Ông Đoàn Ngọc Hải: ‘Tôi còn luyến tiếc một điều’

Đình Phú
Đình Phú
05/06/2019 14:45 GMT+7

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên đã nộp đơn xin từ chức vào hôm qua 4.6. PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Hải xung quanh đơn xin từ chức này.

PV Thanh Niên: Buổi sáng nhận quyết định điều động từ Phó chủ tịch UBND Q.1 về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên, đến buổi chiều ông đã nộp đơn xin từ chức. Vì sao ông nộp đơn xin từ chức một cách “chớp nhoáng” như vậy?

Ông Đoàn Ngọc Hải: Như trong đơn từ chức tôi có nêu rõ lý do, là khi về đó tôi không hợp sở trường, chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác. Với tư cách là một đảng viên, 3 năm quân ngũ, 25 năm công tác tại Q.1, tôi nghĩ phải chấp hành các quyết định về cán bộ, tổ chức. Khi nhận quyết định tôi đã chia sẻ như thế, và tôi cũng có nói là sẽ có hành động phù hợp với người cán bộ đảng viên trong tình hình hiện nay.

Nếu tôi miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết, thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nên tôi quyết định nộp đơn xin từ chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên.

[VIDEO] Ông Đoàn Ngọc Hải nói gì khi lần thứ hai nộp đơn xin từ chức?

“Nay nhiệm vụ mới tôi nhận thấy là không phù hợp nên xin từ chức”

* Trước khi ra quyết định điều động, thành phố có hỏi ý kiến ông?

* Khi từ chức rồi, ông có sợ sẽ bị phanh phui tiêu cực khi còn đương chức?

Ông Đoàn Ngọc Hải: Tôi không sợ gì cả vì không bao giờ tôi cố ý làm trái để trục lợi, không bao giờ o ép doanh nghiệp, người dân để lấy tiền. Nếu sợ tôi đã không trực diện với tiêu cực trên vỉa hè, sẽ không bao giờ dám thẳng thắn trong các cuộc họp Ban Thường vụ về công tác cán bộ.

- Thành phố có hỏi ý kiến của tôi. Tuy nhiên, nguyện vọng mà tôi đề đạt là được gắn bó với công tác Đảng hoặc chính quyền vì hợp sở trường mà tôi trình bày trước đó đã không được chấp nhận.

* Năm 2018 ông từng nộp đơn xin từ chức vì “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân”, và rồi rút đơn; nay lại xin từ chức khi mới nhận nhiệm vụ mới, vì sao lại như thế?

- Năm 2018 khi tôi nộp đơn từ chức Phó chủ tịch UBND Q.1, có lãnh đạo thành phố động viên tôi ở lại, và tôi rút đơn để tiếp tục làm việc. Nay nhiệm vụ mới tôi nhận thấy là tôi không phù hợp nên tôi xin từ chức.

* Có thông tin cho rằng “ông Hải quậy quá phải điều đi chứ ở lại Q.1 xáo xào không điều hành gì được?”

- Đó là thông tin của một vài cá nhân. Người thẳng thắn, nóng nảy khác với quậy phá. Bố trí cán bộ như vậy nặng tính cá nhân, duy ý chí, không có cơ sở khoa học trong công tác cán bộ.

Ông Đoàn Ngọc Hải thời còn làm Phó chủ tịch UBND Q.1, trong một lần ra quân xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường ẢNH: NGỌC DƯƠNG

"Xin hỏi phương pháp căn cơ là phương pháp như thế nào”

* Cũng có ý kiến cho rằng làm Phó chủ tịch quận thì cần có tầm tham mưu cho lãnh đạo quận về đường dài, chứ không nên xuống đường quá nhiều dẹp vỉa hè hay bắt chó thả rông. Việc làm đó không đúng tầm, mất thời gian mà chỉ cần giao cấp dưới làm, nếu không hoàn thành sẽ xử lý?


- Bắt chó thả rông, tôi vẫn giao cho cấp dưới, nhưng trường hợp đặc biệt ở đường Mai Thị Lựu, trong cuộc họp P.Đa Kao đề nghị quận giúp, thì tôi phải trực tiếp vì theo báo cáo của lãnh đạo phường Đa Kao, là nhà này có 2 người đi tù về nên không ai dám đụng vào. 

Về chuyện vỉa hè, tôi đã từng đề đạt với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân rằng nếu không dọn dẹp vỉa hè thì 100 năm nữa thành phố mình cũng không được như Singapore hiện nay, chứ đừng nói đến Singapore 100 năm sau. Tôi nghĩ có một việc cần phải làm hàng ngày, đó là vỉa hè thông thoáng, văn minh, an toàn. Vấn nạn buôn bán bừa bãi, nhếch nhác trên vỉa hè góp phần gây kẹt xe nghiêm trọng, an toàn vệ sinh thực phẩm không có, chất lượng cuộc sống cộng đồng bị hạ thấp, thể hiện sự quản lý rất yếu kém của chính quyền cơ sở.

Nếu nói dọn dẹp vỉa hè cần phải có giải pháp căn cơ, phải có lộ trình, thì xin hỏi phương pháp căn cơ là phương pháp như thế nào, lộ trình thì đến bao giờ chấm dứt được sự nhếch nhác trên vỉa hè để cấp dưới thực hiện? Nếu chỉ đạo “chung chung” như thế thì cấp dưới làm sao thực hiện được.

“Tôi quay trở về với công việc kinh doanh mà bố mẹ ruột đã để lại”

* Ông có nghĩ là ông mạnh tay với “dẹp loạn” vỉa hè khiến ông rơi vào tình cảnh như hiện nay?


- Khi viết đơn xin từ chức, tôi cũng có chia sẻ rằng phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có “máu mặt”, và kết quả đối với cá nhân tôi ngày hôm nay là như vậy.

* Nếu đơn từ chức của ông được chấp nhận, ông sẽ làm gì?

- Tôi quay trở về với công việc kinh doanh mà bố mẹ ruột đã để lại.

* Nếu sẽ được giải quyết nguyện vọng từ chức, ông có luyến tiếc điều gì không?

Tôi còn khát vọng nhưng không thể tiếp tục. Tôi không phải cán bộ luôn vâng dạ, cúi mình trước cấp trên. Tôi rất tiếc khi chưa làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho người dân Q.1.

Khi từ chức rồi, tôi được thoải mái hơn trước, nhưng chỉ buồn một điều là chưa làm được gì nhiều cho người dân. Tôi còn “nợ” người dân 8 chung cư thuộc diện cần phải cải tạo xây mới lại cho an toàn, khi chưa kịp cùng với các sở ngành xử lý sớm việc tái định cư cho người dân.

Tôi có thời gian 3 năm gắn bó trong quân ngũ, ở Lữ đoàn 477 Quân khu 7. Và tôi còn luyến tiếc một điều, là về việc trước đây tại sao mình không chọn môi trường quân đội để phấn đấu và cống hiến, một môi trường cực kỳ tốt đẹp và phù hợp với phong cách của tôi hơn.

* Khi từ chức rồi, ông có sợ sẽ bị phanh phui tiêu cực khi còn đương chức?

- Tôi không sợ gì cả vì không bao giờ tôi cố ý làm trái để trục lợi, không bao giờ o ép doanh nghiệp, o ép người dân để lấy tiền. Nếu sợ tôi đã không trực diện với tiêu cực trên vỉa hè, sẽ không bao giờ dám thẳng thắn trong các cuộc họp Ban Thường vụ về công tác cán bộ.

* Xin cám ơn ông!

[VIDEO] Ông Đoàn Ngọc Hải và những phát ngôn "gây bão" trước khi từ chức
 
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 4.6, ông Nguyễn Hồ Hải, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, cho biết thời điểm xây dựng quy trình điều động ông Đoàn Ngọc Hải, ông chưa làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy (ông Nguyễn Hồ Hải từ Bí thư Quận ủy Q.3 được điều động làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy ngày 11.4 - PV) nên không thể cho biết ý kiến liên quan đến việc điều động; chưa kể hiện Ban Tổ chức Thành ủy chưa nhận được đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải. Theo ông Hồ Hải, thông tin liên quan PV liên hệ với Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM.
Lý giải việc điều động ông Đoàn Ngọc Hải về SGCC, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết trước đây ông Hải có kinh qua nhiệm vụ ở Chi cục Thuế Q.1, và khi làm Phó chủ tịch UBND Q.1 được giao mảng đô thị nên việc điều qua là phù hợp. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP.HCM thấy ông Hải năng nổ, xông xáo thực hiện nhiệm vụ, trong khi đội ngũ lãnh đạo ở các tổng công ty thuộc TP còn mỏng, một số nơi yếu nên việc đưa ông Hải về để “xốc” những tổng công ty nhà nước lên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nói: “Đây là một tổng công ty lớn chứ có phải nhỏ gì đâu, lại trực thuộc UBND TP.HCM, hệ số lương ngang với phó giám đốc sở. Ngoài ra, ở tổng công ty này hiện chỉ có phó giám đốc phụ trách về kỹ thuật, chuyên môn xây dựng. Về việc này, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã gặp anh Hải trao đổi rồi”.
Ông Phong nói thêm: “Anh Hải là cán bộ của Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, mà Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ là một bộ phận khi làm nhân sự trình Ban Thường vụ Thành ủy, đã tổ chức gặp gỡ, phân tích kỹ đối với trường hợp anh Hải, thậm chí gặp rất nhiều lần. Hơn nữa anh Hải thuộc diện Thường vụ Quận ủy Q.1 nên công tác nhân sự phải làm chặt chẽ, nhiều lần chứ đâu phải muốn điều là điều đâu”.
Về nguyện vọng mà ông Hải đề đạt, ông Phong cho biết trước khi điều động cần phải xem nhu cầu ở đơn vị có cần hay không, chứ không phải muốn là điều động. Hiện UBND H.Cần Giờ đã đủ phó chủ tịch rồi và không cần có thêm phó chủ tịch nữa.
Khi được hỏi: “Việc điều chuyển ông Đoàn Ngọc Hải có xuất phát từ thông tin mâu thuẫn của lãnh đạo Q.1 nhiều năm không thể giải quyết được?”, ông Nguyễn Thành Phong cho hay khi làm quy trình điều động ông Hải, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM “không có suy nghĩ đó”.
“Riêng công tác cán bộ thì phải làm đúng quy trình chứ không thể tùy tiện được. Muốn bổ nhiệm cán bộ tại chỗ thì phải qua 5 bước rất rõ ràng”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm trong lần đầu tiên ông Hải nộp đơn từ chức và sau đó có đơn xin rút, Sở Nội vụ đã phải hỏi ý kiến Bộ Nội vụ. Sau đó, Bộ Nội vụ trả lời do đơn từ chức chưa được Ban Thường vụ Thành ủy xem xét và ông Đoàn Ngọc Hải thuộc sự quản lý của Thường trực Thành ủy nên quyền quyết định thuộc Ban Thường vụ Thành ủy. Từ đó, Ban Tổ chức Thành ủy và Thường vụ Thành ủy mới chấp nhận đơn xin rút đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải.
Trung Hiếu - Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.