Đà Nẵng "đang gia cố thêm" cường độ và tính chất cách ly xã hội
Chiều 2.8, báo cáo với Thường trực Chính phủ về tình hình dịch bệnh ở địa phương, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, với diễn biến của tình hình dịch hiện nay, Đà Nẵng "rất quan ngại đến 6 ca nhiễm chưa xác định được vết tích là có liên quan đến các ca trước hay không. Đà Nẵng và Bộ Y tế rất quan ngại 6 ca này".
Ông Thơ cho rằng: "Khi chưa xác định được vết tích 6 ca này, chúng ta có quyền nghi ngờ trong cộng đồng đâu đó còn rất nhiều, hay có những ổ dịch khác chưa truy tìm được".
Do đó, chiến lược chống dịch hiện nay của Đà Nẵng, theo ông Thơ, là xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa và dập dịch, để giải quyết việc dịch lây lan trong cộng đồng, chứ không phải khu trú trong bệnh viện hay một số điểm dân cư.
Đà Nẵng đã sớm thực hiện cách ly xã hội và "đang gia cố" thêm cường độ và tính chất của cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, yêu cầu củng cố các tổ giám sát Covid-19 ở cộng đồng và các tổ này trở thành công cụ ở cơ sở để tăng cường giám sát, cách ly ở cộng đồng một cách nghiêm ngặt.
Mọi người đang sinh sống ở Đà Nẵng đều được yêu cầu ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự thiết yếu. Đà Nẵng cũng đã tiến hành phong tỏa tiếp một số cơ sở có hiện tượng dịch bùng phát và lây lan, như Bệnh viện Cẩm Lệ, nơi phát sinh 2 ca nhiễm trong bệnh viện và thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang), nơi phát hiện 3 ca nhiễm.
Sắp gỡ phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng
Về Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, ông Thơ cho biết, 100% nhân viên bệnh viện đã được lấy mẫu xét nghiệm. "Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng có thêm 4 ca mắc Covid-19 liên quan đến y, bác sĩ. Chúng tôi hy vọng là con số sẽ dừng ở đây đối với y, bác sĩ ở bệnh viện đa khoa. Đà Nẵng đang trên đường làm sạch bệnh viện để trở thành trung tâm chữa bệnh", ông Thơ nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, trước đây, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng được xây dựng như một bệnh viện chủ lực trong điều trị những ca nhiễm Covid-19, "nhưng không may, ngay trong giai đoạn đầu tiên, nó bị Covid-19 đánh sập".
Trước thực tế này, Đà Nẵng đã thay đổi chiến lược điều trị, chuyển các ca Covid-19 sang Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang; "làm sạch" Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nhưng không điều trị Covid-19 nữa, mà tập trung chữa bệnh thông thường.
"Chúng tôi cho rằng cách làm này là đúng hướng. Bệnh viện C hiện đang cơ bản vượt qua giai đoạn ban đầu, vài ngày tới sẽ tiến hành xét nghiệm lần thứ 2 để dỡ bỏ phong tỏa. Vài ngày tới, Bệnh viện Hòa Vang cũng thành một trung tâm chữa trị Covid-19.
Chúng tôi đang xây dựng một bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, quy mô 700 giường, tuần tới dự kiến hoàn thành. Chúng tôi cũng đang bàn tới bệnh viện dã chiến thứ 2, lấy Trung tâm Hội chợ triển lãm để triển khai. Với cách làm hiện nay sẽ rất nhanh và không tốn kém. Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trong thiết kế, nghiệm thu và công nhận bệnh viện dã chiến càng sớm càng tốt để điều trị", Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng báo cáo.
"Vẫn làm theo một cách rất cũ nhưng hiệu quả"
Về chiến lược thời gian tới, Đà Nẵng cho biết "vẫn làm theo một cách rất cũ nhưng hiệu quả, là tăng cường cách ly hơn nữa".
Liên quan đến khuyến nghị của Bí thư Thành ủy TP.HCM về việc Đà Nẵng nên tính đến cách ly tại gia đình, vì khu cách ly tập trung rất có thể sẽ không kham nổi lượng người quá lớn (kinh nghiệm của TP.HCM là cứ mỗi ca F0 phải cách ly 280 người), Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nói: "Trước tình trạng ca nhiễm tăng lên rất nhanh, Đà Nẵng đang tập trung sử dụng hết công suất khu cách ly tập trung, ví dụ tất cả các khu ký túc xá của thành phố, huy động tất cả các quận, huyện sử dụng tất cả trường học, cơ sở công cộng khác để lắp đặt giường, cơ sở vật chất cho cách ly. Ưu tiên sử dụng khu vực công cộng này để cách ly F1".
Theo ông Thơ, "trong trường hợp số lượng bùng phát, tăng rất nhanh, đương nhiên chúng tôi đã tính đến phương án cách ly trong cộng đồng, tức là cách ly tại nhà".
Dù quy trình này phải được Bộ Y tế hướng dẫn và thực hiện một cách chặt chẽ, nhưng theo ông Thơ, Đà Nẵng đã "bỏ túi" phương án này, chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để nếu khu cách ly công cộng quá tải, có nguy cơ lây nhiễm chéo, thì sẽ kích hoạt phương án cách ly tại nhà.
Ông Thơ cũng nhấn mạnh, "thành bại" của chống dịch trong giai đoạn này là thực hiện xét nghiệm, cách ly, truy vết. "Nếu ta làm chậm, năng lực xét nghiệm không đủ, truy vết chậm, để lây lan trong cộng đồng, thì đến lúc không thể giải quyết được", ông Thơ nói.
Bình luận (0)