu lớn, hoạt động suốt ngày đêm khiến bờ sông trở nên thẳng đứng, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Trên sông xuất hiện toàn sà lan khủng đến chở cát. Chiếc nào chiếc nấy chở ngập thành như sắp chìm. Mỗi lần sà lan đi ngang là sóng nước vỗ vào bờ ầm ầm”.
Công trường khai thác cát
Trưa 4.5, trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua xã Trí Bình kéo dài đến xã Hòa Hội (H.Châu Thành), xuất hiện 3 tàu sắt, trang bị dàn hút cát công suất cực lớn gầm rú liên tục, ầm ĩ. Tàu đậu cách bờ chưa đầy 20 m, thọc ống sâu xuống lòng sông để hút cát. Theo quy định, đơn vị khai thác phải cắm mốc giới (thả phao) tại những vị trí được cấp phép nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, nhưng chúng tôi không tìm thấy bất kỳ phao nào tại đây. Có đoạn, PV ghi nhận 2 tàu hút cát hoạt động chỉ cách nhau khoảng hơn 100 m, trong khi quy định khoảng cách phải từ 200 m trở lên.
|
|
Theo tìm hiểu của PV, đơn vị khai thác cát trên đoạn sông từ xã Trí Bình đến xã Phước Vinh (H.Châu Thành) là Công ty CP khai thác khoáng sản Tây Ninh, được cấp phép thời hạn 12 năm (tính từ ngày 16.1.2007) với trữ lượng 465.502 m3 (công suất 40.000 m3/năm). Tuy nhiên, theo người dân sinh sống ven sông và hình ảnh PV Thanh Niên ghi nhận, thời gian gần đây mỗi ngày có 2 lượt tàu công suất khoảng 600 m3 và 2 - 3 lượt tàu công suất 100 - 200 m3 khai thác, cùng nhiều sà lan khác chở cát từ công trường về hướng Củ Chi (TP.HCM) tiêu thụ. “Với tần suất khai thác này, mỗi ngày công trường này có thể hút khoảng 1.500 - 2.000 m3 cát. So với công suất đơn vị này được cấp phép là 40.000 m3/năm thì chỉ cần khai thác trong vài chục ngày là hết”, một người dân tính toán.
Do cát khan hiếm từ khi UBND tỉnh Tây Ninh tạm ngưng toàn bộ hoạt động khai thác trên lòng hồ Dầu Tiếng (22.4) nên trên sông Vàm Cỏ Đông khi cát vừa được hút lên mặt nước được sang mạn bán ngay tại chỗ. Những chiếc tàu tải trọng vừa (100 - 200 m3) đến lớn (600 - 700 m3) hoặc sà lan liên tục ra vào chở cát đi nơi khác. Nhiều tàu khác cũng xếp hàng neo đậu sẵn chờ đến lượt nhận hàng. Từ những hình ảnh PV cung cấp, một cán bộ Thanh tra giao thông Tây Ninh khẳng định: “Các sà lan, tàu chở này đều quá tải trọng do dấu mớn nước chìm lấp sấp mặt sông nhưng không xác định được quá tải bao nhiêu phần trăm, mà phải kiểm tra thực tế”.
|
Nông dân lo “hà bá” nuốt đất
Theo nhiều người dân sinh sống ven sông, trong những ngày qua, đơn vị khai thác cát cử người đến thương lượng, mua đất nhằm gia tăng hoạt động tại khu vực này, đồng thời tránh khiếu kiện khi xảy ra sạt lở. Nhiều người “nhắm mắt” bán đất, nhưng cũng không ít người phản đối. Ông Trần Văn Hả cho hay, gia đình có hơn 2 ha đất ruộng với 150 m đất dọc mặt sông.
|
|
“Đất từ thời cha mẹ để lại nên gia đình kiên quyết không thương lượng bán cho đơn vị khai thác mà để sinh sống. Nếu tôi đồng ý bán đất để lấy vài chục triệu đồng thì chục năm nữa bờ sông bị sạt lở, con cháu tôi lấy gì mà sống”, ông Hả nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khá (47 tuổi, ngụ xã Trí Bình) lo lắng: “Chưa bao giờ khai thác cát ồ ạt, nhiều tàu, sà lan lớn đến mua liên tục như vậy. Cuộc sống chúng tôi bám hết vào mảnh ruộng ven sông mà tỉnh lại cho khai thác cát kiểu này, không sớm thì muộn đất chúng tôi cũng bị hà bá nuốt xuống sông như ở Tiền Giang vừa rồi”. Còn ông Trần Văn Bình (53 tuổi, ngụ xã Trí Bình) bức xúc: “Do không bán đất nên ngày nào gia đình chúng tôi cũng phải canh ghe hút mà đuổi họ đi. Nhưng khổ quá, chúng tôi còn đi làm thuê làm mướn chứ chẳng lẽ ngày nào cũng canh đuổi tàu hút cát mãi hay sao?”.
Chủ tịch UBND xã Trí Bình Phạm Văn Hồng cho biết hằng tháng chính quyền xã đều nhận được kế hoạch của đơn vị khai thác (đoạn qua địa bàn xã Trí Bình). Tuy nhiên, ngoài 2 chiếc đăng ký hoạt động thì có rất nhiều tàu lạ cũng xuất hiện nhưng vượt quá thẩm quyền xử lý của UBND xã. Ông Hồng lo lắng nói: "Người dân địa phương liên tục cầu cứu nhưng thẩm quyền chúng tôi chỉ theo dõi, báo cáo lên lãnh đạo huyện để có hướng xử lý".
tin liên quan
Khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng: Cần minh bạch khi chọn thầuChiều 2.5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tại Tây Ninh.
Chờ cuối năm kiểm tra?!
Trong khi đó, ông Trần Minh Sơn, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, cho biết sẽ nhanh chóng kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng mà PV phản ánh. Theo ông Sơn, việc đơn vị được cấp phép hoạt động nhưng khai thác phải đảm bảo đúng quy định (số lượng phương tiện, vị trí khai thác, khoảng cách khai thác...). Trường hợp 2 ghe hút cát hoạt động gần nhau như phản ánh là vi phạm.
Về việc giám sát công suất hoạt động, trữ lượng cát hút hằng ngày để tránh thất tài nguyên khoáng sản, ông Sơn khẳng định: "Sở không đủ lực lượng để kiểm soát trữ lượng khai thác hằng ngày. Mà theo đó, hằng năm, Sở tiến hành đo hồi âm, vẽ hiện trạng đáy sông để xác định trữ lượng còn lại so với thời điểm cấp phép. Sau đó, đối chiếu với chứng từ của đơn vị khai thác. Nếu vượt độ sâu khai thác sẽ đình chỉ". Cũng theo ông Sơn, Công ty CP khai thác khoáng sản Tây Ninh là đơn vị từng bị đình chỉ khai thác khoảng 30 km sông đã được cấp phép trước đó do có vi phạm về khai thác vượt độ sâu cho phép.
|
Trả lời câu hỏi PV về trách nhiệm thuộc về ai nếu xảy ra sạt lở sau khi doanh nghiệp hết phép hoạt động, ông Sơn cho rằng: "Khi có sự cố, ngành chức năng đánh giá nguyên nhân do đâu mới có cơ sở xử lý. Nếu nguyên nhân xác định do hút cát quá độ sâu khai thác thì sẽ xử lý đơn vị khai thác".
Xử phạt nhiều xe chở cát quá tải trong hồ Dầu Tiếng
Ngày 7.5, ông Lê Nhật Thành, Phó chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết trong thời gian xử lý xe quá tải khu vực lòng hồ Dầu Tiếng (từ ngày 16.4 đến nay), Sở đã xử lý 20 trường hợp xe chở cát quá tải trọng cho phép trên 30% (có 3 xe chở vượt tải trọng từ 50 - 100%). Cũng theo ông Thành, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn do các phương tiện này gây ra, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với công an và Phòng Kinh tế hạ tầng H.Dương Minh Châu, kiểm tra giao thông khu vực bến bãi trong lòng hồ; đồng thời triển khai lực lượng chốt chặn trên các ngã đường từ hồ Dầu Tiếng đi về các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM... để kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển cát quá tải.
|
Bình luận (0)