Giải thích về tỷ lệ giải quyết án hành chính thấp so với chỉ tiêu đề ra, ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nhận định việc gia tăng các vụ án hành chính là bình thường, khi kinh tế - xã hội phát triển dẫn đến phát sinh nhiều thứ như quy hoạch hạ tầng, xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, giải tỏa đền bù, tái định cư...
“Chính quyền ra nhiều quyết định hành chính, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, không thoả mãn thì khiếu kiện chính quyền”, ông Quang phân tích.
Tuy nhiên, ông Quang cho hay, khi tòa thụ lý các vụ án này thì việc xử lý gặp nhiều khó khăn vì triệu tập được chủ tịch ủy ban nhân tỉnh hoặc người đứng đầu ra tòa là “cực khó”.
“Các vị (chủ tịch ủy ban nhân dân - phóng viên) cứ nghĩ rằng khi bước ra toà thì vị thế tôi bị thấp, nên các ông chủ tịch, phó bí thư tỉnh nằm trong thường trực tỉnh uỷ mà phải đến toà để thẩm phán trung cấp xét xử thì các ông thấy vị thế mình bị thấp, nên việc triệu tập họ đến toà cực khó”, ông Quang phân trần và cho biết, khi các lãnh đạo tỉnh không đến tòa thì không thể đối thoại, không thể cung cấp chứng cứ nên việc tòa phải hoãn nhiều lần hoặc chất lượng xét xử cũng thấp.
Ngắt lời ông Quang, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm ngoái, Ủy ban Tư pháp đã có giám sát chuyên đề về vấn đề này và đề nghị Tòa án nhân dân tối cao thống kê đưa ra Quốc hội những chủ tịch, phó chủ tịch không đến toà nằm ở những tỉnh nào.
“Như vậy xử lý được ngay. Chúng ta có kỷ luật của việc chấp hành quy định của toà. Chỉ cần như thế, năm sau không nói đi nói lại việc này nữa”, bà Nga nhấn mạnh.
Làm rõ cấp ủy nào vì bị xử án hành chính mà không phê chuẩn bổ nhiệm thẩm phán
Tiếp tục giải trình về vấn đề nể nang khi xử các vụ án hành chính mà thành viên Ủy ban Tư pháp nêu, ông Quang nói: “Tôi nghĩ các đồng chí biết rồi. Ông chủ tịch to đùng như thế, thẩm phán thì bé như thế, không nể nang không được”.
Tuy nhiên, ông Quang khẳng định, bản lĩnh của thẩm phán tốt hơn, có nể nang nhưng không vì thế mà không xử được, chỉ có điều nó bị ách tắc.
|
“Chính việc nể nang và vị thế (giữa chủ tịch ủy ban nhân dân và thẩm phán - phóng viên) này tạo áp lực rất lớn. Nhiều thẩm phán, chánh án, phó chánh án khi tái nhiệm lại thì cấp uỷ không chuẩn y, hoặc là khó khăn trong hiệp y, hoặc nói những lý do không nằm trong luật như đồng chí này có điều tiếng, thái độ, đồng thời có nhiều đơn thư, thường vụ không hiệp y, thế là xong”, ông Quang phân trần và cho biết, nói như vậy để các đại biểu chia sẻ khó khăn với tòa trong giải quyết án hành chính.
Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, trường hợp nào tòa án bị mất tính độc lập, cấp ủy vì bị thẩm phán xử án hành chính mà không phê chuẩn bổ nhiệm thì Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá và kiến nghị những vụ việc cụ thể thì mới có thể giải quyết dứt điểm việc này được.
“Các anh cứ thống kê cho chúng tôi một vài vụ, chúng tôi sẽ có ý kiến với cấp ủy để đảm bảo tính độc lập cho tòa án. Dở nhất là chúng ta nói chung chung, rất thẳng thắn nhưng chỉ là chém vào không khí nên từ năm này qua năm kia không giải quyết được”, bà Nga nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 3.9, đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng, đánh giá tỷ lệ thi hành án hành chính từ ngày 1.10.2018 - 31.7.2019 đạt thấp (chỉ 39%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng gấp hơn 2 lần hơn so với cùng kỳ năm 2018 và đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nhất là về nguyên nhân chủ quan và có giải pháp quyết liệt.
|
Bình luận (0)